Dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ 2017: Mở ra vô vàn điều kiện cho thí sinh

(Dân trí) - Đại diện nhiều trường ĐH cho rằng so với năm ngoái, dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH,CĐ 2017 đã giải được một số vấn đề cho người học, không gây quá nhiều phiền hà đồng thời giúp thí sinh quen với việc đăng ký trực tuyến ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Ths Phạm Thái Sơn - Phó giám đốc trung tâm tuyển sinh và dịch vụ đào tạo trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM đánh giá rằng quy chế tuyển sinh năm nay tạo cho thí sinh vô vàn thuận lợi.

“Dự thảo quy chế này tạo điều kiện rộng hơn cho thí sinh khi nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển các ngành nghề thì thí sinh không cần phải đi tới tận nơi mà đã nộp ngay từ ban đầu và chỉ thực điều chỉnh sau khi thi. Thuận lợi thứ hai là thí sinh có vô vàn cơ hội trong việc xét tuyển vì không giới hạn số lượng nguyện vọng và số lượng trường đăng ký. Tuy nhiên dù “mở” như thế nhưng thí sinh sẽ biết lượng sức mình, nếu có điều chỉnh thì khả năng cũng không có thay đổi nhiều so với nguyện vọng đăng ký ban đầu”, ông Sơn chia sẻ.

Thí sinh xét tuyển ĐH năm 2016
Thí sinh xét tuyển ĐH năm 2016

Theo ông Phạm Thái Sơn, cách thức tuyển của năm nay thí sinh sẽ quen với việc đăng ký trực tuyến ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Điều băn khoăn chỉ là khâu hỗ trợ công nghệ thông tin có được các trường THPT, Sở GD-ĐT có thực hiện tốt hay không để sau khi thi xong thí sinh thực hiện việc điều chỉnh được thuận lợi hơn.

Bên cạnh đó, ông Sơn cũng cho rằng dự thảo quy chế chưa làm rõ tình huống nếu thí sinh trúng tuyển đã nộp phiếu điểm xác nhận nhập học nhưng vì một lí do nào đó muốn thay đổi thì có được rút ra để xét tuyển nguyện vọng khác hay không. Nếu xảy ra tình huống này thì sẽ không biết giải quyết như thế nào? Cần làm rõ để không thí sinh sớm cân nhắc.

Theo ông Sơn, với cách xét tuyển đưa ra năm nay thì có vẻ các trường sẽ có phần vất vả hơn tuy nhiên trong phần mềm ở cổng thông tin điện tử xét tuyển của Bộ GD-ĐT đưa ra cũng có hướng “lọc” các số liệu cho các trường lấy đó làm cơ sở để thực hiện việc định điểm trúng tuyển cũng như công tác xét tuyển. “Rõ ràng dự thảo quy chế ở đây cũng phần nào thể hiện tính tự chủ trong tuyển sinh bởi Bộ chỉ đưa ra các thông tin về mặt các khuyến cáo chứ không quyết vấn đề gì hết. Điều này cũng không giúp các trường giải quyết được vấn đề ảo. Bộ chỉ cung cấp thông tin cho các trường xem xét, tùy vào uy tín của các trường thì sẽ đảm bảo được số lượng tuyển.

Một số trường năm ngoái kêu ca rất nhiều về vấn đề ảo và quy chê năm nay đưa ra cũng không giải quyết được vấn đề này. Tuy nhiên bởi vì trường nào cũng yêu cầu tự chủ tuyển sinh thì phải chịu trách nhiệm và việc thí sinh ảo cũng là điều bình thường”, ông Sơn ý kiến.

Tương tự, TS Lê Chí Thông - Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TPHCM cũng cho rằng dự thảo quy chế tuyển sinh năm 2017 có những tiến bộ và hợp lý hơn các năm trước, trong đó có việc cho phép thí sinh đăng ký ngay từ đầu.

Đối với việc bỏ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, ông Thông cũng đồng tình với điều này: “Bộ đã cho phép nhiều trường tuyển sinh riêng bằng xét học bạ THPT thì việc bỏ “điểm sàn” cũng là hợp lý và công bằng hơn cho thí sinh”.

Tuy nhiên, ông Thông cho rằng Bộ nên giới hạn cụ thể số nguyện vọng để thí sinh có thể đăng ký. “Nên chốt số lượng nguyện vọng, có thể là cho phép nhiều nguyện vọng nhưng nên chốt một con số cụ thể có thể là 10, 15 hoặc 20 nguyện vọng. Bởi thí sinh khi được “mở cửa” thì các em sẽ ham và không biết đăng ký bao nhiêu trường, ngành cho đủ, thậm chí có những ngành các em chỉ đăng ký chơi và đặc biệt điều này sẽ gây khó khăn cho chính thí sinh khi không biết lựa chọn như thế nào”.

Đánh giá về dự thảo quy chế tuyển sinh năm 2017, TS Trần Đình Lý - Trưởng Phòng Đào tạo trường ĐH Nông lâm TPHCM cũng cho rằng: “Thực tế tuyển sinh nhiều năm qua có nhiều thí sinh không sử dụng hết quyền trợ giúp về số nguyện vọng tối đa. Trong khi đó các trường khi xét tuyển nếu không ràng buộc vấn đề quy chế và kỹ thuật thì sẽ dẫn đến tình trạng ảo - một cụm từ ai cũng lo lắng trong năm 2016.

Bộ GD-ĐT hỗ trợ tích cực trong các việc: xác định nguồn tuyển thông qua điểm sàn; cung cấp dữ liệu tuyển sinh với các mức điểm theo các tổ hợp xét; hỗ trợ công khau chỉ tiêu và năng lực tuyển sinh, đào tạo của các trường; hỗ trợ phần mềm cho trường nào có nhu cầu sử dụng, trường nào có phần mềm xét tuyển tốt và đã làm từ rất lâu rồi thì họ chủ động lấy dữ liệu để xét. Như vậy các trường sẽ chủ động, khi đã chủ động thì sẽ thuận tiện”

Ông Lý cũng cho rằng quy chế tốt và hợp lý đã khó, việc hỗ trợ kỹ thuật thậm chí cách làm của người làm kỹ thuật rất quan trọng đối với thí sinh và phụ huynh.

Lê Phương (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm