Du học bất thành vì lý do... trời ơi!

Khi khăn gói lên đường du học, mỗi người đều ấp ủ giấc mơ của riêng mình: thành đạt của bản thân, làm rạng danh gia đình, khám phá chân trời mới... Nhưng không phải giấc mơ nào cũng thành hiện thực.

Hoãn tốt nghiệp vì... thầy

 

Cộng đồng du học sinh tại tỉnh Chungnam (Hàn Quốc) không ai không biết V.A. Vốn là một sinh viên giỏi của ĐH Khoa học Tự nhiên, V.A. đã đạt kết quả cao trong kỳ thi tuyển gắt gao và nhận suất học bổng thạc sĩ tại ĐH S.

 

Cũng như hầu hết du học sinh ngành khoa học tự nhiên khác, hàng ngày, ngoài giờ lên lớp, V.A. còn làm việc trong lab của trường, phụ giúp giáo sư hướng dẫn làm nghiên cứu, tiến hành thí nghiệm giúp. Mỗi tháng V.A. được trả 500USD tiền lương. Như vậy cũng vừa đủ cho một du học sinh sống trong ký túc xá.

 

Với tố chất thông minh, chăm chỉ, V.A. lần lượt hoàn thành tất cả các môn học với đánh giá tốt của các giáo viên bộ môn. Cửa ải cuối cùng là bản luận án tốt nghiệp. Những tưởng trồng cây đã tới ngày hái quả.

 

Sau mấy tháng chong đèn, V.A. tự tin mang bản thảo đến xin ý kiến giáo sư. Nhưng, trái với mong đợi, câu trả lời của giáo sư hướng dẫn chỉ là một cái lắc đầu. Làm lại! Lại chong đèn, lại nộp, lại lắc đầu.

 

Hơn một năm trời như vậy. Bản luận án đã sửa nát nước, chỉ chờ duy nhất một chữ ký của vị giáo sư. Nhưng vẫn là cái lắc đầu. Từ căng thẳng, chán nản, V.A. bắt đầu rơi vào trạng thái trầm uất và tệ hơn là tìm đến rượu để giải sầu. Cả ngày, người ta chỉ thấy V.A. khật khừ trong trạng thái nửa tỉnh nửa say, không mấy khi nói một lời. Khi tôi đang viết bài này thì nghe tin anh đã rũ bỏ công sức gần 3 năm đèn sách để về nước.

 

Thật ra, trường hợp của V.A. được nhiều người biết tới chỉ vì ai cũng quan tâm đến trạng thái tâm lý của anh, còn anh không phải là người giữ kỷ lục về thời gian bị hoãn tốt nghiệp.

 

Ngay trong lab của V.A. có 4 du học sinh Việt Nam và 2 người Nepal, thì tất cả đều đã đến thời hạn mà chưa được tốt nghiệp. Trong đó có Q.T. (cựu sinh viên ĐHBK), đã được bố (một vị cũng có danh tiếng) gửi thư sang đề nghị cho tốt nghiệp mà hiện vẫn phải cày cuốc trong lab. C. (cựu sinh viên ĐH KHTN) đã 3 năm trông chờ mà vẫn chưa nhận được chữ ký của giáo sư hướng dẫn.

 

Trong cộng đồng sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc, nếu như các du học sinh ngành khoa học xã hội thường được tốt nghiệp đúng hạn, thì với du học sinh ngành tự nhiên, chuyện tốt nghiệp vô thời hạn là chuyện thường.

 

Bỏ qua những trường hợp không thể tốt nghiệp vì trình độ kém, còn lại đa phần sinh viên bị trì hoãn tốt nghiệp, vì các giáo sư muốn giữ sinh viên ở lại, để có người giúp trong phòng thí nghiệm. Nguyên nhân của hiện tượng này là do các giáo sư khó tìm được sinh viên bản địa làm giúp cho công việc đó, hoặc họ sẽ phải trả lương cho sinh viên bản địa hơn gấp nhiều lần so với sinh viên nước ngoài. Những trường hợp như vậy thường xảy ra ở các trường đại học ít danh tiếng, thiếu sinh viên, nhất là sinh viên nước ngoài.

 

Đi học hay đi... buôn?

 

Du học hiện nay không còn là cơn sốt, trào lưu như trước đây. Người ta không còn coi du học là cánh cửa dẫn tới thiên đường nữa. Cái mà họ quan tâm nhiều hơn là mục đích, điều kiện học tập, chuyên môn, thế mạnh của con em mình và của đất nước mà họ lựa chọn.

