Đi học thêm vì thường xuyên bị cô giáo chê dốt
(Dân trí) - Câu chuyện học thêm cho bằng chúng bằng bạn đã trở thành câu chuyện cửa miệng của các ông bố bà mẹ. Tôi thường được nghe nhiều nhất những câu hỏi mà các mẹ rôm rả bàn luận "cô nào dạy giỏi, dạy hay, viết chữ đẹp" được phụ huynh săn đón và gửi gắm con với hy vọng và niềm tin mãnh liệt rằng "thầy giỏi - trò hay".
Ngay từ dịp hè, khi các trường nhận hồ sơ, dư luận lại có dịp lao xao hàng tháng kiểu thông tấn xã vỉa hè như "phải chạy bao nhiêu, phải đi cô hiệu trưởng để xin một suất vào lớp 1 điểm có cô A, cô B đứng lớp". Phụ huynh ai nhìn vào lớp điểm cũng đều phải thì thầm ngưỡng mộ rằng đó là lớp con nhà đại gia, có khí chất khác người từ trang trí lớp đến tiền quỹ “khủng”, ngày rằm trung thu, ngày Noel đều hoành tráng nhất trường. Ngay cả chị hàng xóm nhà tôi, vốn rất tự tin vào việc dạy con cũng rất lăn tăn rằng có nên đi cửa sau để con gái chị được vào lớp có cô giỏi hay không?
Việc học thêm càng trở nên căng thẳng hơn khi phụ huynh được cô thường xuyên báo lại tình hình học tập của con rằng con viết quá xấu, chậm, học quá kém. Cô bạn đồng nghiệp với tôi, khi con mới đi học lớp 1 được một tháng, cô giáo gặp trực tiếp phê bình rồi gọi điện nhắc bố mẹ kèm con vì “con kém nhất lớp”. Tất nhiên là cô bạn tôi phát hoảng, cứ tối tối hàng xóm sẽ được dịp điếc tai với màn tra tấn con học: mẹ quát chửi - con khóc lóc ầm ĩ. Điểm cô chấm cho con toàn lời nhận xét "xấu, ẩu, chậm" khiến bố mẹ cháu cứ sốt sình sịch.
Tôi góp ý với cô bạn rằng trẻ mới đi học, dạy con phải nhẹ nhàng chứ không thể quát mắng như thế, con sẽ sợ học. Cô bạn buồn rầu bảo "Em có cho nó đi học thêm rồi mà cô vẫn chê nó chậm lắm, em phải kèm nó suốt". Hết học kỳ I, tôi hỏi "Con em có được học sinh giỏi không", em bảo "Toán 10, Tiếng Việt 9 nhưng cô vẫn chê lắm chị ạ". Hóa ra lời chê của cô có dụng ý lôi kéo học sinh đi học thêm chứ không chỉ đơn thuần là lời góp ý chân tình với phụ huynh.
Một người bạn thân của tôi có con gái đầu lòng hiếu động, quậy phá, mơ mộng. Cô ấy luôn tự khoác cho con gái là bị tăng động, tự kỷ cũng bởi con bé đi học bị cô giáo chê bai hết mức. Cháu học “đội sổ” khiến mẹ cháu luôn tức giận và uất ức. Khi tôi hỏi "Con được trung bình à" thì mẹ cháu bảo là "Cháu nó được tiên tiến". Thì ra tiểu học giờ xếp loại tiên tiến là đội sổ. Cô bạn tôi không muốn con gái trở thành "đứa ngu dốt" nên cô ấy cho con đi học thêm tối ngày. Từ lớp 2 đi học thêm tiếng Anh, rồi cô ấy kiếm được một cô giáo mầm non chuyên nhận kèm những học sinh cá biệt để ôn luyện lại bài vở hàng ngày cô giao, tối nào mẹ con cũng đèo nhau đi học thêm. Tôi thấy ái ngại khi nhìn con bé ốm nhách ngồi sau xe mẹ đèo về lúc 9 rưỡi tối.
Lời khen chê của thầy cô quả có sức mạnh ghê gớm. Thực sự là có một bộ phận giáo viên chê bai học sinh để lôi kéo các em đến lớp học thêm như một sự tự nguyện và nhu cầu chính đáng của phụ huynh các em. Những phụ huynh sốt sắng như cô bạn thân của tôi thì chỉ vì sự phản ánh, chê bai nặng nề của cô chủ nhiệm mà tự đẩy con mình vào cảnh học thêm triền miên như bị nghiện chữ, yêu lớp học thêm hơn lớp học chính vì ở đó cô dạy thêm luôn nhẹ nhàng tình cảm. Bạn tôi lúc nào cũng than thở cháy túi nhưng tôi có góp ý ra sao, bạn tôi cũng bỏ ngoài tai. Việc cho con đi học thêm với cô bạn tôi đã trở thành “sứ mệnh” vì cô ấy cho rằng làm như vậy là tốt nhất cho con gái.
Tôi cho rằng phụ huynh cần có cái nhìn tỉnh táo khi quyết định có nhất thiết phải cho con đi học thêm ở bậc tiểu học hay không. Chúng ta có nhất thiết phải để con cái quay cuồng với lịch học dày đặc thì mới yên tâm chúng ngoan ngoãn, giỏi giang? Và liệu lời khen chê của thầy cô hay sức khỏe của các con mới là quan trọng nhất? Tình yêu với tri thức phải được nhen nhóm dần chứ không thể cấp tốc theo kiểu ăn xổi ào ào như thế.
Mỹ Đức
(Đông Anh, Hà Nội)
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ emailgiaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!