Đà Nẵng:

Đầu xuân, gặp người vá xe miễn phí cho học sinh

Hơn mười năm nay tại ngã tư đường Hà Huy Tập - Điện Biên Phủ, anh Trần Viết Hùng (trú tổ 52 P.Thanh Khê Đông, Q.Thanh Khê, TP Đà Nẵng) lặng lẽ mưu sinh với nghề bơm, vá xe máy, xe đạp. Nhưng điều khiến người dân cảm động là tấm lòng của người thợ vá xe nghèo này, bởi tấm bảng “Bơm, vá xe miễn phí cho học sinh, người tàn tật”.

Mùng bốn Tết, chúng tôi ghé thăm khi anh đang nghỉ tay để dùng bữa cơm trưa. Khác với ngày thường cơm rau đạm bạc, bữa cơm trưa nay có thêm vài lát chả bò, thịt muối, củ kiệu. Mang cơm từ nhà lên cho chồng, chị Hoàng Thị Phượng, vợ anh, cởi lòng: “Có ba bữa Tết, ngày mô anh ấy cũng đi làm, nói chứ nhà mình có khó đến mấy thì vợ chồng tui cũng chắt góp lo tết đầy đủ cho mẹ già và mấy đứa nhỏ”.
 
Khi biết chồng để tấm bảng bơm vá xe miễn phí cho học sinh, người tàn tật, chị Phượng rất hãnh diện vì chồng mình có tấm lòng nhân hậu. Tuy đôi lúc cũng thấy bức bối trong lòng khi kinh tế gia đình phụ thuộc hẳn vào cái quán bán đồ ăn sáng của chị. Căn hộ 303, chung cư A2 Kỳ Đồng là căn hộ được thành phố cấp cho mẹ anh Hùng khi giải tỏa bố trí tái định cư. Cả gia đình bảy người sống trong căn hộ hơn 40 m2, mọi thứ khó khăn hơn khi mẹ anh Hùng tuổi đã khá cao, cô em gái út chưa lấy chồng, đứa con trai đầu của anh Hùng lại bị bệnh dịch tràn màng phổi phải nghỉ học giữa chừng, hai đứa con kế và út của anh chị đang đều đang đi học. Vậy nhưng trong cái nghèo, cái khó, vợ chồng anh chị vẫn chưa khi nào nặng lời cãi cọ, mà cố làm, cố bươn chải, nuôi mẹ, nuôi con. Chị Phượng ngoài giờ bán đồ ăn sáng, lại chạy xe thồ, rồi làm thuê, làm mướn. Cái quán sửa xe của anh Hùng cũng phụ giúp vợ được ít tiền điện, nước.
 
Anh Trần Viết Hùng đang bơm xe cho cháu Trương Anh Thư trưa mùng bốn Tết
Anh Trần Viết Hùng đang bơm xe cho cháu Trương Anh Thư trưa mùng bốn Tết.

Bên góc quán sửa xe, khuôn mặt rám nắng, nụ cười hiền vẫn luôn nở môi người đàn ông 47 tuổi. Ngần ấy năm làm nghề vá xe ở ngã tư này, anh Hùng cũng không nhớ mình đã bao lần giúp đỡ những người tàn tật, các em học sinh. Cũng tại ngã tư này, anh đã nhiều lần chứng kiến và giúp đỡ những người không may bị tai nạn giao thông… Anh nói rằng, nghề nào cũng có duyên, nghề nào cũng có nợ. Khách của anh ngoài người vãng lai qua đường, thì nhiều người trở thành khách ruột bởi tin tưởng giao cả xe máy cho anh. Nhưng có lẽ nhiều nhất vẫn là những cô cậu học trò của trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, trường Tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ, trường THPT Thái Phiên... Hơn mười năm nay mưu sinh nơi ngã ba này, bữa có khách thì anh kiếm được một trăm ngàn, còn ngày ế chỉ được vài ba chục ngàn, vừa đủ tiền xăng. Nói về việc làm của mình, anh tâm sự: Mấy cháu học sinh cũng như con mình, ngồi đây làm mà trưa nắng thấy mấy đứa nhỏ hư xe dắt bộ, thương lắm. Tôi kêu lại vá giúp cho bọn nhỏ, mình làm phước thì nhận cái ân đức ở đời mà. Còn người tàn tật, mình không có điều kiện giúp họ thì mình vá cái xe, bơm cái lốp thì đáng là bao. Bởi nghĩ cho cùng thì đời mình còn may mắn gấp nhiều lần họ. Trước đây tôi không để biển hiệu này, không lấy tiền, người ta ái ngại, rồi tôi quyết định để cái biển miễn phí, cho mấy cháu học sinh yên tâm.

Nhiều lần ghé qua quán chú Hùng bơm xe đạp, em Trương Anh Thư, lớp 12 Trường THPT Thái Phiên vẫn nhớ như in lần đầu xe thủng lốp, dắt bộ. Sau khi chú Hùng vá xong xe, lúc trả tiền, Thư nhận được lời chia sẻ từ chủ quán: “Con không thấy chú để tấm bảng bơm vá xe miễn phí cho học sinh, người tàn tật đó sao”. Trưa nay, Thư và bạn chở nhau trên chiếc xe đạp đi thăm tết bạn bè, lại ghé nhờ chú Hùng bơm hộ lốp xe: “Thật cảm động bởi việc làm đầy ý nghĩa của chú Hùng. Chú rất tốt bụng và vui tính, em rất cảm phục bởi tấm lòng của chú”, Thư chia sẻ.

Trong dòng người bộn bề du xuân trên đường Điện Biên Phủ, TP Đà Nẵng, tôi đã lắng lại bên dòng người đó để có thể lắng nghe và cảm nhận đủ đầy về một tấm lòng nhân hậu. Mùa xuân như ấm áp hơn khi cuộc đời còn có những tấm lòng thơm thảo, với đời, với người dẫu cuộc sống của họ còn chật vật, bấp bênh. Cho đi sẽ nhận lại nhiều lần hơn thế, anh Hùng nói thế rồi lại tiếp tục công việc của mình bên chiếc xe máy Dream của một khách quen vừa đưa tới sửa.
 
Theo Nguyễn Thị Anh Đào
Báo Nhân Dân