Đề Văn lớp 10 Ninh Bình: "Cha mẹ ép con thích những điều cha mẹ muốn"

Phương Thảo

(Dân trí) - Sáng nay 8/6, hơn 11.200 thí sinh thi vào lớp 10 ở Ninh Bình đã làm bài thi Ngữ văn - môn thi đầu tiên trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2021-2022 (thời gian làm bài 120 phút).

Trong đề thi văn năm nay, Ninh Bình đã trích dẫn bài viết "Khơi gợi điều trẻ muốn hướng tới" của tác giả Văn Huyền trên Báo Giáo dục và Thời đại, số 99, Thứ hai, 26/04/2021, nói tới thực trạng nhiều bậc cha mẹ đang ép các con thích những điều mà họ muốn.

Đề Văn lớp 10 Ninh Bình: Cha mẹ ép con thích những điều cha mẹ muốn - 1
Đề Văn lớp 10 Ninh Bình: Cha mẹ ép con thích những điều cha mẹ muốn - 2

Đề thi văn năm nay được chia thành 2 phần: đọc hiểu và làm văn. Ở phần đọc hiểu, đề thi trích dẫn bài viết "Khơi gợi điều trẻ muốn hướng tới" của tác giả Văn Huyền.

Đặc biệt, yêu cầu số 4: Anh/chị có đồng tình với việc cha mẹ ép con thích những điều cha mẹ muốn không? Vì sao?

Nhiều giáo viên và học sinh cho rằng, vấn đề cha mẹ thường hay ép, áp đặt con cái vào trong suy nghĩ của mình, vào những điều cha mẹ muốn là một vấn đề có thực vẫn đang xảy ra, đáng để chúng ta bàn luận.

Từ xưa đến nay, câu chuyện về việc cha mẹ có nên áp đặt cho con hay không vẫn là một chủ đề còn gây nhiều tranh cãi. Có câu cha mẹ nào chẳng muốn tốt cho con, nên sẽ luôn chọn cho con những lối đi đầy tốt đẹp. Nhưng tuy nhiên, đó chỉ là suy nghĩ của cha mẹ.

Việc ép những đứa trẻ đi theo con đường mà ba mẹ chúng muốn sẽ khiến những đứa trẻ trở thành những người máy, luôn làm theo những gì áp đặt từ trước, không phát huy được khả năng của mình.

Con người chúng ta từ khi sinh ra cho tới lúc trưởng thành ai cũng có những suy nghĩ, ước mơ, hoài bão riêng và các con cũng vậy. Cha mẹ nên mở rộng tư tưởng, lắng nghe để thấu hiểu con hơn.

Ngay sau khi được chia sẻ trên trang fanpage Blog chuyên văn, nhiều bạn cũng đã đánh giá đề thi này khá hay, sát với thực tế, các em có nhiều đất và cơ hội để thể hiện cảm xúc của mình.

Bạn Tố Uyên để lại bình luận: "Đề này cũng hay quá. Câu chuyện đọc hiểu cũng gần với thực tế cuộc sống. Các em tha hồ chia sẻ quan điểm của mình, có khi nó cũng chính là tiếng lòng mà các em muốn gửi tới ba mẹ".

"Chúc mừng các em. Đề thi vừa sức mà cũng khá hay, nói được thực trạng xã hội và cũng tạo ra nhiều khoảng trống cho các em bày tỏ suy nghĩ", bạn Đức Phạm chia sẻ.

Cô Trần Lam Trinh - giáo viên môn ngữ văn một trường THCS tỉnh Ninh Bình đánh giá: "Tôi không bàn đề thi hay dở. Mà ở đây đề thi đã nêu ra được một thực trạng trong cuộc sống mà người hiểu rõ nhất lại là chính các em học sinh. Cha mẹ thì thường có những suy nghĩ riêng của họ, cách dạy con và định hướng con riêng; nhưng đôi khi cũng cần phải lắng nghe và thấu hiểu những suy nghĩ, mong muốn của con".

"Qua đây đồng thời cũng nói lên tiếng nói của con trẻ với mong muốn được thực sự phát triển, hướng tới đam mê của mình" - cô Trinh nói.

Trong khi đó, em Lê Hoàng Bảo Anh, thí sinh có nguyện vọng vào lớp 10 ở Ninh Bình chia sẻ đề thi không quá khó vì cả phần đọc hiểu và nghị luận có cách hỏi quen thuộc, cùng "một khuôn" như các đề mà Bảo Anh đã luyện.

"Nhưng em thích thú với vấn đề cách cha mẹ định hướng, dạy và mong muốn ở con cái mình. Đây là vấn đề không mới nhưng vẫn rất đáng quan tâm. Bởi em cũng đang thấy hình ảnh mình trong đó, đôi khi ba mẹ đang kỳ vọng, mong muốn em theo những suy nghĩ của họ quá nhiều. Nhưng em luôn có những ước mơ và suy nghĩ riêng của mình mong bố mẹ có thể hiểu được", Bảo Anh chia sẻ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm