ĐH Quốc gia Hà Nội quy định KPI, công bố quốc tế với các giảng viên

Hồng Hạnh

(Dân trí) - Đại học Quốc gia Hà Nội vừa ban hành Quy định về chế độ làm việc đối với giảng viên. Theo đó, trong 3 năm, giảng viên phải có tối thiểu 1 công bố quốc tế thuộc cơ sở dữ liệu WoS hoặc Scopus.

Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội vừa ký ban hành tại Quyết định số 4326/QĐ-ĐHQGHN ngày 27/12/2021 về chế độ làm việc đối với giảng viên tại ĐHQGHN. 

Văn bản này có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 và thay thế các quy định liên quan đến chế độ làm việc của giảng viên tại Quyết định số 1819/QĐ-ĐHQHN ngày 1/6/2017 của Giám đốc ĐHQGHN về việc ban hành Quy định về chế độ làm việc của giảng viên, nghiên cứu viên tại ĐHQGHN; thay thế các quy định về chính sách khen thưởng, hỗ trợ công bố quốc tế của ĐHQGHN đã ban hành.

Giảng viên một năm phải có 200 - 350 giờ giảng

Theo quy định, tổng thời gian làm việc của giảng viên trong một năm học sau khi trừ số ngày nghỉ theo quy định là 44 tuần (tương đương 1.760 giờ hành chính) để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học (NCKH), phục vụ cộng đồng và thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khác.

Định mức giờ chuẩn giảng dạy của giảng viên trong một năm học được quy định từ 200 giờ đến 350 giờ (tương đương từ 600 đến 1.050 giờ làm việc hành chính), trong đó giờ chuẩn giảng dạy trực tiếp trên lớp hoặc trực tuyến trên thực tế phải đạt tối thiểu 50%.

Định mức giờ chuẩn giảng dạy đối với giảng viên giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc kiêm nhiệm công tác Đảng, đoàn thể (từ cấp phó trưởng bộ môn hoặc tương đương trở lên) là 270 giờ chuẩn giảng dạy và được tính theo tỷ lệ % của định mức này đối với từng chức danh, chức vụ cụ thể áp dụng tại khoản 1 Điều 4 Thông tư số 20/2020/TT-BGDĐT.

Định mức giờ chuẩn giảng dạy được áp dụng để tính định biên nhân lực giảng viên trong toàn ĐHQGHN đối với các hệ đào tạo chính quy là 270 giờ chuẩn giảng dạy.

ĐH Quốc gia Hà Nội quy định KPI, công bố quốc tế với các giảng viên  - 1

Trong 3 năm phải có tối thiểu 1 công bố quốc tế thuộc cơ sở dữ liệu WoS hoặc Scopus

Về định mức hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng viên phải dành tối thiểu 600 giờ hành chính trong một năm học để thực hiện các nhiệm vụ NCKH.

Trong 03 năm (từ năm 2022 đến hết năm 2024), mỗi giảng viên đảm bảo một trong các định mức công bố sản phẩm khoa học sau: Tối thiểu 01 bài báo khoa học trên tạp chí thuộc cơ sở dữ liệu WoS hoặc Scopus.

Đối với lĩnh vực khoa học đặc thù khó công bố quốc tế thì tối thiểu 01 bài báo đăng trong kỷ yếu hội nghị, hội thảo quốc tế có phản biện và được xuất bản; Tối thiểu 01 sách chuyên khảo hoặc 02 chương sách chuyên khảo bằng tiếng nước ngoài do nhà xuất bản quốc tế có uy tín hoặc nhà xuất bản thuộc trường đại học nằm trong nhóm 1000 trường đại học hàng đầu thế giới xuất bản;

Tối thiểu 01 bằng độc quyền sáng chế theo chuẩn Patent tại Việt Nam hoặc chuẩn Patent của Mỹ hoặc Châu Âu, Đông Bắc Á; Tối thiểu 01 bằng độc quyền giải pháp hữu ích.

Từ năm 2025, cứ 02 năm liên tiếp, mỗi giảng viên đảm bảo định mức công bố tối thiểu 01 bài báo khoa học trên tạp chí thuộc cơ sở dữ liệu WoS hoặc Scopus. Đối với lĩnh vực đặc thù khó công bố quốc tế, cứ 02 năm liên tiếp, mỗi giảng viên đảm bảo định mức công bố tối thiểu 01 bài báo đăng trong kỷ yếu hội nghị, hội thảo quốc tế có phản biện và được xuất bản.

