Để giáo sinh vững vàng trên bục giảng

Hiện nay, có không ít những bất cập trong vấn đề đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên nảy sinh từ chính môi trường đào tạo sinh viên sư phạm.

“Ngợp” khi về trường phổ thông

ảnh
Những hạn chế về kĩ năng thực hành của sinh viên, theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Quỳnh (ảnh) - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, bộc lộ khá rõ trong quá trình thực tập sư phạm tại các trường phổ thông.

Theo đó, đa phần tâm lí sinh viên đều cảm thấy “ngợp” khi về phổ thông, bởi áp lực vừa phải đảm nhiệm công tác chủ nhiệm vừa phải phụ trách giảng dạy chuyên môn.

Chưa kể việc soạn giáo án cũng có khác biệt về quy cách trình bày và hướng triển khai tùy theo từng giáo viên hướng dẫn khác nhau.

Do chưa được thực hành và rèn luyện nhiều thao tác đứng lớp nên khi giảng dạy trên thực tế, giáo sinh thường mắc những lỗi cơ bản như:

Chưa cân đối được thời gian và phân chia hợp lí đơn vị kiến thức của bài giảng, quá ôm đồm kiến thức nên rơi vào độc thoại; thiếu tương tác với học sinh; lúng túng khi vận dụng những phương tiện dạy học hỗ trợ như powerpoint và tổ chức các hình thức dạy học như thảo luận nhóm, phiếu thăm dò ý kiến, dạy học dự án.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Quỳnh chia sẻ: Sẽ có ý kiến phản đối rằng, những hạn chế này ngay đến một giáo viên lành nghề còn mắc phải huống hồ là những giáo sinh vừa mới bước chân vào thực tế nhà trường phổ thông.

Tuy nhiên, chúng tôi quan niệm rằng nếu thực sự chú trọng bồi dưỡng kĩ năng nghề và tạo môi trường thực hành cho sinh viên trong suốt quá trình ở đại học, thì khi ngay ra trường chúng ta sẽ có một giáo viên vững vàng và chắc chắn vào nghề, rút ngắn thời gian cho quá trình “tự trưởng thành”.

Khi ấy, mỗi sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường đều đã là một sản phẩm “đạt chuẩn”, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Cần tăng thời lượng cho hoạt động thực hành

Để góp phần nâng cao chất lượng cho hoạt động thực hành giảng dạy của sinh viên sư phạm, thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Quỳnh cho rằng, trước hết, cần tăng thời lượng cho hoạt động thực hành của sinh viên.

Hoạt động thực hành giảng dạy phải được xác định là một nội dung học tập quan trọng, cần thiết phải duy trì thường xuyên trong toàn bộ quá trình học tập ở đại học của sinh viên sư phạm.

Trên thực tế, năng khiếu sư phạm phần nhiều có được là do sự rèn luyện chứ không thuần là một yếu tố bẩm sinh. Do đó, nếu được triển khai đồng bộ và có kế hoạch cụ thể ở các học phần và các học kì, hoạt động thực hành chắc chắn sẽ đưa lại hiệu quả rõ nét cho chất lượng giảng dạy và học tập của cả giảng viên và sinh viên.” - Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Quỳnh 

Nội dung của hoạt động nên được chia đều cho các kì học. Thay vì dồn dập mọi hoạt động thực hành vào kì thứ 7, trước khi sinh viên đi thực tập như hiện nay, từ năm đầu tiên sinh viên nên được tập đứng lớp, làm quen với việc đứng trên bục giảng và diễn đạt một vấn đề cụ thể.

Dĩ nhiên, với kiến thức còn ít ỏi của năm đầu sinh viên chưa thể tự soạn giáo án cũng như chưa đủ năng lực và sự tự tin để truyền đạt kiến thức.

