Đưa nghề về với phụ nữ nông thôn tại Thanh Hóa

Bình Minh

(Dân trí) - Nhiều ngành nghề được đưa về nông thôn đang từng bước giải quyết việc làm tại nhà cho lượng lớn lao động nữ nhàn rỗi, nâng cao đời sống, góp phần đáng kể cho chị em trong việc xóa đói, giảm nghèo.

Nhiều nghề phát huy hiệu quả

Tại xã Nga Hải, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa, hàng trăm phụ nữ có thu nhập ổn định trung bình từ 3-5 triệu đồng/tháng nhờ nghề sản xuất thủ công mỹ nghệ.

Năm 2018, sau khi tham gia lớp học nghề tiểu thủ công nghiệp do Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Nga Sơn tổ chức, Hội LHPN xã Nga Hải đã thành lập tổ hợp tác sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ với 30 thành viên.

Đưa nghề về với phụ nữ nông thôn tại Thanh Hóa - 1

Nghề đan lát mỹ nghệ tạo việc làm cho nhiều lao động là phụ nữ ở xã Nga Hải (Ảnh: CTV).

Đến nay, tổ hợp tác đã phát triển lên 70 thành viên. Ngoài tạo việc làm cho các thành viên, tổ hợp tác còn liên kết, mở rộng đào tạo nghề, tạo việc làm ổn định cho 300 phụ nữ trong xã với thu nhập trung bình mỗi người đạt từ 3-5 triệu đồng/tháng.

Nhờ được tập huấn kiến thức sản xuất thông qua tổ chức hội, chị Lê Thị Liễu, chi hội Hưng Đạo, xã Nga Thủy, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) làm trang trại đã đến ngày được hái "quả ngọt". Mùa nào thức ấy, trang trại của gia đình chị Thủy luôn có bưởi, ổi, dừa kết hợp với nuôi tôm, đàn bò hơn 10 con... có thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 3 lao động thường xuyên và nhiều lao động thời vụ.

Chị Liễu phấn khởi cho biết, gia đình muốn mở rộng quy mô sản xuất hơn nữa và sẽ phấn đấu làm để vừa có thu nhập, vừa giúp nhiều phụ nữ địa phương có việc làm, cải thiện cuộc sống.

Đến Hợp tác xã (HTX) thủ công nghiệp mỹ nghệ xuất khẩu Trung Kiên, thôn Trung Hậu, xã Hoằng Trung (Hoằng Hóa), đông đảo chị em phụ nữ đang thoăn thoắt may ráp các phần quai, thân; cẩn thận, tỉ mỉ cắt những đoạn chỉ thừa, xếp những chiếc túi xinh xắn, màu sắc bắt mắt thành từng chồng để hoàn thành sản phẩm theo đơn đặt hàng.

Chị Phạm Thị Ngân, Chủ nhiệm HTX thủ công nghiệp mỹ nghệ xuất khẩu Trung Kiên, cho biết, năm 2014 gia đình chị đầu tư mở xưởng may các loại túi xách dùng trong siêu thị. Qua bạn bè giới thiệu, cùng với việc hỗ trợ từ hội LHPN xã, gia đình đã đấu mối với Công ty CP Casablanca Việt Nam ở Hà Nội, để tìm hiểu quy trình sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm; đồng thời hướng dẫn cho các chị em phụ nữ trong xã học nghề thành thạo.

"Công việc này tương đối nhẹ nhàng, phù hợp với nhiều lứa tuổi phụ nữ, nhất là những người lớn tuổi. Đến nay, HTX đang tạo việc làm cho 150 hội viên phụ nữ địa phương, với mức thu nhập từ 3-8 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, HTX còn mở rộng thêm nghề đan cói, thu hút khoảng 50 chị em phụ nữ tham gia", chị Ngân thông tin.

Ngoài HTX thủ công nghiệp mỹ nghệ xuất khẩu Trung Kiên, trên địa bàn huyện Hoằng Hóa còn rất nhiều cơ sở sản xuất do phụ nữ làm chủ, đã và đang giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều hội viên, phụ nữ địa phương.

Điển hình như HTX tiểu thủ công nghiệp Long Anh (xã Hoằng Trinh) hiện đang dạy nghề làm lông mi giả cho 150 lao động nữ; nhà máy sản xuất mây tre đan Quốc Đại, thuộc Công ty TNHH Quốc Đại (xã Hoằng Thịnh), đang tạo việc làm cho 61 lao động nữ...

Theo số liệu thống kê, hàng năm trên địa bàn huyện Hoằng Hóa có gần 600 lao động nữ được dạy nghề, trong đó có gần 500 lao động có việc làm ổn định.

"Đòn bẩy" cho chị em thoát nghèo

Bà Phạm Thị Thúy, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa cho biết, theo khảo sát của các cấp hội, sau học nghề hơn 80% trở lên chị em được giới thiệu việc làm hoặc tự tạo việc làm có thu nhập ổn định.

149d5104140t26042l0.jpeg

Trung tâm dạy nghề phụ nữ tỉnh mỗi năm đào tạo 900 học viên (Ảnh: CTV).

Riêng Trung tâm dạy nghề phụ nữ tỉnh Thanh Hóa từ khi đi vào hoạt động (năm 2011) đến nay, mỗi năm đào tạo 900 học viên. Nghề được chú trọng đào tạo phù hợp với từng địa phương như: Trồng cây lương thực thực phẩm, chăn nuôi, thủ công mỹ nghệ…

"Những năm qua, việc mở các lớp dạy nghề cho lao động nữ ở nông thôn đang là hướng đi "đúng" và "trúng" cho mục tiêu tạo việc làm, nâng cao thu nhập, là đòn bẩy tạo đà cho chị em phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Xác định nhiệm vụ quan trọng đó, hàng năm, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo hội phụ nữ các cấp khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nữ tại địa phương, chủ động xây dựng kế hoạch, mở lớp dạy nghề phù hợp với từng đối tượng; phối hợp với các ngành, các cấp đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nữ nông thôn thông qua các hoạt động: tập huấn, xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ...", bà Thúy cho biết thêm.

Cũng theo Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa, thời gian tới, các cấp hội tiếp tục mở lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho phụ nữ khu vực nông thôn, hướng đến những ngành nghề chị em có thể làm tại nhà, tại địa phương lúc nông nhàn; tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên phát triển kinh tế hộ gia đình bằng nhiều hình thức như: Mở rộng các loại hình kinh doanh dịch vụ, sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất…

Bên cạnh đó, sẽ giao cho các huyện đấu mối với trung tâm dạy nghề tại địa phương, trung tâm học tập cộng đồng khuyến nông, khuyến lâm để dạy nghề cho chị em. Sau khi đào tạo sẽ thành lập các mô hình, tổ, sau đó lên hợp tác xã để duy trì bền vững đầu ra.

Thực hiện công tác dạy nghề, giới thiệu việc làm góp phần nâng cao thu nhập cho hội viên, phụ nữ, nhiệm kỳ 2016-2021 các cấp Hội LHPN trong tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp tổ chức đào tạo nghề cho hơn 49 nghìn lao động nữ, trong đó Trung tâm dạy nghề phụ nữ tỉnh Thanh Hóa chủ động, phối hợp, liên kết đào tạo 161 lớp sơ cấp nghề cho gần 5000 phụ nữ, vượt hơn 2.000 chỉ tiêu so với kế hoạch.