Đôi điều về “chiếc áo” thành tích của giáo dục

(Dân trí) - Đọc bài viết “Xấu hổ vì không có học sinh … ở lại lớp”, tôi bỗng giật mình vì nghĩ mình đọc nhầm tiêu đề. Nhưng rõ ràng là cụm từ “ở lại lớp” chễm chệ sau dấu ba chấm đã gợi lên trong lòng tôi sự tò mò quá đỗi...

...“Không có học sinh ở lại lớp” là thành tích, là niềm tự hào chứ đâu lại là nỗi “xấu hổ”. Ấy thế mà đó lại là sự thật. Cảm ơn một bài viết thật hay, thật đúng với thực trạng của giáo dục Việt Nam nhưng không phải ai cũng dám nói. Và có lẽ rất nhiều nhà giáo đang đồng cảm sâu sắc với từng câu chữ trong bài viết.

Học sinh hoàn thành chương trình, lên lớp, tốt nghiệp phải chăng quá dễ dàng? Bởi những con số chất lượng mà các trường đánh giá tổng kết cũng như đặt chỉ tiêu trong các cuộc họp phụ huynh đầu năm học khá cao, thậm chí là “lung linh” quá mức. Tỉ lệ học sinh khá giỏi trong tổng số học sinh của lớp nhiều lúc chiếm đến hơn phân nửa. Việc học sinh lưu ban, ở lại lớp có vẻ là chuyện xa vời.

Người ta nói nhiều về “chiếc áo” thành tích của giáo dục. Thực tế thì sao? Tình trạng học sinh đọc không thông - viết không thạo vẫn lên lớp đều đều. Học sinh ngồi nhầm lớp vẫn là một gánh nặng với giáo viên cấp hai. Học sinh thi lại thì lắm lúc vẫn “giương giương tự đắc” bởi biết thế nào rồi thì mình cũng sẽ lên lớp vì thầy cô sẽ gạ bài, vớt điểm - các cháu vẫn “rỉ tai” to nhỏ với nhau thế đó.

Ai là người tường tận năng lực học tập của các cháu nếu đó không phải là giáo viên đứng lớp. Nhưng các cô buộc phải im lặng vì thành tích của các nhân, thành tích trường lớp ư? Thật sự đó sẽ là nỗi băn khoăn, trăn trở và xót xa của những nhà giáo có “tâm” luôn muốn dạy thực chất, đánh giá thực chất nhưng bất lực.

Tuy nhiên cũng sẽ có một số giáo viên cứ “xuôi theo chiều gió”, vô tư dạy, thoải mái nhận xét mà chẳng chút bận tâm giữa thành tích ảo và thực tế nhiều góc khuất. Ngành nghề nào cũng sẽ có “con sâu làm rầu nồi canh”. Nhưng sự giả dối trong giáo dục sẽ tai hại vô cùng!

Phổ cập giáo dục đang là một chủ trương lớn của giáo dục Việt Nam. Tất cả mọi người đều có quyền đi học, quyền được đến trường. Đó là một điều hết sức đúng đắn, đầy tính nhân văn, hợp với thời đại. Việc thực hiện Thông tư 30 với qui định bỏ chấm điểm thay vào đó là nhận xét, đánh giá học sinh tiểu học cũng vậy. Tuy nhiên, không thể phủ nhận một thực tế hiện nay ở các trường là căn bệnh thành tích.

Những chỉ tiêu chất lượng từ cấp trên đưa về như một cái “gông” cột chặt giáo viên vào chất lượng. Giáo viên được quyền đăng kí chất lượng nhưng vô lí là không được đăng kí thấp hơn mặt bằng chung của phòng, sở. Dạy học phải đảm bảo chất lượng so với chỉ tiêu đã đăng kí đó, nếu không thì cứ thế mà hạ thi đua cá nhân, cơ quan. Nếu không muốn bị nhắc nhở, nêu tên, hạ thi đua thì buộc phải gồng mình lên thôi. Đó là những điều bất hợp lí dẫn đến căn bệnh thành tích mà người ta bàn mãi, tính toán mãi nhưng vẫn chưa tháo gỡ được.

Công cuộc cải cách giáo dục mà nước ta đang đẩy mạnh trước hết cần loại bỏ căn bệnh thành tích, hình thức. Dạy học đúng thực chất, đánh giá đúng thực chất mới là cái gốc bền vững của giáo dục!

Thùy Mai

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm