Lo đậu đại học bằng học bạ: Phương thức nào rồi cũng… "vét" bằng hết?

Lê Đăng Đạt

(Dân trí) - Trước lo ngại của nhiều người về tuyển sinh đại học bằng học bạ, quản lý một trường đại học ở TPHCM thẳng thắn cho hay dùng phương thức nào thì các trường cũng cố "vét" hết thí sinh.

Kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển bằng học bạ không thua kém 

Trước băn khoăn về tình trạng điểm học bạ "ảo" trong tuyển sinh đại học, gần đây, một số trường đại học công bố so sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển bằng học bạ và các phương thức tuyển sinh khác.

Khảo sát của Trường Đại học Công Thương TPHCM cho thấy, tỷ lệ sinh viên trúng tuyển bằng học bạ ra trường loại xuất sắc và giỏi nhỉnh hơn nhóm trúng tuyển bằng điểm tốt nghiệp.

Lo đậu đại học bằng học bạ: Phương thức nào rồi cũng… vét bằng hết? - 1

Sinh viên Trường Đại học Công thương TPHCM (Ảnh: Hoài Nam).

Cụ thể, đối với sinh viên các năm 2019-2023, sinh viên xét tuyển bằng điểm tốt nghiệp THPT có tỷ lệ sinh viên xuất sắc là 0,21%; tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi là 6,56%; tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại khá là 69,24% và tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp trung bình là 23,98%.

Còn sinh viên sinh viên xét tuyển bằng học bạ tỷ lệ 0,24% xếp loại xuất sắc, 5,44% loại giỏi, 65,12 loại khá và 29,2% loại trung bình.

Theo nhà trường, về chất lượng đầu ra, không có sự khác biệt nhiều giữa sinh viên trúng tuyển theo phương thức xét học bạ và phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

Trường Đại học Sư phạm TPHCM đã tiến hành phân tích điểm trung bình tích lũy của hơn 10.000 sinh viên trúng tuyển theo các phương thức xét tuyển vào khác nhau vào trường trong 3 năm 2020, 2021 và 2022.

Với sinh viên trúng tuyển năm 2020, điểm trung bình tích lũy của sinh viên theo phương thức tuyển thẳng là 3,31/4,0; sinh viên trúng tuyển bằng học bạ có điểm trung bình tích lũy là 3,19/4,0 và sinh viên trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT là 2,94/4,0.

Năm 2021, điểm trung bình tích lũy của các phương thức trên lần lượt là 3,34; 3,22 và 3,06 trên thang điểm 4,0.

Năm 2022, điểm trung bình tích lũy của các phương thức theo thứ tự là 3,22; 2,69 và 2,85 trên thang điểm 4,0.

Năm 2022, trường sử dụng thêm phương thức tuyển sinh kết hợp điểm học bạ THPT và điểm thi đánh giá năng lực chuyên biệt riêng của trường. Điểm trung bình tích lũy học tập của sinh viên trúng tuyển theo phương thức này là 3,22/4,0.

Con số trên thể hiện, kết quả học tập của sinh viên xét tuyển bằng hình thức học bạ tại trường đều cao hơn so với phương thức xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT nhưng thấp hơn các phương thức tuyển thẳng.

Lo đậu đại học bằng học bạ: Phương thức nào rồi cũng… vét bằng hết? - 2

Thí sinh tìm hiểu tại chương trình tuyển sinh năm 2024 (Ảnh: Hoài Nam).

Tại Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, thống kê kết quả học tập của sinh viên các khóa 2021 và 2022 cho thấy kết quả học tập của sinh viên xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và bằng kết quả xét tuyển học bạ là tương tương.

Kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển từ phương thức xét bằng điểm thi đánh giá năng lực và ưu tiên xét tuyển có năng lực nhỉnh hơn.

Tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, đánh giá của trường được thiện hiện trong nhiều năm cho thấy sinh viên được tuyển vào trường bằng hình thức học bạ có năng lực học tốt bằng hoặc tốt hơn sinh viên xét tuyển từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Phương thức nào rồi cũng… tuyển cho bằng hết?

