Đề thi bằng tiếng địa phương “đánh đố” học sinh

(Dân trí) - Chỉ chiếm 1 điểm trong đề thi với thang điểm 10, thế nhưng câu hỏi dịch nghĩa tiếng địa phương sang tiếng phổ thông, đã có rất nhiều đáp án khác nhau và gây tranh cãi trên các trang mạng mấy ngày vừa qua.

Trong đề thi môn Ngữ Văn 7, thuộc kỳ thi khảo sát chất lượng học kỳ II năm học 2014-2015 của Phòng Giáo dục đào tạo huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) với câu hỏi yêu cầu dịch hai câu thơ sau bằng tiếng địa phương sang tiếng phổ thông:

Mô rú mô ri mô nỏ chộ

Mô rào mô bể chộ mô mồ

Sau khi kết thúc kỳ thi, đã có rất nhiều học sinh chia sẻ rằng cảm thấy rất khó để đưa ra đáp án đúng và khá lúng túng trước câu hỏi dịch nghĩa này.
Đề thi được đa số học sinh cho là khó và lạ
Đề thi được đa số học sinh cho là khó và lạ.


Em Trần Quỳnh Anh (lớp 7/2 Trường Trung học cơ sở Mỹ Châu, huyện Lộc Hà) cho biết: “Với câu này em đã để lại làm cuối giờ thi, câu này đọc rất khó hiểu. Câu hỏi này có 1 điểm nhưng đã mất rất nhiều thời gian và đáp án cuối cùng của em đưa ra là: “Núi đâu rừng đâu đâu chẳng thấy/ Sông đâu biển đâu thấy đâu nào. Khi đưa ra đáp án như vậy, thế nhưng được cô giáo đánh giá là dịch chưa sát nghĩa lắm".

Không chỉ các em học sinh ở Trường Trung học cơ sở Mỹ Châu, mà hầu hết các em học sinh lớp 7 trên địa bàn huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh), đều đánh giá đề thi là khá khó, khi làm bài phải đọc và dịch từng chữ.

Một giáo viên dạy môn Ngữ Văn cho biết: “ Để làm được câu hỏi này, phải áp dụng cấu trúc từ, phiên âm từng tiếng địa phương ra tiếng phổ thông sau đó ghép lại. Ví dụ như: Trong ngôn ngữ địa phương từ “mô” là đâu, ở đâu. “Rú” là núi. “Mô ri” là ở đâu đây, hàm nghĩa hỏi. “Nỏ” là không. “Nỏ chộ” là không thấy, chẳng thấy. “Rào” là con sông. “Bể” là biển. “Mô mồ” là đâu nào. Ban đầu chưa hiểu rõ hết nghĩa của tiếng địa phương thì các em nên cảm thấy hơi khó, khi hiểu rồi thì dễ dàng hơn”.

Thầy Nguyễn Thanh Châu, Hiệu trưởng Trường THCS Thạch Bằng cho biết: “Khi kết thúc kỳ thi cũng có một số thầy cô giáo trong trường bàn luận rằng câu hỏi dịch nghĩa trong đề thi hơi khó, tuy nhiên cũng một phần là do họ chưa hiểu hết ngữ nghĩa. Câu hỏi khó thì càng khuyến khích giáo viên cần phải trau dồi kiến thức đời thường nhiều hơn nữa để áp dụng vào thực tiễn giảng dạy cho học sinh”.

Trước sự tranh cãi của đề thi, chúng tôi có cuộc trao đổi với thầy Phan Thanh Dân, Trưởng phòng Giáo dục đào tạo huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh), thầy Dân cho biết: “Đây là câu hỏi 1 điểm để kiểm tra phần văn hóa địa phương đối với các học sinh. Phần này có trong Tiếng Việt là phần tích hợp tiếng địa phương. Bản thân tôi thấy đây là câu hỏi bình thường, không mang tính chất đánh đố. Đáp án câu này như sau: Đâu núi đâu non đâu chẳng thấy/ Đâu sông đâu biển thấy đâu nào".
Anh Tấn
 

Thông tin, bài viết về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm