Đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính về giáo dục

(Dân trí) - Nghị quyết 66/NQ-CP của Chính phủ đã thông qua phương án đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuộc chức năng quản lý của Bộ GD-ĐT. Theo đó, nhiều nội dung phương án đơn giản hóa được đưa ra liên quan đến tiêu chuẩn nhà giáo, thi và tuyển sinh, văn bằng chứng chỉ…

Liên quan đến lĩnh vực tuyển sinh nghị quyết đưa ra phương án đơn giải hóa một số thủ tục như thủ tục đăng ký dự thi ĐH, CĐ thì gộp phiếu báo dự thi và thẻ dự thi thành “Thẻ dự thi”. Thủ tục đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ thì quy định cụ thể trình tự, cách thức thực hiện, thành phần hồ sơ cho đối tượng xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Riêng về phần thủ tục triệu tập thí sinh trúng tuyển ĐH, CĐ đến trường thì bỏ “hồ sơ trúng tuyển” trong thành phần hồ sơ.

Về quan đến việc thi nâng ngạch giảng viên lên giảng viên chính, nghị quyết yêu cầu bổ sung phần thi thực hành. Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung quy định về nội dung thi cho phù hợp với tình hình và nhu cầu việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên chính trong giai đoạn hiện nay. Bổ sung các môn thi phù hợp với đòi hỏi thực tiễn hiện nay như: tin học, hoặc bổ sung các nội dung thi về chuyên môn.

Còn về điều kiện thực hiện thủ tục này thì bãi bỏ các điều kiện: “Có phẩm chất đạo đức và ý thức tổ chức kỷ luật tốt; có năng lực giảng dạy và nghiên cứu khoa học; đã chủ trì hoặc tham gia nghiên cứu đề tài khoa học cấp trường hoặc ngành được nghiệm thu và áp dụng có hiệu quả; đã duy trì hoặc tham gia viết giáo trình, tài liệu phục vụ giảng dạy”. Thay vào đó là bổ sung quy định rằng ứng viên phải có đủ điều kiện về số năm công tác, chức trách trình độ theo tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch giảng viên chính.

Cũng theo nghị quyết này thì thủ tục chuyển trường đối với học sinh THCS đã được đơn giản hóa. Trong đó, thành phần hồ sơ đã bỏ 4 loại giấy tờ không cần thiết.

Cụ thể, bỏ 3 loại giấy tờ: Bằng tốt nghiệp cấp học dưới (bản công chứng); giấy chứng nhận trúng tuyển vào lớp đầu cấp trung học phổ thông quy định cụ thể loại hình trường được tuyển (công lập hoặc ngoài công lập); giấy giới thiệu chuyển trường do Trưởng Phòng GD-ĐT (đối với cấp THCS), giấy giới thiệu chuyển trường do Giám đốc Sở GD-ĐT (đối với cấp THPT) nơi đi cấp (trường hợp xin chuyển từ tỉnh, thành phố khác).

Tính hợp lý của việc bãi bỏ các giấy tờ nêu trên có thể nhìn từ thực tế hiện nay, học sinh tiểu học không thi tốt nghiệp nên không có bằng tốt nghiệp cấp dưới với học sinh THCS. Bên cạnh đó, hầu hết các trường THCS đều không tổ chức thi đầu vào (trừ một số trường ngoài công lập, trường chuyên) mà sử dụng hình thức xét chuyển tiếp lên từ trường tiểu học cùng tuyến.

Ngoài ra, trong thành phần hồ sơ còn được bỏ giấy xác nhận của chính quyền địa phương nơi học sinh cư trú với những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về gia đình và sửa “giấy chứng nhận tạm trú dài hạn” thành “giấy chứng nhận tạm trú” với những học sinh chuyển nơi cư trú đến tỉnh, thành phố khác. Do khi học sinh từ tỉnh, thành phố khác chuyển đến nếu yêu cầu xin tạm trú dài hạn sẽ gặp khó khăn vì tạm trú dài hạn không được cấp ngay.

Cũng với thủ tục này, Chính phủ yêu cầu phải mẫu hóa Đơn xin chuyển trường và thời hạn giải quyết thủ tục tối đa là 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định nhằm tạo điều kiện cho học sinh được nhanh chóng đi học.

Tuy nhiên nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng trước khi quyết định đơn giản giản hóa các thủ tục hành chính giáo dục cần phải dựa vào tình hình thực tế. Chẳng hạn như, lâu nay Bộ GD-ĐT vẫn khuyến khích các trường sử dụng giấy báo dự thi kiêm thẻ dự thi nhưng lại xuất hiện tình trạng nhiều thí sinh đánh mất nên trong ngày làm thủ tục dự thi gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì thế nhiều trường vẫn quyết định tách giấy báo dự thi và thẻ dự thi ra riêng biệt cho dù biết tốn kém hơn.

Độc giả có thể tham khảo toàn bộ Nghị quyết 66/NQ-CP về phương án đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuộc chức năng quản lý của Bộ GD-ĐT tại đây
 
Nguyễn Hùng