Điểm chuẩn vượt 30 gây xôn xao, Trường Đại học Ngoại thương giải thích

Mỹ Hà

(Dân trí) - Sau khi tính toán điểm của thí sinh, trường sẽ thực hiện quy đổi mức tổng điểm về thang 30. Trường đưa ra cách tính này nhằm đảo bảo đúng quy định, tránh xảy ra tình trạng điểm chuẩn vượt 30.

Trao đổi với báo chí chiều 16/6, PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương cho biết, theo công bố điểm chuẩn của nhà trường, một số ngành năm nay có mức điểm chuẩn vượt ngưỡng 30.

Đây là những ngành thuộc phương thức xét tuyển kết hợp học bạ với giải học sinh giỏi quốc gia.

"Đó không phải mức điểm tuyệt đối mà đã được cộng thêm điểm ưu tiên và điểm thưởng giải học sinh giỏi.

Điểm chuẩn vượt 30 gây xôn xao, Trường Đại học Ngoại thương giải thích - 1

Công bố của Trường Đại học Ngoại thương, một số ngành có mức điểm chuẩn (chưa quy đổi) vượt ngưỡng 30 (Ảnh: M.H).

Nếu để riêng điểm học bạ, mức điểm chuẩn đều dưới 30 nhưng cộng thêm điểm thưởng các giải, điểm sẽ cao lên vượt khỏi ngưỡng 30", TS Hiền cho hay.

Cũng theo TS Hiền, những điểm chuẩn trên ngưỡng 30 thực ra là điểm "thô" trước khi chưa quy đổi để thí sinh nắm rõ.

Sau khi quy đổi, các mức điểm chuẩn đều không vượt ngưỡng 30 theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT.

Chẳng hạn ở ngành quản lý chuỗi cung ứng, mức điểm trúng tuyển ở phương thức xét học bạ với giải học sinh giỏi tỉnh là 31 điểm. Sau khi quy đổi điểm về thang 30, mức điểm trúng tuyển sẽ là 29,1.

Điều này đã được đưa ra trong đề án tuyển sinh nên nhà trường không thể làm trái quy định.

Tại đề án, trường quy định rõ công thức tính và điểm tối đa của phương thức xét này là 34, không phải 30 điểm (gồm 30 điểm từ ba môn trong tổ hợp xét + tối đa 4 điểm cộng thí sinh đạt giải nhất quốc gia).

Còn với phương thức xét tuyển kết hợp học bạ với giải học sinh giỏi cấp tỉnh điểm tối đa là 32.

Điểm chuẩn vượt 30 gây xôn xao, Trường Đại học Ngoại thương giải thích - 2

Nhiều thí sinh thắc mắc vì sao nhiều ngành vẫn có mức điểm chuẩn ở mức 34 (Ảnh: M.H).

Sau khi tính toán điểm của thí sinh, trường sẽ thực hiện quy đổi mức tổng điểm về thang 30 để thí sinh nắm rõ.

Nhà trường đưa ra cách tính này nhằm đảo bảo đúng với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thay đổi cách tính điểm ưu tiên, không xảy ra tình trạng điểm chuẩn vượt 30.

Đối với những thí sinh trúng tuyển sớm, TS Hiền lưu ý, các em sẽ nhận thông báo và hướng dẫn của trường sau đó đặt thứ tự nguyện vọng để tối ưu mong muốn, xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ GD&ĐT.

Chẳng hạn thí sinh mong trúng tuyển nguyện vọng vào Trường Đại học Ngoại thương thì nên đặt trường này là NV1.

"Các em nên xếp nguyện vọng theo mong muốn, thay vì xếp theo khả năng trúng tuyển", TS Hiền lưu ý.

Trước đó, tối 14/6, Trường Đại học Ngoại thương công bố điểm chuẩn của ba phương thức xét tuyển sớm.

Nhiều người thắc mắc bởi trong đó có nhiều ngành học được đưa mức điểm chuẩn vượt ngưỡng 30.  

Được biết, tại công văn hướng dẫn tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non, Bộ GD&ĐT yêu cầu trước khi xét tuyển, các cơ sở đào tạo phải quy về thang điểm 30 (bao gồm tất cả các điểm xét) và xác định mức điểm ưu tiên để xét. 

Theo Bộ GD&ĐT, cơ sở đào tạo quy định các tiêu chí phụ đối với thí sinh có năng lực vượt trội (nếu có) phải đảm bảo điểm trúng tuyển không lớn hơn 30 điểm, bao gồm cả điểm ưu tiên, điểm thưởng (nếu có).

Như vậy từ năm 2023 sẽ không có điểm xét tuyển vượt quá 30. Quy định này của Bộ GD&ĐT đưa ra, chấm dứt tình trạng 30 điểm vẫn trượt.