Đề xuất thành lập lại Bộ Giáo dục: Hãy duy trì nguyên trạng hệ thống ĐH
(Dân trí) - Tốt nhất là hãy duy trì nguyên trạng hệ thống đại học như hiện nay và ráo riết thực hiện Nghị quyết 19/NQ-TW, Luật số 34/2018-QH14 một cách thực chất.
Đó là ý kiến của nhiều giáo sư, nhà quản lý về đề xuất thành lập lại Bộ Giáo dục tại Hội thảo góp ý “Báo cáo đề xuất, kiến nghị cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026” do Bộ Nội vụ tổ chức vừa qua.
Cụ thể, Bộ Nội vụ đề xuất, cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, theo đó, sẽ rút gọn số bộ, cơ quan ngang bộ từ 22 xuống 20 bộ, cơ quan ngang bộ; hợp nhất Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành Bộ Tài chính – Kế hoạch đầu tư, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng thành Bộ Giao thông và Xây dựng.
Ngoài ra, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ giữa một số bộ, cơ quan ngang bộ như giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với Bộ Giáo dục và Đào tạo; giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Nội vụ.
Đề xuất thành lập lại Bộ Giáo dục và chuyển nhiệm vụ đào tạo về Bộ Khoa học và Công nghệ và đổi tên Bộ Khoa học và Công nghệ thành Bộ Khoa học - Công nghệ và Đào tạo.
Đồng thời, điều chuyển việc đào tạo nghề từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về Bộ Khoa học – Công nghệ và Đào tạo. Thành lập Bộ Công Thương và Du lịch; Bộ Văn hóa – Thể thao và Thanh niên.
Hệ thống giáo dục phải toàn diện
Trao đổi với PV Dân trí về đề xuất này, GS.TSKH Đặng Ứng Vận, nguyên Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Văn phòng Chính phủ cho rằng, đề xuất này là một vấn đề lớn nên phải có tổng kết một cách khoa học, nghiêm túc, xem kết quả giáo dục - đào tạo thời gian qua như thế nào, chỗ nào chưa ổn, tại sao?
“Thiết kế hệ thống giáo dục phải toàn diện, không thể nhặt cái này sang cái kia, không thể nảy sinh ý kiến này, ý kiến kia lại thay đổi. Như vậy, không giải quyết được vấn đề gì, không mang tính chiến lược dài hạn, tầm nhìn"– GS Vận nhấn mạnh.
Phân tích cụ thể hơn, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nói: “Tôi không hiểu lại có đề xuất này, lại chuyển mảng đào tạo sang Bộ khác. Trong khi đó, giáo dục đã mang bản chất là đào tạo. Thực ra, chỉ nên gọi là Bộ Giáo dục nhưng nhiều nhà quản lý thêm từ Đào tạo vào. Chẳng nhẽ học mỗi lý thuyết, không thực hành”.
“Bộ Khoa học & Công nghệ có chức năng nghiên cứu khác sao lại mang chức năng đào tạo. Bộ Khoa học & Công nghệ là tập hợp đội ngũ bậc cao là giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học để nghiên cứu chứ không phải đào tạo nguồn nhân lực” – GS Dong cho hay.
Theo GS Dong, nghĩa của từ Giáo dục rất rộng gồm: Giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, giáo dục chuyên nghiệp. Nhiệm vụ của các bậc học này là đào tạo ra con người có năng lực làm việc. Nên mới có đề xuất chương trình nào cũng phải định hướng năng lực. Học là phải hành. Muốn làm được, có việc làm thì phải học đại học. Người lọc chất lượng đại học là doanh nghiệp. Nếu không đạt chất lượng sẽ không được tuyển dụng.
Sẽ chẳng có ý nghĩa vì các đại học đều tự chủ
GS.TS Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng cho biết, theo chỉ đạo của Nghị quyết 19/NQ-TW và nhiều văn bản pháp qui khác có liên quan đến chỉ đạo này, thì hệ thống giáo dục đại học Việt Nam sắp tới sẽ gồm nhiều bộ phận. Cụ thể:
Đại học công lập do nhà nước bao cấp từ một phần đến toàn bộ kinh phí hoạt động (các trường của quân đội, công an, đại học quốc gia, đại học vùng, các đại học thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực theo chương trình, mục tiêu riêng...);
Đại học công lập tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên và chi đầu tư; Các đại học tư phi lợi nhuận; Các đại học tư vì lợi nhuận. Cơ sở của đại học nước ngoài cũng phải thuộc một trong các nhóm trường trên.