Nhưng, nếu được rèn luyện trước các kĩ năng mềm như kĩ năng đứng trước đám đông, kĩ năng thuyết trình, kĩ năng làm chủ cảm xúc và xử lí các tình huống giao tiếp thông thường thông qua việc đứng lớp, sinh viên sẽ sớm có những hình dung rõ ràng về nghề nghiệp từ đó có sự chuẩn bị cho việc rèn luyện nghề.

Học sinh sẽ được yêu cầu trình bày lại một vấn đề trong nội dung bài học, hoặc sẽ trình bày theo cách hiểu của mình về một nội dung mới trước các bạn trong lớp.

Tiêu chí đánh giá và mục tiêu dự kiến như vậy sẽ dựa trên khả năng điều chỉnh hành vi ngôn ngữ, hiệu quả tương tác với người nghe, cụ thể trong sự mạch lạc của lời nói và cách thức dẫn dắt vấn đề của mỗi sinh viên.

Kết hợp giờ thảo luận và giờ tự học vào trong cùng một buổi thực hành giảng dạy là một phương án vừa giúp tăng tính chủ động cho sinh viên trong giờ học vừa là biện pháp thiết thực hỗ trợ hình thành những kĩ năng sư phạm cơ bản.

Việc tăng giờ thực hành và thảo luận là yêu cầu cần thiết đối với mọi ngành đào tạo, mọi môn học, song riêng với đặc thù của nghề sư phạm, đặc biệt là ngành sư phạm Ngữ văn, hoạt động thực hành này càng có tầm quan trọng hơn.

Bởi ở một người giáo viên dạy Văn đòi hỏi rất nhiều tố chất trong đó có kĩ năng giao tiếp thành thục, năng lực truyền cảm hứng, tạo sự thu hút và gây ảnh hưởng tới người khác.

Giờ dạy học văn diễn ra thành công khi người thầy qua bài giảng lôi cuốn của mình truyền được cho học sinh niềm đam mê và khát vọng khám phá cuộc sống và bản thân...
 
Đa dạng hóa hình thức tổ chức hoạt động thực hành

Đa dạng hóa hình thức tổ chức hoạt động thực hành

Sinh viên sư phạm ra trường không chỉ trở thành những giáo viên mà còn là những nhà quản lí giáo dục tương lai. Vì vậy cần khuyến khích tham gia vào quá trình nhận xét, phản biện và đóng góp cho chương trình sách giáo khoa.” - Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Quỳnh

Một yêu cầu khác, theo thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Quỳnh là phải đa dạng hóa các hình thức tổ chức hoạt động thực hành giảng dạy.

Trong đợt tập giảng, nhiệm vụ của mỗi sinh viên là soạn ít nhất 3 giáo án và chọn giảng 1 tiết trong 3 bài đã soạn.

Để tăng tính chủ động và rèn luyện việc thao tác linh hoạt cho sinh viên, có thể thay đổi yêu cầu đối với phần giảng thử.

Thay vì dạy cả tiết trọn vẹn trong vòng 45 phút, mỗi sinh viên có thể bốc thăm chọn giảng một phần, mục bất kì trong bài.

Bên cạnh đó, để củng cố cho những phương pháp đã được học trong các học phần Phương pháp dạy học Ngữ văn, trong mỗi giờ thực hành giảng viên có thể yêu cầu sinh viên ứng dụng một phương pháp vào việc dạy một đơn vị kiến thức cụ thể.

Thêm nữa, danh mục các bài trong sách giáo khoa được chọn để thực hành cần phải phong phú hơn, vừa có chương trình cơ bản vừa có chương trình nâng cao, có cả Làm văn, Tiếng Việt và Đọc - hiểu văn bản để sinh viên có dịp bao quát hết chương trình phổ thông, làm quen với mọi dạng bài.

