Đề thi Ngữ Văn tốt nghiệp đợt 2: Phù hợp với học sinh nhưng thiếu sự mới mẻ
(Dân trí) - Đề thi chính thức môn Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đợt 2 bám sát cấu trúc, mức độ, tính chất các câu hỏi như đề thi tham khảo lần 2 do Bộ GD&ĐT công bố. Đề không khó nhưng thiếu sự mới mẻ.
Đề thi đáp ứng được tâm thế lo lắng, thiệt thòi của thí sinh thi đợt 2.
Nhận định về đề thi tốt nghiệp THPT đợt 2 môn Ngữ Văn cô Trịnh Thu Tuyết – Giáo viên Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho biết, Đề thi Ngữ văn đợt 2 – an tâm, an toàn nhưng thiếu sự mới mẻ.
Theo cô Tuyết, đề thi chính thức môn Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đợt 2 bám sát cấu trúc, mức độ, tính chất các câu hỏi như đề thi tham khảo lần 2 do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.
Từ ngữ liệu cho đến yêu cầu của các câu lệnh trong các phần Đọc hiểu, Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học đều tương đương với Đề thi chính thức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đợt 1 – Đây cũng là yếu tố giúp tạo nên tâm thế tương đối tích cực, đảm bảo cho các thí sinh thi đơt 2 có được cảm giác an tâm khi phải tham gia kì thi quan trọng nhất trong 12 năm học phổ thông trong điều kiện khá đặc biệt, chưa từng có.
Phần Đọc hiểu (3 điểm) Ngữ liệu vẫn là trích đoạn của 1 văn bản mang phong cách ngôn ngữ chính luận cùng dung lượng tương đương với ngữ liệu được sử dụng trong đề thi đợt 1.
Nội dung cùng hướng tới những vấn đề của tư tưởng, đạo lí, nếu đợt 1 gợi ra suy nghĩ về thái độ trân trọng với cuộc sống hàng ngày thì đợt 2 chính là gửi gắm thông điệp về vai trò quan trọng của niềm tin trong cuộc sống. 4 câu hỏi Đọc hiểu đã lần lượt đặt ra yêu cầu theo các mức độ của Nhận biết (câu 1;2), nhận biết kết hợp thông hiểu (câu 3), vận dụng và vận dụng cao (câu 4).
Đó là các mức độ phù hợp với quá trình nhận thức của học trò, bám sát cấu trúc đề thi tham khảo và cũng là các kĩ năng mà học sinh đã được ôn luyện trong suốt năm học lớp 12.
Phần 2 – Làm văn (7,0 điểm): Giữ nguyên cấu trúc gồm 2 phần: Viết đoạn văn nghị luận xã hội (2,0 điểm) và bài nghị luận văn học (5,0 điểm). Cụ thể:
Câu nghị luận xã hội vẫn yêu cầu học sinh nghị luận về 1 khía cạnh của vấn đề rút ra từ phần Đọc hiểu đó là “sự cần thiết phải có niềm tin vào cuộc sống” – vấn đề “niềm tin” và khía cạnh bàn luận “sự cần thiết phải có niềm tin” hoàn toàn không xa lạ với học trò và chắc chắn cũng đã xuất hiện trong rất nhiều bài ôn luyện của các thầy/cô trong nhiều năm học.
Vì thế, một mặt không làm khó cho học trò nhưng mặt khác có thể hạn chế phần nào hứng thú và khả năng sáng tạo cũng như sự phát huy cái tôi độc lập của thí sinh.
Câu 2 (5,0 điểm): Bài nghị luận văn học đặt ra yêu cầu “phân tích khung cảnh hùng tráng của Việt Bắc trong kháng chiến” trong 22 câu thơ của phần cuối đoạn trích “Việt Bắc” – hầu như không có sự thay đổi gì về dung lượng, cảm hứng, thể loại…của ngữ liệu so với câu nghị luận văn học của đề thi đợt 1.
Nếu cảm hứng về đất nước, dân tộc, cách mạng…rất phù hợp với cả 2 đợt thi của năm 2020 – một năm chẵn cho những ngày kỉ niệm lớn liên quan tới những sự kiện trọng đại của dân tộc, thì sự tương đương về dung lượng, thể loại của ngữ liệu phần nào cũng làm giảm đi tính bất ngờ vốn luôn tạo ra hứng thú cho học trò khi làm bài.
TS Văn học Trịnh Thu Tuyết cho rằng, đề thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đợt 2 vẫn đảm bảo đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp THPT.
"Cũng như đợt 1, đề không khó, nhất là ngữ liệu của câu nghị luận văn học có lẽ đã được điều chỉnh cho phù hợp với thời lượng làm bài của học trò, về cơ bản làm vơi dịu đi được tâm thế lo lắng, cảm giác thiệt thòi của hơn 26.000 thí sinh thi đợt 2.
Tuy nhiên cũng chính yếu tố đó cũng đã làm giảm đi tính phân loại cho đề thi và kết quả chung của kì thi, có thể sẽ đem lại cảm giác hụt hẫng cho một bộ phận học trò khao khát sự mới mẻ trong những thông điệp tư tưởng, những vấn đề bàn luận vốn luôn có khả năng mang lại hứng thú và nhu cầu suy ngẫm trong một đề thi Ngữ văn" - cô Tuyết nhấn mạnh.
Đề thi đáp ứng được với trình độ số đông thí sinh
Nhận xét đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn đợt 2, cô giáo Nguyễn Kim Anh, giáo viên trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa (Hà Nội) cho rằng, đề thi đảm bảo cấu trúc đúng như đề tham khảo mà Bộ GDĐT đã công bố, cũng như tương đồng với đề thi đợt 1. Có thể thấy rõ sự phù hợp của đề với trình độ của học sinh.