Cả 4 nhóm trường này đều được quyền triển khai thực hiện quyền tự chủ về tổ chức, nhân sự, tài chính, chuyên môn. Mức độ tự chủ có thể khác nhau tùy vào mức độ bao cấp của nhà nước, trình độ phát triển và hình thức sở hữu.
Như vậy, đại học phát triển theo hướng tự chủ là tất yếu. Trên con đường này, vai trò của Bộ chủ quản (hay cơ quan quản lý trực tiếp) với tư cách thay mặt nhà nước làm chủ sở hữu tài sản; và nắm quyền phân phối ngân sách nhà nước hằng năm cho đại học sẽ càng ngày càng giảm nhanh để tiến tới không còn nữa.
Điều này đúng ngay cả với các đại học công lập do nhà nước bao cấp từ một phần đến toàn bộ kinh phí hoạt động; vì việc phân bổ ngân sách nhà nước cho giáo dục phải thay đổi để “cải cách hiệu quả hoạt động” của các đơn vị này.
Theo GS Danh, với các đại học công lập tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên và chi đầu tư thì thực sự vai trò của bộ chủ quản sẽ không còn. Bởi vì sự bắt buộc giao quyền chủ sở hữu thực sự về cho hội đồng trường; một tập thể đại diện quyền sở hữu nhà trường bởi các bên lợi ích có liên quan, mà trong đó nhà nước (mà cơ quan quản lý trực tiếp là đại diện) chỉ là một bên; và bên này sẽ ngày càng nhỏ dần với sự tăng trưởng của đại học. Đây cũng là con đường đã qua của các đại học công lập tiên tiến ở nước ngoài.
GS Danh cho rằng, khi quyền tự chủ về chuyên môn được phát huy và các đại học/trường đại học tự chịu trách nhiệm giải trình định kỳ và bất thường theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền và/hoặc cộng đồng xã hội; thì vai trò quản lý ngành của bộ quản lý ngành cũng không còn như xưa nữa.
Khi đó, Hội đồng đại học/trường đại học mới có thực quyền và Nghị quyết 19 mới được thực hiện đúng. Một khi các đại học đã đi theo hướng này, thì việc đưa hệ thống đại học từ bộ này về cho bộ kia sẽ chẳng có ý nghĩa gì. Nếu không nói là có thể đi ngược lại với chủ trương của Đảng.
Do đó, theo GS Lê Vinh Danh, tốt nhất là hãy duy trì nguyên trạng hệ thống đại học như hiện nay và ráo riết thực hiện Nghị quyết 19/NQ-TW, Luật số 34/2018-QH14 một cách thực chất.
Đồng thời, thúc đẩy khẩn trương tiến trình bỏ cơ chế bộ chủ quản; xây dựng hội đồng trường mạnh, là đại diện các bên có lợi ích liên quan thực sự để làm chủ quản (chủ và quản) hoàn toàn Nhà trường. Việc này càng làm nhanh, càng thúc đẩy hệ thống giáo dục đại học phát triển tốt hơn, nhanh hơn.
"Khi đại học mà như vậy, hệ thống giáo dục nghề nghiệp mà chuyển về Bộ khoa học-công nghệ thì không có ý nghĩa gì. Giáo dục nghề nghiệp cần gắn với giáo dục phổ thông để định hướng sớm nhằm phân luồng người học từ tiểu học nhằm bảo đảm nhân lực tay nghề cao. Lúc đó, giáo dục tiểu học, trung học và giáo dục nghề nghiệp phải do Bộ giáo dục quản” – GS Danh nhấn mạnh.
Mọi ý kiến quan tâm về vấn đề này xin gửi về hộp thư: giaoduc@dantri.com.vn. Xin trân trọng cám ơn!
Hồng Hạnh