Để hạn chế nạn học sinh tự tử
Vụ tự tử của hai nữ sinh lớp 11 ở Hà Nội vừa qua đã gây chấn động trong dư luận, hai em ra đi không những để lại sự tiếc thương cho gia đình, bè bạn... mà còn đặt ra một câu hỏi lớn cho toàn xã hội, vì sao các em lại hành động như vậy?
Lứa tuổi dậy thì - lứa tuổi mà ở đó con người ta bắt đầu chuyển sang một giai đoạn mới của sự phát triển tâm sinh lý. Song cũng chính lứa tuổi này đã và đang đặt ra không ít sự lo âu cho gia đình, nhà trường và xã hội nếu như chúng ta không có những phương pháp giáo dục hữu hiệu… Mà vụ tự tử của hai nữ sinh lớp 11 ở Hà Nội vừa qua là một ví dụ điển hình.
Chỉ vì muốn được "giải thoát"
Khoảng 14h ngày 14/8, anh Vũ Thế S. (34 tuổi) nhân viên của khách sạn V.P. nằm trên đường Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên (Hà Nội) khi thấy 2 vị khách thuê phòng 203 đã lâu không xuống dưới nhà nên đã lên kiểm tra. Sau khi dùng chìa khóa "sơ cua" để mở cửa phòng (cửa phòng bị khóa ở bên trong), anh phát hiện cả hai vị khách này đã chết.
Nhận được tin báo, sau ít phút lực lượng Công an đã có mặt tiến hành công tác khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai những người liên quan.
Tại nơi phát hiện ra xác của hai vị khách thuê phòng, các điều tra viên tìm thấy một bếp than tổ ong, 2 chai rượu đã sử dụng hết cùng 31 vỉ thuốc ngủ… Trên thân thể của hai nạn nhân không có những dấu hiệu tác động của ngoại lực.
Danh tính của hai nạn nhân sau đó nhanh chóng được xác định, đó là Nguyễn D.A. và Trần B.N., cả hai là học sinh lớp 11 Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội).
Sau khi biết tin, gia đình của nạn nhân Nguyễn D.A. đã đem bức thư tuyệt mệnh do chính Nguyễn D.A. để lại mang đến cho cơ quan Công an. Trong thư, Nguyễn D.A. có nói rõ việc mình quyên sinh là do chán nản cuộc sống thường nhật, muốn tìm đến một nơi thanh thản…
Phải gắn kết giữa gia đình với nhà trường
Sự ra đi của Nguyễn D.A. và Trần B.N. không những để lại sự tiếc thương cho gia đình, thầy cô và bè bạn mà nó còn đặt ra một câu hỏi lớn cho toàn xã hội rằng, vì sao các em lại hành động như vậy?
Trao đổi với chúng tôi về sự vụ đáng tiếc của hai em Nguyễn D.A. và Trần B.N. ở trên, Thạc sĩ tâm lý học Trần Thu Hương (giảng viên Khoa Tâm lý Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: "Hai em Nguyễn D.A. và Trần B.N. cũng giống như một số trường hợp những em học sinh đã quyên sinh trước đây, tất cả đều đang trong giai đoạn của lứa tuổi dậy thì.
Ở độ tuổi này, các em thường luôn muốn tự thể hiện mình, luôn muốn người xung quanh công nhận mình là người lớn. Vì thế cho nên các em sẽ rất dễ hành động thiếu suy nghĩ nếu như người thân, bè bạn, nhà trường không có sự quan tâm động viên, giải thích kịp thời…".
Cũng theo Thạc sĩ Trần Thu Hương, để hạn chế tình trạng tự tử ở lứa tuổi học sinh, chúng ta - những người đang đứng trên bục giảng, ngoài những kiến thức học đường ra, cần phải nắm bắt được tâm tư, sự phát triển tâm sinh lý của mỗi cá nhân học sinh. Đồng thời, phải làm sao để các em thấy được ở lứa tuổi mình những điều mình nên làm, những điều mình không nên làm.
Mặt khác, khi thấy những biểu hiện bất thường của các em, nhà trường cũng như gia đình cần phải thông báo ngay cho nhau biết để còn có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu những hành vi nông nổi của các em.
Có như vậy, các em đang ở lứa tuổi "dậy thì" - lứa tuổi rất dễ "rung động" mới hiểu ra rằng mái trường, gia đình, bè bạn chính là chỗ mình có thể nương tựa, chia sẻ ở mọi nơi mọi lúc, và những suy nghĩ "muốn được giải thoát", "chán sống", "ghét tất cả"… sẽ không còn xuất hiện trong tiềm thức của mỗi em nữa
Theo Trần Huy
Công An Nhân Dân