Dạy bơi cho trẻ - cái khó "bó" cái khôn

Hoàng Lam

(Dân trí) - Liên tiếp các vụ đuối nước thương tâm xảy ra, trong khi đó việc dạy bơi gặp khó do thiếu đủ thứ, từ cơ sở vật chất, con người đến kinh phí thực hiện.

Đến hẹn... lại lo

Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính từ 25-30/4, tại Nghệ An đã xảy ra 4 vụ đuối nước khiến 8 người tử vong, phần lớn nạn nhân là học sinh. Đặc biệt, vụ đuối nước tập thể vào chiều 25/4 tại hồ nước xã Nghĩa Lộc (Nghĩa Đàn, Nghệ An) đã cướp đi sinh mạng của 4 học sinh khiến dư luận không khỏi bàng hoàng.

Dạy bơi cho trẻ - cái khó bó cái khôn - 1

Vụ đuối nước tập thể vào ngày 25/4 cướp đi sinh mạng của 4 học sinh tại xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An.

Tỉnh Nghệ An có 13 con sông lớn nhỏ, tổng chiều dài trên 1.000km; bờ biển dài 82km với 6 cửa lạch nối ra biển cùng với đó là hệ thống kênh, ao, hồ nhiều, tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn đuối nước, đặc biệt đối với trẻ em.

Không phải đến mùa hè, tình trạng đuối nước mới xảy ra tại địa phương này. Tuy nhiên, mùa hè luôn ghi nhận số vụ đuối nước cao hơn những thời điểm khác trong năm. Thống kê của ngành chức năng từ trước năm 2019, trung bình mỗi năm vào dịp hè, tỉnh Nghệ An ghi nhận từ 30-40 em nhỏ tử vong vì đuối nước. Từ năm 2020 đến nay, dù chưa có thống kê cụ thể nhưng số lượng trẻ tử vong được phản ánh qua thông tin báo chí có dấu hiệu tăng cao hơn.

"Phổ cập bơi" cho học sinh đã được tỉnh Nghệ An đưa vào kế hoạch triển khai từ năm 2019, trong đó có phương án đưa môn bơi vào trong phần chương trình giáo dục địa phương như một môn học bắt buộc. Tuy nhiên, trên thực tế, việc tổ chức dạy bơi trong các nhà trường không hề đơn giản.

Dạy bơi cho trẻ - cái khó bó cái khôn - 2

Lực lượng cứu nạn, cứu hộ tìm kiếm học sinh lớp 7 đuối nước tại huyện Anh Sơn (Ảnh: CACC).

Bà Trần Thị Mận - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Huy Tập 2 (thành phố Vinh, Nghệ An) cho biết, hiện nhà trường chưa thể triển khai môn bơi trong hoạt động chính khóa do chưa có bể bơi. Các hoạt động phòng, chống đuối nước hiện đang được lồng ghép tuyên truyền trong chương trình ngoài giờ lên lớp.

"Nhà trường cũng đã tính đến phương án liên kết, phối hợp với các trung tâm tổ chức các lớp dạy bơi cho học sinh, tuy nhiên chưa thực hiện được vì nhiều vấn đề cần phải giải quyết", bà Trần Thị Mận cho hay.

Dạy bơi, trong cái khó "lộ" cái khó hơn

Trong những năm qua, tổ chức đoàn thanh niên đã tham gia tích cực và có hiệu quả phòng, chống đuối nước ở trẻ em. Cùng với việc tổ chức, hướng dẫn các em nhỏ học bơi, cắm biển cảnh báo nguy hiểm ở những khu vực nguy cơ, một số tổ chức đoàn cơ sở đã có sáng kiến xây dựng hệ thống cứu hộ, cứu nạn bằng lốp ô tô cũ hay dây cứu hộ ở hệ thống sông ngòi thường xuyên xảy ra đuối nước...

