Đề thi các môn Khoa học Xã hội: Điểm trung bình 5- 8, sẽ ít điểm tối đa
(Dân trí) - Nhiều giáo viên nhận định, đề thi các môn Khoa học Xã hội năm nay bám sát đề minh họa lần 2 của Bộ GD&ĐT, phổ điểm môn Lịch sử, Địa lý sẽ thấp hơn môn Giáo dục công dân.
Nhận xét về đề thi Giáo dục công dân, nhiều cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, giáo viên Trường THCS-THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội) cho biết, đề thi bám sát đề minh họa lần 2 của Bộ GDĐT; không có câu hỏi trong phần tinh giản theo hướng dẫn của Bộ GDĐT.
Nội dung các câu hỏi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12 và một số bài của lớp 11. Với mã đề 301 có 4 câu ở trong chương trình lớp 11, gồm: câu 82, 87, 96, 99. Những câu này chủ yếu ở mức độ nhận biết và tập trung ở 4 nội dung về tiền tệ, quy luật giá trị, cung cầu, công dân với sự phát triển kinh tế.
Nhìn chung, đề thi đánh giá được năng lực học sinh, có sự phân bổ mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận cao phù hợp, có nhiều câu hỏi tình huống hay, gắn liền với thực tiễn, học sinh có thể dễ dàng trả lời.
“Có thể nói, với cách ra đề môn Giáo dục công dân năm nay, học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản là có thể đạt được 8 điểm” – cô Nhàn nhận định.
Còn cô giáo Phạm Thị Thanh Huyền (GV trường THPT Hoàng Cầu cho rằng, Đề bám sát với ma trận đề thi minh họa lần 2 năm 2020 của Bộ GDĐT công bố. Câu hỏi vận dụng chiếm 25% (10 câu cuối) phân hóa được học sinh ở điểm 9-10.
4 câu thuộc kiến thức lớp 11: 84, 92, 93, 90 ở mức độ nhận biết, học sinh có thể dễ dàng lấy được điểm ở những câu này.
40 hỏi bao quát được kiến thức cơ bản trong chương trình ôn luyện theo đúng nội dung tinh giản mới của năm 2020 phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19.
Với đề thi này, những học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản theo chương trình trên lớp có thể dễ dàng đạt được điểm 8.
Nhận xét về đề thi môn Lịch sử, cô Hà Thị Minh Trang, Trường THPT Ban Mai (Hà Nội) cho biết, so với đề thi THPT quốc gia năm 2019, đề thi môn Lịch sử vẫn không thay đổi về cấu trúc. Đề thi có một phần kiến thức học kỳ 2 của lớp 11 (gồm 1 câu lịch sử thế giới, 2 câu lịch sử Việt Nam). Nội dung đề thi bám sát nội dung tinh giản chương trình của Bộ GD&ĐT mới công bố.
Cấu trúc ma trận đề bảo đảm tính phân hóa với 80% câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu; 20% câu hỏi mức độ vận dụng và vận dụng cao. Độ khó ở 4 câu cuối đáp ứng yêu cầu xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào các trường đại học.
Tuy nhiên, câu hỏi trắc nghiệm trải dài kiến thức từ bài 1 đến bài 26 (sách giáo khoa lịch sử 12), nội dung kiến thức bài 25 (thuộc chương trình giảm tải) và bài 19 là không có trong đề thi tham khảo. Với mức độ yêu cầu như đề thi năm nay, phổ điểm sẽ từ 5-6 điểm.
ThS. Đặng Ngọc Tú – giáo viên Lịch sử - tổ trưởng tổ KHXH (trường THPT Kim Liên) nhận định, nội dung các câu hỏi chủ yếu nằm trong phần kiến thức lớp 12, được phân bố đúng theo tỷ lệ của số tiết quy định và bám sát nội dung kiến thức giảm tải do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Phần kiến thức lịch sử thế giới chiếm khoảng 30% số câu hỏi, phổ quát toàn bộ nội dung phần lịch sử thế giới lớp 12, có liên hệ với phần của lớp 11.
Phần vận dụng và vận dụng cao tập trung chủ yếu trong giai đoạn lịch sử Việt Nam từ năm 1919 - 1954.
Dự đoán, phổ điểm chủ yếu đạt điểm trung bình, sẽ không có nhiều điểm tối đa.
Về đề thi Địa lý, cô Lê Phượng Loan, giáo viên Địa Lý, Trường THPT Vinschool, Hà Nội cho rằng, nội dung đề thi bám sát kiến thức trọng tâm của lớp 12. Đề không xuất hiện các phần kiến thức, kỹ năng liên quan đến lớp 11. Các kỹ năng chuyên biệt được kiểm tra toàn diện, với hệ thống nhiều câu hỏi sử dụng Atlat địa lý Việt Nam, đọc và phân tích biểu đồ, bảng số liệu.
Cấu trúc đề tương đối trùng khớp với đề minh hoạ. Với đề này, việc đạt được điểm 6- 7 khá dễ. Tuy nhiên, để đạt được điểm 9, 10 thì học sinh phải có khả năng tư duy phân tích mối quan hệ nhân - quả và tổng hợp kiến thức tốt.
So với năm ngoái đề thi năm nay không khó hơn, số câu hỏi nhận biết và thông hiểu có tăng, phù hợp với tình hình thực tế HS đã có thời gian học online và ôn tập gián đoạn do ảnh hưởng của Covid-19.
Các câu hỏi để phân hoá được năng lực học sinh tập trung từ câu 72 đến 80, đòi hỏi học sinh phải có năng lực tư duy tổng hợp và phân tích tốt.
Đề thi không có câu hỏi đánh đố, lắt léo. Việc ra đề thi khá tường minh nhưng vẫn có khả năng phân hoá, giúp cho việc xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH thuận lợi.
Tương tự, cô Trần Thị Thu Hương, Tổ trưởng môn Địa lý Trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm Cầu Giấy, Hà Nội nhận định, đề có độ phân hóa phù hợp với mục tiêu xét tốt nghiệp và có thể là căn cứ xét tuyển cho học sinh vào các trường đại học và cao đẳng có sử dụng môn thi này.
Số câu ở mức độ nhận biết và thông hiểu tăng chiếm khoảng 70%. Số câu ở mức độ vận dụng và vận dụng cao giảm so với năm trước chiếm khoảng 30%. Nhìn chung độ khó của đề thi giảm thể hiện rõ tinh thần chia sẻ và đồng hành của Bộ GDĐT trong hoàn cảnh thí sinh phải học tập và ôn luyện trong đại dịch Covid-19.
Đề thi khá dễ thở với thí sinh đúng tiêu chí là Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Dự đoán phổ điểm từ 6 đến 7,5 điểm.