ĐH Quốc gia TPHCM: Năm 2020 sẽ tự chủ toàn hệ thống

(Dân trí) - Ngày 3/1, ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức hội nghị thường niên 2018. Phát biểu tại đây, PGS. TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc ĐH này cho biết một trong những phương hướng phát triển của ĐH này giai đoạn tới là thực hiện tự chủ học thuật, quản trị và tài chính.

Năm 2020 sẽ tự chủ toàn hệ thống

Theo PGS. TS Vũ Hải Quân, việc tự chủ phải gắn với đổi mới sáng tạo và tinh gọn bộ máy. Theo dự kiến của ĐH Quốc gia TPHCM, lộ trình tự chủ ĐH sẽ được triển khai theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 thực hiện thí điểm tự chủ trong các trường đã có sự chuẩn bị và điều kiện thực hiện gồm: Công nghệ thông tin, Kinh tế - Luật và Bách khoa. Giai đoạn 2, đến năm 2020 trên cơ sở đánh giá hiệu quả của các đề án thí điểm sẽ xem xét lộ trình tự chủ với các trường: Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và nhân văn, khoa Y và phân hiệu Bến Tre.


ĐH Quốc gia TPHCM: Năm 2020 sẽ tự chủ toàn hệ thống - Ảnh 1.

PGS.TS Vũ Hải Quân phát biểu tại hội nghị thường niên 2018 của ĐH Quốc gia TPHCM.


Cùng với đổi mới này, ĐH Quốc gia TPHCM sẽ điều chỉnh học phí theo các quy định của nhà nước và theo hướng chất lượng đào tạo phù hợp với mức học phí. Bên cạnh đó có các chính sách cụ thể và khả thi hỗ trợ tài chính cho sinh viên.

Cũng theo báo cáo của ĐH Quốc gia TPHCM, học phí vẫn là nguồn thu chính của các trường ĐH với số thu giai đoạn 2013-2017 đạt khoảng 562-784 tỉ đồng/năm, chiếm khoảng 40% tổng số thu của đơn vị.

Trong khi đó, mỗi năm các trường thành viên thu khoảng 320-410 tỉ đồng từ hoạt động dịch vụ và sản xuất kinh doanh, trong đó gồm cả hoạt động chuyển giao công nghệ (chiếm khoảng 19-22% tổng thu đơn vị). Nguồn thu còn lại là ngân sách nhà nước cấp, khoảng 25-35% tổng nguồn thu để chi cho đầu tư phát triển và chi thường xuyên.

Để tăng nguồn lực phát triển, ĐH Quốc gia TP.HCM đã thẩm định và phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường ĐH Công nghệ thông tin trong năm 2018 và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với loại hình tự chủ: đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên, quyền tự chủ phù hợp với đặc thù mô hình trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM. Điều này đánh dấu sự khởi đầu trong lộ trình tiến dần đến tự chủ đối với toàn bộ cơ sở giáo dục đào tạo trong hệ thống ĐH này đến năm 2020 theo kế hoạch.

Bên cạnh đó, ĐH này sẽ thực hiện liên thông chiều dọc, thu hút học sinh phổ thông liên thông lên ĐH và sau ĐH. Còn liên thông theo chiều dọc, sinh viên ĐH này học nhiều hơn một trường và nhiều hơn một bằng.

Tăng trưởng các công bố quốc tế

Năm 2018, ĐH Quốc gia TPHCM đã gặt hái được nhiều thành công trong đó là việc lọt vào top 701-750 đại học hàng đầu thế giới với 45 chương trình được đánh giá chính thức theo tiêu chuẩn AUN-QA, 13 chương trình được đánh giá theo chuẩn quốc tế.

ĐH Quốc gia TPHCM: Năm 2020 sẽ tự chủ toàn hệ thống - Ảnh 2.

Lãnh đạo ĐH Quốc gia TPHCM tặng bằng khen cho các cán bộ, giảng viên có thành tích xuất sắc

ĐH này cũng triển khai thí điểm xây dựng Trung tâm xuất sắc - Trung tâm nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử, thúc đẩy tố độ tăng trưởng trung bình khoảng 15%/năm bài báo công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín SCI, SCIE, trong đó có nhiều bài báo đạt chỉ số ảnh hưởng cao.

PGS. TS Lâm Quang Vinh, Trưởng ban khoa học và công nghệ ĐH Quốc gia TPHCM, cho biết tính đến tháng 11/2018, ĐH Quốc gia TPHCM công bố gần 2.000 bài báo/báo cáo hội nghị trên tất cả lĩnh vực với hơn 500 bài báo công bố trên các tạp chí quốc tế. Trong đó, trên 50% bài báo đăng trên các tạp chí chất lượng cao được xếp hạng Q1, vượt tỉ lệ trung bình của cả nước là 39%.

Trong giai đoạn từ năm 2013 đến tháng 9-2018, doanh thu chuyển giao công nghệ đạt bình quân 200 tỉ đồng/năm.

Hiện ĐH Quốc gia TPHCM đang hoàn thiện quy trình đăng ký hai sáng chế tại Mỹ (của Trường ĐH Bách khoa và Trường ĐH Khoa học tự nhiên) và trở thành một trong ba trung tâm sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ của Việt Nam.

Lê Phương