Việc lựa chọn bài dạy có thể cho phép sinh viên bốc thăm hoặc đề xuất, khuyến khích thái độ chủ động nghiên cứu và tìm hiểu nội dung sách giáo khoa - công cụ quan trọng của hoạt động giảng dạy.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Quỳnh cũng đề cập đến việc, qua những giờ hoạt động thực hành, trên tinh thần trao đổi dân chủ giữa hai chủ thể của hai quá trình dạy và học, giảng viên yêu cầu sinh viên nêu những ý kiến phản hồi về công việc tương tác của mình đối với nội dung kiến thức được học cũng như với chương trình sách giáo khoa.

Sinh viên sư phạm sẽ thực sự trở thành một mắt xích quan trọng gắn kết và là “kênh” chuyển tiếp giữa khối lượng kiến thức đào tạo nghề ở đại học và kiến thức cụ thể của chương trình phổ thông.

Như vậy, giáo dục sẽ giảm thiểu tình trạng “học một đường, làm một nẻo”, tách rời giáo dục đại học và phổ thông, góp phần đưa giáo dục đại học đáp ứng đúng nhu cầu thực tiễn đời sống.

Thêm môi trường thực tế cho sinh viên sư phạm

Nhấn mạnh cần tạo thêm môi trường thực tế cho sinh viên sư phạm rèn luyện, thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Quỳnh dẫn dụ, một số trường ĐHSP đã xây dựng mô hình trường phổ thông thực hành ngay trong trường. Giảng viên ĐH chuyên về phương pháp dạy học Văn có thể trực tiếp tham gia giảng dạy chương trình phổ thông.

Ngoài ra, theo thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, cần thiết phải dành thêm không gian trường thực nghiệm cho hoạt động thực hành giảng dạy của sinh viên sư phạm.

Sinh viên năm nhất, năm hai có thể tới quan sát và dự giờ, trong lúc sinh viên năm 3 và năm 4 sẽ trực tiếp thực hành hành giảng dạy một số tiết dưới sự giám sát và hướng dẫn của giảng viên.

Năm thứ 4, trước khi ra trường sinh viên cần dành nhiều thời lượng học tập cho việc thực hành tại trường thực hành, đặc biệt sinh viên nên được giao nhiệm vụ trợ giảng cho các tiết học thực hành và thảo luận.

Các trường đại học cũng cần chú trọng thêm về điều kiện cơ sở vật chất cho sinh viên thực hành. Ngay tại đại học, trường phải ưu tiên thiết kế những phòng thực hành dành riêng cho rèn luyện nghiệp vụ, được bố trí đầy đủ các thiết bị hỗ trợ như internet, máy chiếu, màn hình, hệ thống âm thanh. 

Ngoài ra, trong các học phần về phương pháp sinh viên cần được cập nhật và giới thiệu về những phương pháp và hình thức dạy học tiên tiến, mới mẻ.

Thay đổi cách đánh giá, cho điểm

Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Quỳnh cho rằng, theo quan điểm dạy học chủ động, giảng viên cần tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên tự đánh giá lẫn nhau.

Khi tập giảng, sinh viên cùng tham gia đóng vai thầy - trò, một sinh viên đứng lớp giảng bài trong khi những sinh viên khác sẽ đóng vai học trò.

Sau mỗi phiên giảng, sinh viên đó sẽ phải tự đánh giá về tiết dạy của mình, nghe đánh giá và ý kiến đóng góp từ các bạn khác ở phương diện người học, và cuối cùng là nhận xét của giảng viên hướng dẫn ở phương diện người dự giờ.

Việc đánh giá của giảng viên với hoạt động thực hành nên linh hoạt, kết hợp từ nhiều kênh, xuyên suốt trong cả một quá trình dựa trên nhiều tiêu chí hoạt động cụ thể.

Như vậy, tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động không còn khuôn vào việc thiết kế giáo án và một giờ thao tác tập giảng như trước.

Sự thay đổi trên cả quan điểm lẫn hình thức đánh giá như thế sẽ kích thích tinh thần dân chủ cho sinh viên, giúp rèn luyện kĩ năng đánh giá và tự đánh giá thông qua quan sát và thực thi các nhiệm vụ.

 

Theo Hải Bình

Giáo dục & Thời đại