Định mức này không áp dụng đối với giảng viên giáo dục thể chất và thể thao, quốc phòng và an ninh.

Định mức giờ để thực hiện nhiệm vụ phục vụ cộng đồng và thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khác là thời gian làm việc còn lại của giảng viên trong một năm học sau khi trừ định mức giờ để thực hiện các nhiệm vụ giảng dạy và nhiệm vụ NCKH.

Chế độ đối với giảng viên hoàn thành vượt định mức các nhiệm vụ được quy định như sau:

Giảng viên có số giờ giảng dạy vượt định mức thì được hưởng chế độ làm việc vượt giờ theo quy định của Nhà nước và của đơn vị.

Giảng viên hoàn thành tổng thời gian làm việc trong năm học và có số giờ NCKH vượt định mức theo quy định về định mức công bố sản phẩm khoa học thì được hưởng các quyền lợi là được giảm định mức giờ chuẩn giảng dạy nếu là tác giả của một số sản phẩm khoa học vượt định mức, chi tiết theo bảng dưới đây:

TT

Sản phẩm khoa học

Số giờ chuẩn giảng dạy
 tối thiểu được giảm

1

Tạp chí khoa học thuộc danh mục cơ sở dữ liệu WoS/Scopus và có ưu tiên đối với tạp chí thuộc danh mục Q1 của cơ sở dữ liệu Scopus

60 giờ/1 bài báo

2

Chương sách chuyên khảo tại nhà xuất bản quốc tế có uy tín

60 giờ/01 chương sách

3

Sách chuyên khảo xuất bản tại nhà xuất bản quốc tế có uy tín

100 giờ/01 sách chuyên khảo

4

Bằng độc quyền giải pháp hữu ích

60 giờ/01 bằng

5

Bằng độc quyền sáng chế (chuẩn Patent tại Việt Nam)

60 giờ/01 bằng

6

Bằng độc quyền sáng chế (chuẩn Patent của Mỹ hoặc Châu Âu, Đông Bắc Á)

100 giờ/01 bằng

Tổng số giờ giảm định mức tối đa bằng 50% giờ chuẩn giảng dạy. Căn cứ điều kiện và chất lượng sản phẩm khoa học được công bố, người đứng đầu đơn vị có thể quy định định mức giảm cao hơn.

Được hỗ trợ tài chính đối với các sản phẩm khoa học không thuộc đề tài, dự án (có tài trợ kinh phí) theo định mức tối thiểu được quy ra số giờ chuẩn giảng dạy hệ chuẩn như sau:

TT

Sản phẩm khoa học

Đơn vị tính

Định mức hỗ trợ
tài chính tối thiểu quy ra số giờ chuẩn giảng dạy tối thiểu

1

Tạp chí khoa học thuộc danh mục cơ sở dữ liệu WoS hoặc Scopus (tính cả bài trong định mức đăng ký), chi tiết theo từng dòng dưới đây:

  

Lần đầu tiên

Bài

80 giờ

Lần thứ hai

Bài

120 giờ

Từ lần thứ ba

Bài

160 giờ

2

Sách chuyên khảo quốc tế tại nhà xuất bản có uy tín, chi tiết theo dòng dưới đây:

  

Lần đầu tiên

Sách

80 giờ

Lần thứ hai

Sách

120 giờ

Từ lần thứ ba

Sách

160 giờ

Căn cứ điều kiện, khả năng tài chính của đơn vị và chất lượng sản phẩm khoa học được công bố, người đứng đầu đơn vị có thể quy định định mức hỗ trợ cao hơn.

Trường hợp sản phẩm công bố khoa học có nhiều tác giả cùng công tác tại ĐHQGHN thì phần đóng góp của tác giả chính (hoặc chủ biên, chủ công trình) được tính bằng 1/3, số còn lại được chia theo mức đóng góp của từng tác giả tham gia (tính cả tác giả chính và đồng tác giả); nếu không xác định được cụ thể mức đóng góp thì chia đều theo số tác giả công tác tại ĐHQGHN.