Theo cô giáo Kim Anh, đề thi môn Ngữ văn lần này đã giải toả được hai luồng ý kiến lo ngại. Một là, nếu đề khó hơn đợt 1 thì trên 26.000 thí sinh thi đợt này sẽ quá thiệt thòi vì gặp những thử thách tiếp tục sau những thử thách về việc cách ly, phòng chống dịch bệnh mà các em vừa phải trải qua. Lo ngại thứ hai là vì để “bù đắp” cho các thí sinh do bị cản trở bởi dịch Covid-19 nên các em sẽ được đề rất dễ để ưu ái.
Thực tế, không phải vậy, đề không hề lặp lại về nội dung của đợt 1, không thể nói là dễ hay khó so với đợt thi thứ nhất. Song đề vẫn hoàn toàn đáp ứng được với trình độ của số đông thí sinh. Đề thi Ngữ văn đợt 2 có độ khó tương đồng với đề thi đợt 1. Phần nội dung có sự phù hợp với thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Nhận xét về nội dung, cô cô giáo Kim Anh cho biết, câu hỏi của phần Đọc hiểu được cho là khá hay vì mở tầm suy nghĩ cho học sinh ra những vấn đề không chỉ nằm trong phạm vi của một dân tộc, một quốc gia nào. Trong bối cảnh dịch bệnh đang ảnh hưởng đến toàn thế giới việc đặt vấn đề niềm tin để vượt qua thử thách là một cách định hướng giáo dục tốt cho các thí sinh.
Cụ thể, nhiều em vừa phải cách ly vì dịch bệnh, các em phần nào thấu hiểu niềm tin cần thiết thế nào với con người trong mọi hoàn cảnh. Nhất là hoàn cảnh đặc biệt mà các em vừa trải qua.
Các câu hỏi đảm bảo các mức nhận biết, thông hiểu và vận dụng theo từng mức thấp và cao khá rõ. Câu 1 các em hoàn toàn có thể có được điểm tối đa về vấn đề đang được nghị luận.
Câu 2, thí sinh chỉ cần dựa vào văn bản để chỉ ra khá dễ dàng. Cụm từ “Theo đoạn trích” đã chỉ dẫn cho thí sinh. Câu thứ ba yêu cầu vận dụng liên hệ sự tương đồng khá ý nghĩa và câu 4 là câu thể hiện mức độ phân hoá trong phần đọc hiểu đậm nét.
Niềm tin sẽ đem đến sức mạnh là điều mà mỗi chúng ta luôn cần nhận thức và lấy làm động lực trong cuộc đời. Nhưng viết nó ra thế nào, thuyết phục mà vẫn cô đọng phù hợp yêu cầu sẽ là điểm chênh khác giữa học sinh có khả năng suy luận và học sinh chỉ chạm đến vấn đề.
Ở phần làm văn, câu yêu cầu viết đoạn nghị luận xã hội về sự cần thiết có niềm tin trong cuộc sống là một mang sức gợi cao. Hỏi về một điều ai cũng biết là cần nhưng làm sao để không bị giáo điều, bị nông nhạt là một yêu cầu không toàn toàn đơn giản.
Thí sinh có thể viết lấy điểm đạt mức trung bình của câu khá dễ dàng nhưng để có điểm sáng tạo và thuyết phục giám khảo với mức tối đa là 2,0 điểm thì đó phải là phần làm bài của một học trò có năng lực văn học và có trải nghiệm thực tế nhất định.
Sáng lên lòng yêu nước, sức mạnh của nhân dân
Câu Nghị luận văn học, đoạn thơ được trích từ bài thơ “Việt Bắc” của nhà thơ Tố Hữu với định hướng phân tích khung cảnh hùng tráng của Việt Bắc trong kháng chiến chống thực dân Pháp là một yêu cầu rõ ràng.
Đề thi không đánh đố với thi sinh nhưng cũng cần thí sinh phải có năng lực văn học nhất định thì mới có thể cảm nhận đoạn thơ với những liên hệ về kiến thức văn học sử để làm sáng tỏ tinh thần của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc. Nắm rõ được hoàn cảnh sáng tác của bài thơ, thí sinh sẽ có những lợi thế nhất định để viết văn trong cảm hứng của bài thơ “Việt Bắc”.
Cô Kim Anh cho rằng, nếu như ở đợt thi thứ nhất, thi sinh nghĩ về đất nước trong kháng chiến chống Mỹ thì đợt thi này là đất nước trong kháng chiến chống Pháp. Vẫn tinh thần cùng ý chí bảo vệ độc lập tự do và chủ quyền dân tộc.
Vẫn sáng lên lòng yêu nước, sức mạnh của quần chúng nhân dân trong sự đồng lòng nhất trí. Học sinh cũng có thể liên hệ mở rộng đến tình hình hiện nay của đất nước chúng ta, với sự đối mặt và chiến thắng dịch bệnh.
Cả đoạn trích “Đất Nước” (Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm và đoạn trích “Việt Bắc” của Tố Hữu đều nằm trong nội dung của học kỳ 1 lớp 12 nên không ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Vì vậy, đề đợt 1 và đợt 2 có sự tương đồng rõ nét.
"Đề thi Ngữ văn đợt 2 này, đảm bảo yêu cầu về kiến thức cơ bản những vẫn có mức độ phân hoá để chọn thí sinh học tốt hẳn, xứng xét vào các trường Đại học và Cao đẳng" - cô Kim Anh nhận định.