 

Bằng chứng là nếu trước đây, du học sinh Việt Nam chủ yếu tập trung ở Singapore và Úc, thì nay số lượng đã rải đều trên 40 đất nước và vùng lãnh thổ với con số không ngừng tăng. Theo Hội Sinh viên Việt Nam, hiện có hơn 38.5000 du học sinh Việt Nam đang học tập tại nước ngoài.

 

Tại Pháp, số du học sinh Việt Nam đứng thứ 2 trong các nước châu Á. Du học sinh Việt Nam đứng thứ 3 trong tổng số du học sinh tại Trung Quốc. Đó có thể coi là một khoản đầu tư không nhỏ của xã hội. Nhưng trong số đó không phải khoản đầu tư nào cũng thu hồi vốn và sinh lãi.

 

Ngoài số du học sinh sau khi tốt nghiệp không muốn về nước, những du học sinh vì nhiều lý do khác nhau phải về nước mà không được cấp bằng cũng có thể coi là một khoản đầu tư nhầm chỗ.

 

Như trường hợp V.A., Q.T. hay C. kể trên phần nào có thể đổ lỗi cho những nguyên nhân khách quan, còn những trường hợp dưới đây, chắc chắn chỉ có thể trách bản thân mình.

 

N.H. được gia đình chu cấp tiền du học tại Mỹ. Khác với du học sinh Việt Nam các nước khác, giới du học sinh Việt Nam tại Mỹ được coi là "quý tộc". Bởi chỉ có những gia đình thực sự có máu mặt mới đủ điều kiện cáng đáng khoản chi phí đắt đỏ tại đây.

 

"Chỉ cần cầm tấm bằng tốt nghiệp về là hoàn thành trách nhiệm, bất kể loại giỏi hay trung bình", trước khi đi bố N.H. đã dặn như vậy.

 

Nhưng nghiệp kinh doanh đã ngấm vào máu, H. kết hợp cùng mấy người bạn đánh hàng từ Việt Nam sang bán. Đầu tiên chỉ làm ăn cò con, nhưng càng làm càng mê. Tới lúc nhận được thông báo đình chỉ học tập của nhà trường, H. mới nhớ ra là cả học kỳ vừa rồi mình chưa tới trường buổi nào.

 

T., du học sinh thuộc loại cựu trào tại Nhật thì lách luật bằng cách nhanh chóng hoàn thành tất cả các học trình. Sau đó, tới lúc làm luận án tốt nghiệp thì T. khất. Lúc thì T. lấy lý do "luận án chưa hoàn thiện, cần thu thập thêm tài liệu", lúc thì "điều kiện sức khoẻ không đảm bảo". Thực chất T. khất để đi làm thêm cho các công ty Nhật. Qúa trình khất lần nghe đâu kéo dài 6 năm trời. Cuối cùng nhà trường không đủ kiên nhẫn, và T. vĩnh viễn không nhận được bằng tốt nghiệp từ trường đó.

 

Tại Hàn Quốc, K.T. tìm ra cách "làm ăn" khá lạ. Vốn có quan hệ rộng rãi với những người Việt Nam sang Hàn Quốc lao động, K.T. biết rõ khu vực nào có bao nhiêu người lao động Việt Nam sinh sống. Khi nghe tin có người lao động bất hợp pháp nào bị bắt, K.T. lập tức tổ chức đến nhà.... "hôi của". Trong một lần đụng độ dẫn tới xô xát, K.T. bị cảnh sát bắt tại trận và đưa thẳng về nước.

 

Du học sinh dính líu đến cảnh sát còn vì nhiều lý do khác như ăn cắp, đánh bạc... mà kết quả cuối cùng đều là bị đuổi học, và phải về nước ngay lập tức.

 

M.A., du học sinh tại Trung Quốc lại rùm beng với vụ yêu đương nữ giáo viên hướng dẫn của mình. Khi mọi việc có nguy cơ vỡ lở, M.A. lẳng lặng về nước để giữ danh dự cho người mình yêu.

 

Đó chỉ là một số ít trong vô vàn cửa ải mà du học sinh Việt Nam gặp phải. Họ thường được đánh giá là chăm chỉ, chịu khó nhưng lại hay khôn lỏi, kém tự tin dễ hoa mắt vì những cái lợi trước mắt. Nếu không biết tự vượt qua chính mình, họ sẽ chỉ là những "du học sinh lâu năm" mãi mãi chẳng bao giờ nhìn thấy tấm bằng tốt nghiệp ngang dọc ra sao.

 

Theo Khám Phá