Điểm chuẩn ngành được ví là "vua", lương 1,5 tỷ đồng vẫn khát người

Hoài Nam

(Dân trí) - Thị trường đang thiếu trầm trọng nhân lực của ngành học được ví là "vua của mọi ngành" dù mức lương có thể lên đến 1,5 tỷ đồng.

Nắm bắt nhu cầu nhân lực, năm nay hàng loạt trường đại học mở ngành thiết kế vi mạch - ngành học mang tính thời đại, được nhiều người gọi là "vua của mọi ngành".

Điểm chuẩn ngành được ví là vua, lương 1,5 tỷ đồng vẫn khát người - 1

Học sinh tìm hiểu về ngành học tại chương trình tuyển sinh năm 2024 (Ảnh: Hoài Nam).

Chỉ riêng trong hệ thống Đại học Quốc gia TPHCM, có đến 3 trường thành viên gồm Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Trường Đại học Công nghệ Thông tin mở ngành thiết kế vi mạch.

Tại các trường, ngành thiết kế vi mạch thu hút sự quan tâm của nhiều thí sinh, có điểm chuẩn trúng tuyển ở mức cao.

Điểm chuẩn của ngành này tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên theo phương thức ưu tiên xét tuyển của Đại học Quốc gia TPHCM là 9,1/10; điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển thẳng của Đại học Quốc gia TPHCM là 8,8/10.

Theo phương thức đánh giá năng lực, điểm chuẩn là 910/1.200.

Tại Trường Đại học Bách khoa điểm chuẩn theo phương thức ưu tiên xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển của thiết kế vi mạch là 83,6/100 điểm. Mức điểm chuẩn chỉ đứng sau một số ngành như khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính, logistics và hệ thống công nghiệp, kỹ thuật cơ điện tử.

Điểm chuẩn ngành được ví là vua, lương 1,5 tỷ đồng vẫn khát người - 2

Năm 2024, có 3 trường thành viên của Đại học Quốc gia TPHCM tham gia đào tạo ngành thiết kế vi mạch (Ảnh: Thiện Thông).

Thiết kế vi mạch cũng là một trong những ngành có điểm chuẩn cao tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin.

Theo phương thức điểm thi đánh giá năng lực, điểm chuẩn vào ngành này của trường là 910/1.200.

Tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM theo phương thức ưu tiên xét tuyển học sinh đạt giải cấp tỉnh, giải cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia và phương thức ưu tiên xét tuyển học sinh giỏi trường chuyên, top 200 các trường THPT, ngành thiết kế vi mạch cùng có mức điểm chuẩn 26,35.

Phương thức xét học bạ đối với học sinh trường chuyên, ngành thiết kế vi mạch có điểm chuẩn 26,5; với học sinh trường THPT top 200 điểm chuẩn 26,75.  Với học sinh các trường còn lại, ngành này có điểm chuẩn lên đến 28,75.

Tại Trường Đại học Sài Gòn, điểm chuẩn năm nay theo kết quả thi đánh giá năng lực của các ngành dao động từ 723 đến 926 trên thang điểm 1.200. Riêng ngành thiết kế vi mạch có điểm chuẩn 866.

Nơi có điểm chuẩn chuyên ngành thiết kế vi mạch (thuộc ngành công nghệ thông tin) dễ thở nhất năm nay có thể kể đến Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn (SIU).

Với phương thức xét học bạ, ngành này có điểm chuẩn 20 điểm cho tổ hợp 3 môn xét tuyển và điểm trung bình cả năm lớp 12 đạt từ 6.5 điểm trở lên. Điểm chuẩn đánh giá năng lực là 600/1.200 điểm.

Tại Trường Đại học Phenikaa, ngành thiết kế vi mạch có điểm chuẩn xét tuyển  theo phương thức học bạ là 24 điểm; theo điểm đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội 70 điểm và dựa vào kết quả đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội là 50 điểm.

Còn điểm sàn theo phương thức xét điểm tốt nghiệp THPT năm 2024, thiết kế vi mạch cũng là ngành nằm trong nhóm có mức điểm cao.

Trong hệ thống Đại học Quốc gia, trường Đại học Khoa học Tự nhiên có mức điểm sàn các ngành đào tạo dao động từ 16-24 điểm. Trong đó, ngành thiết kế vi mạch có mức điểm sàn 20.

Điểm chuẩn ngành được ví là vua, lương 1,5 tỷ đồng vẫn khát người - 3

Được nhiều thí sinh quan tâm trong mùa tuyển sinh năm nay, ngành thiết kế vi mạch có khung điểm chuẩn khá cao (Ảnh: Hoài Nam).

Còn Trường Đại học Công nghệ Thông tin có mức điểm sàn ở ngành này là 22 điểm. 

Riêng Trường Đại học Bách khoa, điểm sàn cho tất cả các ngành đào tạo đối với điểm tốt nghiệp THPT 2024 chỉ từ 18 điểm cho 3 môn trong tổ hợp xét tuyển.

Tuy nhiên, mức điểm này chỉ là một thành tố chiếm tỷ trọng nhỏ chiếm 20% trong tiêu chí về học lực của phương thức xét tuyển kết hợp nhiều tiêu chí. Trường còn xét tiêu chí thành tích cá nhân và hoạt động xã hội văn thể mỹ.

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn cùng có điểm sàn 17 ở ngành thiết kế vi mạch.

Tại hội thảo Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam cuối năm 2023, đại diện công ty phần mềm thông tin nhân lực thiết kế vi mạch mới ra trường có thu nhập sau thuế mỗi năm gần 220 triệu đồng, với những người có kinh nghiệm lâu năm 1,3-1,5 tỉ đồng.

Nhu cầu tuyển dụng nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn của các công ty rất lớn tuy nhiên khó tuyển người do nhân lực trong lĩnh vực này đang thiếu.

Tại tọa đàm thiết kế chip bán dẫn do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tổ chức mới đây, đại diện các công ty phần mềm thông tin kỹ sư thiết kế chip mới ra trường có 1-3 năm kinh nghiệm có thể nhận mức lương 10.000-15.000 USD/năm. Với người có kinh nghiệm, mức lương này tăng lên 46.000-80.000 USD, thậm chí cao hơn.

Điểm chuẩn ngành được ví là vua, lương 1,5 tỷ đồng vẫn khát người - 4

Thiết kế vi mạch là ngành có thu nhập cao nhưng thị trường Việt Nam đang thiếu nhân sự trầm trọng (Ảnh: AI).

Theo Cổng thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, đến hết năm 2022, Việt Nam mới chỉ có khoảng 5.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, tập trung tại TPHCM (74%), Hà Nội (10%), Đà Nẵng (8%).

Con số này chỉ mới đáp ứng được 20% nhu cầu nhân lực thực tế. Việt Nam đã đặt ra mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư công nghệ bán dẫn đến năm 2030, trong đó cần thêm 12.000-15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm