“Đổi mới chương trình, SGK sẽ thất bại nếu không đầu tư đội ngũ giáo viên"
(Dân trí) - Phát biểu tại Hội thảo quốc tế “Đổi mới và hiện đại hóa chương trình và sách giáo khoa theo định hướng phát triển bền vững” do Nhà xuất bản Giáo dục vừa tổ chức, GS.TS Mike Horsley đã khẳng định như vậy.
GS.TS Mike Horsley là Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu Quốc tế về SGK và Phương tiện giáo dục (IARTEM), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục dạy – học, ĐH Central Queensland, Australia.
Giới thiệu giáo sinh thực tập vào các chương trình xây dựng SGK
Nhận định về vấn đề đổi mới và hiện đại hóa chương trình và sách giáo khoa trong thời đại số và toàn cầu hóa. GS.TS Mike Horsley cho rằng: “Thông thường, việc thay đổi chương trình kéo theo sách giáo khoa (SGK) và thiết bị hỗ trợ dạy học mới mang tinh thần và phương pháp tiếp cận để đạt mục tiêu và kết quả của chương trình mới. Tuy nhiên, tiếp cận này là chưa đủ. Chính giáo viên (GV) là người đưa ra nhiều quyết định về những nội dung chuyển tải (thay cho chương trình có sẵn) và cũng chính giáo viên là người điều tiết việc sử dụng SGK và tài liệu dạy học trong lớp. Kế hoạch phát triển SGK và chương trình mới đòi hỏi: Tham gia của đội ngũ đào tạo GV; chương trình đào tạo GV; khóa đào tạo tại chức và phát triển nghề nghiệp cho GV hiện nay; Sự đóng góp của GV trong quy trình phát triển SGK, viết và thử nghiệm”.
Phân tích về vai trò quan trọng trong công tác đào tạo giáo viên, GS Mike Horsley cho biết: “Điều đáng ngạc nhiên là những nhà giáo dục đào tạo GV không chú ý tới việc GV mới cần được làm quen với việc sử dụng SGK ra sao, và vai trò lớn hơn của họ trong việc diễn giải chương trình và định hình phương pháp sư phạm. Việc làm quen cũng bao gồm việc hòa nhập bởi SGK cũng giúp GV quen với hướng suy nghĩ theo chuyên môn. Cách nghĩ này phản ánh sự hiểu biết chung, dẫn tới hình thành cộng đồng thực hành cho một chủ đề nghiên cứu”.
Theo GS Mike Horsley, việc đào tạo GV thường không tích hợp những công cụ chuyên nghiệp có sẵn để hỗ trợ hoạt động dạy và học. Vì thế, sinh viên sư phạm không phát triển kĩ năng hệ thống trong việc điều tiết hướng sử dụng SGK và trong việc học để thay đổi SGK theo nhu cầu của học sinh trong lớp để nguồn tài liệu học tập hiệu quả hơn. SGK và tài liệu số hóa tiếp tục phát triển, thay đổi và trở nên phức tạp hơn. GV thực tập đặc biệt cảm thấy khó sử dụng, GV mới càng cảm thấy khó khăn hơn. Đặc biệt giờ đây SGK được biên soạn theo hướng tìm hiểu nội dung theo lí thuyết sư phạm. Nhiều GV hoài niệm thời kì sử dụng tài liệu dựa trên cơ sở thông tin và kiến thức cũ. SGK mới và tài liệu số hóa mới có thể khác biệt lớn về cách phát triển, cấu trúc và phương pháp sư phạm so với trước đây. Do vậy, phương pháp dạy học và nguồn tư liệu mới đòi hỏi GV tìm tòi và phát triển nghề nghiệp.
Chia sẻ bài học về đổi mới chương trình và SGK trong thời đại số hóa và toàn cầu hóa, GS Mike Horsley khẳng định: “Đào tạo GV cần được lồng ghép và tích hợp vào quá trình thay đổi chương trình. Các trường đào tạo GV có thể giới thiệu giáo sinh thực tập vào các chương trình xây dựng SGK và tài liệu số mới. Thông qua phát triển nghề nghiệp và hỗ trợ đào tạo sư phạm, GV có thể nhận biết chương trình mới và SGK phù hợp trong thực tế.
“Theo kinh nghiệm của tôi, những đổi mới về chương trình thất bại vì ít được theo dõi sau đào tạo GV và đào tạo phát triển nghề nghiệp – tiếp tục trợ giúp GV thực hiện chương trình và SGK mới phải là một đặc trưng của các cơ sở đào tạo GV. Đào tạo GV là cốt lõi của quy trình lâu dài thực hiện chương trình và sử dụng ngày càng hiệu quả SGK chất lượng” - GS Mike Horsley chia sẻ.
GS. TS. Mike Horsley - Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu quốc tế về SGK
và phương tiện giáo dục (Đại học Central Queensland, Australia)
Một trong những yếu tố quan trọng mà GS Mike Horsley nhấn mạnh đến là tính bảo thủ của GV. Theo GS, về bản chất, việc giảng dạy chứa đựng yếu tố bảo thủ. Trong thực tế phương pháp giảng dạy tương đối khó thay đổi. Việc thay đổi phương pháp giảng dạy cũng như sử dụng SGK thường đòi hỏi sự trợ giúp về mặt chuyên môn và các nguồn lực mới, sự hỗ trợ và đầu tư. Một số khía cạnh trong phương pháp giảng dạy chuyên môn của GV có xu hướng khiến cho (nếu không muốn nói là phần lớn) họ có phần bảo thủ hơn và phản đối việc thay đổi giáo trình và SGK cũng như tài liệu dạy học.
“Xét cho cùng thì GV là sản phẩm của hệ thống giáo dục mà họ đang dạy nên người ta mong đợi họ sẽ thay đổi cách giảng dạy, kể cả về mặt giáo trình và SGK cũng như tài liệu dạy học trên lớp. Một vấn đề đáng quan tâm khác ở đây là khả năng thay đổi và đổi mới ở mỗi GV khác nhau. Điều này dẫn đến sự khác biệt lớn giữa phương pháp giảng dạy thực tế và tiến bộ của GV trong quá trình đổi mới” – GS Mike Horsley nhận định.
Nói về bài học đổi mới chương trình và SGK trong thời đại số và toàn cầu hóa, GS Mike Horsley lưu ý: SGK mới cũng cần xem xét khả năng của GV bình thường và những người có tư tưởng đổi mới. Có lẽ, việc làm đó sẽ dẫn tới những cuốn SGK cốt lõi được hỗ trợ bởi nguồn tư liệu số. Có cách nào để khuyến khích những GV có tư tưởng đổi mới hỗ tợ việc viết SGK, tài liệu số hóa và các loại câu hỏi, cho phép họ tiến nhanh hơn trong việc thực hiện chương trình mới? Tốc độ thay đổi SGK và nguồn tư liệu số ở những GV khác nhau cần được xem xét trong quá trình phát triển nguồn tài liệu mới để hỗ trợ chương trình học.
Hồng Hạnh