Nói về kết quả học tập của sinh viên xét bằng phương thức học bạ, ThS Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Sư phạm TPHCM, cho biết kết quả trên chỉ trong giới hạn của trường, nơi có điểm chuẩn học bạ mức cao. Hơn nữa, trường cũng chỉ dành 10% chỉ tiêu cho hình thức tuyển sinh bằng học bạ, con số không lớn. 

Năm 2023,điểm chuẩn theo học bạ của trường từ 24,24 đến 29,73. Năm nay, điểm chuẩn theo học bạ của trường từ 25,5 đến 29,8. Với mức điểm này, thí sinh là học sinh giỏi, có điểm học bạ 9-9,5 điểm/môn cũng… rớt hàng loạt.

ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường Đại học Công Thương TPHCM - cho biết về học lực, thí sinh có điểm xét tuyển bằng học bạ thời gian đầu nhập học thường yếu hơn thí sinh xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.

Nhưng có thể do tác động của quá trình đào tạo và nỗ lực của sinh viên trong quá trình ở đại học nên các em đạt kết quả tốt nghiệp tương đương so với sinh viên trúng tuyển bằng điểm tốt nghiệp THPT.

Lo đậu đại học bằng học bạ: Phương thức nào rồi cũng… vét bằng hết? - 3

Tuyển sinh bằng học bạ giúp giảm áp lực thi cử (Ảnh minh họa: Hoài Nam).

Năm 2024, có khoảng 200 trường đại học xét tuyển bằng học bạ. Cùng với học bạ, tại nhiều trường kèm theo nhiều tiêu chí đi kèm về hạnh kiểm, chứng chỉ ngoại ngữ, số học kỳ xét học bạ... 

Phó hiệu trưởng một trường đại học ở TPHCM cho hay, lo lắng về học bạ "ảo"  là có cơ sở. Tuy nhiên, theo ông chất lượng tuyển sinh đại học bằng học bạ không chỉ phụ thuộc vào cuốn học bạ mà còn nằm ở cách các trường tuyển như thế nào.

Chẳng hạn trường xét điểm học bạ suốt cả 3 năm lớp 10,11,12 chất lượng sẽ ổn định hơn chỉ xét mỗi kết quả lớp 12. Hay học bạ kèm những điền kiện, tiêu chí khác.

Quản lý này nêu quan điểm, các trường sức cạnh tranh cao, thu hút đông thí sinh sẽ có cách để tuyển sinh chất lượng, kể cả dùng học bạ.

Xét tuyển bằng học bạ vẫn có độ tin cậy nhất định. Chưa kể, phương thức này có những ưu thế như tạo động lực để thí sinh nỗ lực học tập, giảm áp lực thi cử, thí sinh và cả trường học chủ động trong tuyển sinh…

Trên bình diện chung, người này thẳng thắn nêu quan điểm, với chỉ tiêu vào đại học còn cao hơn số lượng thí sinh nhập học như hiện nay, thứ nhiều trường cần nhất là làm sao tuyển được người học.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, dựa trên chỉ tiêu tuyển sinh, năm 2023 có tỷ lệ thí sinh nhập học đại học, cao đẳng sư phạm thấp nhất trong giai đoạn 2020-2023.

Lo đậu đại học bằng học bạ: Phương thức nào rồi cũng… vét bằng hết? - 4

Dựa trên chỉ tiêu tuyển sinh, năm 2023 có tỷ lệ thí sinh nhập học thấp nhất trong giai đoạn 2020-2023 (Ảnh: Chụp lại báo cáo của Bộ GD&ĐT).

Tính trên tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2023 là 663.063 nhưng chỉ có 546.686 thí sinh (chiếm 82,45%) trúng tuyển nhập học. Ba năm trước đó, tỷ lệ nhập học/chỉ tiêu dao động từ 83,39% đến 94,08%.

"Giờ muốn trượt đại học khó hơn đậu, phương thức nào thì số lượng thí sinh cũng chỉ từng đó. Không dùng phương thức này thì cũng dùng phương thức khác để tuyển cho được người học", vị phó hiệu trưởng nói.

Bởi vậy theo ông, phương thức nào cũng không quá quan trọng mà quan trọng hơn là nâng cao chất lượng đào tạo, dạy học thật hiệu quả, thật thực chất ở cả bậc phổ thông và đại học. Chất lượng giáo dục nằm ở đó chứ không phải ở cuốn học bạ.