Dạy bơi cho trẻ - cái khó bó cái khôn - 3

Nhiều trường học tại Nghệ An chưa triển khai dạy bơi trong trường học do thiếu cơ sở vật chất. Bởi vậy, hoạt động phòng, chống đuối nước được lồng ghép trong các chương trình ngoại khóa (Ảnh: Công an xã Quỳnh Thiện).

Tại huyện Nghi Lộc, mỗi năm Huyện đoàn tổ chức 2 lớp học bơi cho trẻ em, mỗi lớp có 30-50 học viên tham gia. Trong 2 tuần, các em được học bơi và hướng dẫn các kỹ năng phòng đuối nước. Nhưng con số 100 trẻ được đào tạo bơi trong một năm là quá khiêm tốn so với số trẻ trong độ tuổi thiếu niên, nhi đồng toàn huyện.

"Hiện tại toàn huyện mới chỉ có 5 bể bơi di động và 2 trường học có bể bơi. Thuê bể bơi thì không có kinh phí nên chúng tôi cũng chỉ có thể tranh thủ dịp hè, mượn bể bơi của trường học để tổ chức dạy bơi cho các cháu. Dù vậy, chi phí để duy trì việc tổ chức lớp, thuê giáo viên cũng mất 25 triệu đồng/lớp, toàn bộ kinh phí này tổ chức đoàn phải vận động xã hội hóa từ các doanh nghiệp mà vận động không đơn giản", anh Nguyễn Đức Lộc - Bí thư Huyện đoàn Nghi Lộc cho hay.

Không có bể bơi nên không ít địa phương phải tổ chức dạy bơi ở sông, hồ, hay mương thủy lợi, dù vừa dạy vừa run.

Dạy bơi cho trẻ - cái khó bó cái khôn - 4

Đơn vị đoàn thanh niên tại huyện Diễn Châu (Nghệ An) tổ chức dạy bơi miễn phí cho học sinh vào dịp hè (Ảnh: Phan Sâm).

Không chỉ khó khăn về cơ sở vật chất, kinh phí thực hiện mà nhân lực cũng là vấn đề khiến các tổ chức đoàn cơ sở đau đầu. Cán bộ đoàn có kỹ năng cứu đuối, bơi lội thì không có kỹ năng truyền đạt, người có kỹ năng truyền đạt thì lại không được tập huấn, bồi dưỡng đầy đủ về cứu đuối, phòng chống đuối nước.

"Tôi làm tuyên truyền viên 8 năm, tham gia tuyên truyền về phòng, chống đuối nước nhưng chưa từng được học bơi một cách bài bản. Toàn bộ kiến thức có được là tự tìm hiểu trong các giáo trình, trên mạng internet và kinh nghiệm của bản thân", một cán bộ đoàn xin giấu tên, chia sẻ.

Theo anh Nguyễn Đức Lộc, muốn phòng, chống đuối nước hiệu quả thì toàn dân phải học bơi, nhưng học ở đâu, ai dạy thì là vấn đề khác. Trong khi đó không phải phụ huynh nào cũng có đủ điều kiện về kinh tế, thời gian đưa đón con đến các trung tâm học bơi một cách bài bản.

Dạy bơi cho trẻ - cái khó bó cái khôn - 5

Anh Nguyễn Đức Lộc - Bí thư Huyện đoàn Nghi Lộc trong một buổi truyền thông về phòng, chống đuối nước. Việc không có kinh phí khiến việc dạy bơi cho trẻ, đặc biệt là ở khu vực nông thôn gặp khó khăn (Ảnh: Đ.L).

"Quan trọng nhất vẫn là cơ sở vật chất cho việc dạy và học bơi, rồi đến đội ngũ giáo viên, giảng viên, tuyên truyền viên và kỹ năng nghiệp vụ đào tạo, bồi dưỡng, sự quan tâm của chính quyền, nhà trường, gia đình... Cán bộ đoàn luôn tâm huyết và trách nhiệm trong công tác này nhưng không có kinh phí thì khó tổ chức và duy trì các lớp dạy bơi cho trẻ, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, nơi ghi nhận số vụ đuối nước cao hơn", anh Nguyễn Đức Lộc nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm