Dự thảo thi đánh giá năng lực vào lớp 6: Cần làm chặt chẽ để tránh tiêu cực!
(Dân trí) - Góp ý về Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT, ý kiến lãnh đạo nhiều trường cho rằng, đây là cách giảm tải khó khăn cho trường nhưng đừng tổ chức thi quá căng thẳng và cần làm chặt chẽ để tránh tiêu cực.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT có quy định mới: Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, sở GD&ĐT hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh.
PGS Đặng Quốc Thống, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Hiệu trưởng Trường trung học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội): Đừng để quá căng thẳng trong tổ chức thi!
Thông tư sửa đổi mới này rất phù hợp với thực tế, bởi trong 2 – 3 năm qua, việc không thi tuyển vào lớp 6 gây nhiều khó khăn cho những trường có số học sinh đăng ký nhiều hơn chỉ tiêu trường có thể tuyển.
Từ thực tế tuyển sinh của Trường THCS Đoàn Thị Điểm, PGS. Đặng Quốc Thống chia sẻ: Mọi năm xét tuyển dựa vào điểm học bạ, giấy khen, bằng khen ở bậc tiểu học. Tôi không nói những kết quả đó không thật tin cậy, nhưng trên thực tế, điểm 10 ở một trường trọng điểm có khác so với điểm 10 ở khu vực khác; bởi vậy việc tuyển sinh có sai lệch.
Qua mấy năm không thi tuyển, xảy ra tình trạng, học sinh có mặt bằng đầu vào như nhau, nhưng khi vào học lại chênh lệch, em đứng đầu lớp và cuối lớp khác xa, gây khó khăn cho việc tổ chức dạy học.
Một khó khăn nữa khi không được phép thi đầu vào với Trường THCS Đoàn Thị Điểm là trường này có nhiều hệ đào tạo. Bản thân các lớp thường ở đây đã là đào tạo chất lượng cao so với các lớp phổ thông bình thường. Mỗi ngày, học sinh của trường đều có 3 tiết học nâng cao những môn như Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, trong trường hợp nhất định có thêm môn Vật lý, Hóa học. Nếu không đáp ứng được trình độ, học sinh học như vậy sẽ quá tải.
Các lớp này đòi hỏi học sinh phải có khả năng tiếp thu tốt. Nhưng lấy cào bằng đầu vào, chúng tôi không thể tuyển chọn học sinh vào các lớp đó được. Nên bắt buộc, cứ sau một học kỳ, trường cho kiểm tra lại để sắp xếp lại lớp theo trình độ đào tạo nhằm có thể tổ chức dạy học hiệu quả hơn.
Để đảm bảo chất lượng, chúng tôi phải thêm hoạt động phụ đạo cho học sinh yếu và không thu tiền. Giáo viên phụ đạo là thầy cô giỏi, vững kinh nghiệm.
Do vậy, theo tôi, dự thảo thông tư mới có thể nói đã gỡ khó cho các trường luôn có số học sinh đăng ký quá nhiều so với chỉ tiêu, từ đó giúp các trường tổ chức dạy học tốt hơn” – PGS Đặng Quốc Thống cho hay.
Chia sẻ về băn khoăn có thể dẫn tới luyện thi, PGS Đặng Quốc Thống cho rằng, việc kiểm tra đánh giá trình độ người học là cần thiết. Vấn đề tổ chức thi làm sao để đừng quá căng thẳng.
"Với Trường THCS Đoàn Thị Điểm, nếu Thông tư trên đi vào cuộc sống, đầu tiên chúng tôi sẽ xét tuyển theo các tiêu chí đưa ra. Sau đó có bài kiểm tra trình độ học sinh để xếp lớp theo năng lực của các con. Làm được như vậy sẽ tổ chức dạy học hiệu quả hơn" - PGS Đặng Quốc Thống chia sẻ.
Cách hạn chế việc dạy học thêm, luyện thi cũng được PGS Đặng Quốc Thống đưa ra. Theo đó, ngay sau khi kết thúc năm học, nên cho các trường có nhu cầu tuyển sinh luôn. Cách tuyển sinh vừa dựa vào kết quả học tập ở tiểu học, đồng thời cho học sinh làm một bài test nhẹ nhàng để phân biệt trình độ.
"Chúng tôi đánh giá thực chất, không phải "luyện nòi". Kết thúc năm học, cho tuyển ngay sau đó 10 – 15 ngày. Với thời gian đó, học sinh không có thời gian luyện thi và cũng không cần luyện thi. Các con sẽ có một kỳ nghỉ hè thoải mái cùng gia đình" - PGS Đặng Quốc Thống chia sẻ.
NGƯT Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch HĐQT Trường THCS và THPT M.V.Lômônôxốp: Nếu không làm chặt chẽ dễ có hiện tượng tiêu cực
Nói về bản dự thảo được Bộ GD&ĐT xin ý kiến đến hết ngày 18/02/2018, NGƯT Nguyễn Phú Cường chia sẻ: Tôi rất mừng và đã bàn trong Ban giám hiệu để chuẩn bị cho việc thay đổi này vì những lí do:
Thứ nhất: Những năm trước chúng tôi xét tuyển bằng việc lấy tổng điểm kiểm tra định kì cuối năm học của 5 năm học tiểu học có kết hợp với điểm cộng khuyến khích khi học sinh có giải thưởng (giải tiếng Anh, Toán qua mạng; giải văn nghệ, thể dục thể thao; giải thi vẽ tranh…), nhưng thực tế vẫn chưa đạt được yêu cầu chính xác, công bằng, khách quan!
Thứ hai: Nhà trường chịu nhiều sức ép khi số học sinh nộp đơn vào xin lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, khiến Ban giám hiệu rất vất vả! Nếu không làm chặt chẽ dễ có hiện tượng tiêu cực. Nếu cho phép xét tuyển kết hợp với kiểm tra đánh giá năng lực học sinh sẽ giải quyết dễ hơn nhiều.
"Cần có kì thi tuyển đánh giá năng lực học sinh để góp phần định hướng cho việc dạy và đánh giá học sinh ở trường tiểu học" - NGƯT Nguyễn Phú Cường nêu quan điểm.
Bàn đến những băn khoăn việc cho phép xét tuyển kết hợp kiểm tra, đánh giá năng lực có thể dẫn tới luyện thi, NGƯT Nguyễn Phú Cường cho rằng: e ngại về việc tổ chức luyện thi thì phải cải cách việc thi đánh giá, không chỉ căn cứ vào việc giải toán đúng hay viết đúng ngữ pháp hoặc viết văn hay mà còn có những phần đánh giá năng lực khác (kiểm tra qua phỏng vấn hay trắc nghiệm).
Mặt khác xây dựng năng lực cho học sinh không thể luyện thi trong một thời gian ngắn được mà phải có quá trình để hình thành năng lực cho học sinh!
"Nếu Thông tư nói trên được ban hành chính thức, trường chúng tôi sẽ báo cáo Sở GD&ĐT về tuyển sinh lớp 6 qua xét tuyển kết hợp với kiểm tra năng lực.
Trong đó điểm kiểm tra định kì 5 năm học tiểu học cũng được tính nhưng hệ số thấp, còn điểm kiểm tra năng lực sẽ có điểm hệ số cao hơn, có cộng thêm điểm khuyến khích khi các cháu có giải thưởng trong một số kì thi được tổ chức theo như quy định tại Thông tư này" - NGƯT Nguyễn Phú Cường cho hay.
Hiếu Nguyễn