Nghệ An:

Đầu năm học, nỗi lo trường tạm, lớp mượn

(Dân trí) - Bước vào năm học mới, Nghệ An vẫn đang có 1.961 phòng học tạm và 253 phòng học mượn. Đồng nghĩa với đó là hàng nghìn em học sinh đang phải học tập trong điều kiện cơ sở vật chất yếu kém, thậm chí là nguy hiểm tới tính mạng.

Đường vào Trường Mầm non Võ Liệt điểm trường chợ Rộ (Thanh Chương, Nghệ An).
Đường vào Trường Mầm non Võ Liệt điểm trường chợ Rộ (Thanh Chương, Nghệ An).

Lo trường xuống cấp

Hiện toàn tỉnh Nghệ An có 23.635 phòng học các cấp; trong đó có 14.386 phòng học kiên cố, 7.035 phòng học bán kiên cố, 1.961 phòng học tạm và 253 phòng học mượn. Tính ra, số lượng phòng tạm, phòng mượn chiếm một tỷ lệ khá lớn trong hệ thống trường lớp toàn tỉnh, gây khó khăn không nhỏ đối với công tác dạy và học tại các trường.

Trường Mầm non Võ Liệt (Thanh Chương, Nghệ An) lọt thỏm giữa khu chợ Rộ ồn ào, nhớp nhúa. Không biển hiệu, không cả lối vào..., điểm trường được ngăn cách với chợ Rộ xã Võ Liệt chỉ là một bức tường cao chưa quá đầu người. Ngôi trường này trước kia là dãy nhà cấp 4 của một cơ quan nhà nước, vì xuống cấp nên bị bỏ hoang. Trong khi đó, nhà trường lại thiếu phòng học nên năm 2006, xã Võ Liệt đã trích 5 triệu đồng mua lại rồi đầu tư hơn 70 triệu đồng sửa sang làm nơi dạy học.

Sân chơi cho trẻ tại Trường Mầm non Võ Liệt điểm trường sát chợ Rộ.
Sân chơi cho trẻ tại Trường Mầm non Võ Liệt điểm trường sát chợ Rộ.

Hiện điểm trường này có 5 phòng thì 3 phòng dành cho dạy học, 1 phòng dành cho ban giám hiệu và 1 nhà bếp. Cái sân chơi bé tẹo chỉ đủ kê cái cầu trượt cho trẻ. Mùa hè thì nóng bức, mùa đông thì gió lùa thông thống. Trường thấp hơn nền chợ nên mỗi khi mưa lớn, nước bẩn từ mương, từ cống thoát nước chợ Rộ tràn cả vào sân và nhà.
 
Cô Võ Thị Yến - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trường Mầm non Võ Liệt có hơn 380 cháu nhưng phải học ở 3 điểm trường, trong đó có 1 điểm trường nằm sát chợ Rộ và 1 điểm trường học nhờ nhà văn hóa thôn Trung Đức. Phụ huynh thì kêu, chúng tôi cũng biết như thế nhưng điều kiện nhà trường và xã cũng có hạn, chưa thể khắc phục được nên đành phải chấp nhận như thế này thôi”.

Trường THCS Thanh Tùng (Thanh Chương) được xây dựng từ năm 1976. Trải qua gần 40 năm, hai dãy nhà cấp 4 đã xuống cấp nghiêm trọng. Tường, nền nhà bong tróc nham nhở, cánh cửa long hết bàn lề, ván treo lủng lẳng. Mái ngói cũ kỹ, nứt vỡ tứ tung, ngày nắng thì đỡ, ngày mưa, thầy trò chạy quanh lo chuyển bàn ghế tránh bị dột.

Nhà văn hóa xóm Trung Đức trở thành lớp học của các cháu mẫu giáo xã Võ Liệt.
Nhà văn hóa xóm Trung Đức trở thành lớp học của các cháu mẫu giáo xã Võ Liệt.

Thầy Nguyễn Văn Đức - Phó hiệu trưởng Trường THCS Thanh Tùng cho biết: “Năm nào nhà trường cũng kiến nghị lên cấp trên tu sửa phòng học nhưng chưa có kết quả. Hàng năm xã cũng trích một ít kinh phí sửa lại mái ngói, gia cố bàn ghế nhưng không ăn thua. Thầy trò chúng tôi chỉ mơ đến mùa mưa không phải chạy quanh kê bàn ghế tránh dột nước chứ xã nghèo, xây mới trường học chắc… còn lâu”.
 

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Nghệ An, toàn tỉnh hiện có 742 học sinh (HS) bỏ học sau dịp hè, chiếm tỷ lệ 0,14%.

 

Nguyên nhân chính các em bỏ học là vì gia đình khó khăn, các em học lực kém và đi học quá xa. Đáng chú ý, trong số 742 học sinh bỏ học thì có tới 430 em do gia đình khó khăn; bên cạnh đó số HS là con em dân tộc thiểu số bỏ học cũng khá cao với 206 em.

 

Được biết, ngành GD-ĐT Nghệ An đã triển khai nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng HS không đến lớp...

Vào đầu năm học mới, nơi có HS bỏ học sẽ mở các lớp bổ túc văn hóa cho HS không đủ điều kiện theo học chương trình phổ thông. Về lâu dài, một giải pháp để khắc phục căn bản tình trạng khó khăn của giáo dục vùng cao là triển khai kế hoạch xây dựng nhà ở, bếp ăn cho HS bán trú, nội trú cần được Chính phủ, UBND tỉnh và ngành, các huyện tập trung giải quyết.

Trường PTCS Quỳnh Hoa (Quỳnh Lưu) hiện vẫn còn 7 phòng học tạm được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước; trong đó có 1 phòng ở điểm lẻ cách xa trường chính hơn 3 km.
 
Cô Ngô Thị Bảy - giáo viên chủ nhiệm lớp 3B trường PTCS Quỳnh Hoa tâm sự: “Mỗi lần đến lớp đến trường lại cảm thấy buồn, tủi. Buồn cho mình thì ít mà thương các cháu thiệt thòi thì nhiều. Trường lớp tạm bợ, cũ nát, đến sân chơi cũng không có cho đúng nghĩa, chỉ toàn đất sỏi với cát thôi”.

Theo lãnh đạo trường PTCS Quỳnh Hoa, việc sát nhập trường THCS và tiểu học đã được thực hiện từ năm 2009 nhưng việc giảng dạy vẫn phải thực hiện ở 2 địa điểm, cơ sở vật chất trường lớp thiếu thốn rất nhiều thứ. Hiện nay trường chưa có phòng chức năng nào, thậm chí phòng làm việc của Ban giám hiệu vẫn phải “trưng dụng” một phòng học cũ để lấy nơi hoạt động.

Trong khi đó, Trường Mầm non Nghi Trung (Nghi Lộc), nằm sát thị trấn Quán Hành nhưng ngoài điểm chính phải mượn 6 nhà văn hóa xóm để bố trí 8 lớp học cho các cháu. “Chất lượng giáo dục rõ ràng là ảnh hưởng rồi nhưng công tác quản lý cũng rất khó khăn, nhiều hoạt động ngoài giờ của các cháu hầu như rất khó thực hiện bởi thiếu sân bãi, thiếu đồ dùng, đồ chơi. Nhiều khi hoạt động của nhà trường lại chồng chéo với các hoạt động của thôn xóm gây khó khăn cho việc dạy và học. Đó là chưa nói đến việc cơ sở vật chất các nhà văn hoá xóm không đảm bảo theo yêu cầu dạy học...”, cô Hoàng Thị Tuấn - Hiệu trưởng Trường Mầm non Nghi Trung cho biết.
Nhà văn hóa xóm Trung Đức trở thành lớp học của các cháu mẫu giáo xã Võ Liệt.
Trường Mầm non Nghi Trung (Nghi Lộc, Nghệ An) phải mượn nhà văn hóa của các xóm để học nên không gian vui chơi của trẻ cũng rất bó hẹp.

Lãnh đạo ngành giáo dục: Biết, nhưng đành chịu!

Do thiếu cơ sở vật chất trường lớp học nên tại rất nhiều trường, học sinh và giáo viên vẫn phải dạy và học trong những phòng học tạm, phòng mượn cũ nát, không đạt chuẩn ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng giáo dục. Bà Vũ Thị Hiền - Phó phòng GD-ĐT huyện Quỳnh Lưu cho hay: “Năm vừa rồi chúng tôi xây mới được 61 phòng học nên còn đỡ, nếu không thì phòng tạm, phòng mượn còn nhiều. Chúng tôi rất hiểu tâm trạng của giáo viên và học sinh ở những trường còn chịu nhiều khó khăn do hệ thống trường lớp học không đạt chuẩn. Chúng tôi cũng rất buồn, rất lo lắng cho thực trạng này nhưng việc khắc phục khó khăn thì phải làm từ từ, không thể nhanh được”.

Trường Phổ thông cơ sở Quỳnh Hoa (Quỳnh Lưu) được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước.
Trường Phổ thông cơ sở Quỳnh Hoa (Quỳnh Lưu) được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước.

Cũng theo bà Hiền, hiện Quỳnh Lưu có 2.114 phòng học thì mới chỉ có 1.020 phòng kiên cố; 928 phòng bán kiên cố và còn tới 137 phòng học tạm, phòng mượn. Năm học nào phòng Giáo dục cũng tham mưu và có kế hoạch trình cấp trên về lộ trình giải quyết thực trạng cơ sở trường lớp nhưng vẫn chưa giải quyết hết.

Trong khi đó, lãnh đạo Phòng GD-ĐT Thanh Chương cũng đang rất đau đầu vì thực trạng cơ sở vật chất của các trường học trên địa bàn nhưng chưa thể khắc phục ngay. Tính thời điểm cận kề năm học 2012-2013, Thanh Chương có 1.813 phòng nhưng số phòng học kiên cố mới chỉ chiếm 60%; 40% còn lại là phòng cấp 4 hầu hết đã được xây dựng từ lâu nay đã xuống cấp, trong đó có gần 70 phòng mượn, chủ yếu ở bậc học mầm non.

Trường THCS Thanh Tùng (Thanh Chương) bị xuống cấp trầm trọng.
Trường THCS Thanh Tùng (Thanh Chương) bị xuống cấp trầm trọng.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Thanh Chương cho rằng: “Hệ thống cơ sở vật chất trường lớp tại huyện Thanh Chương cơ bản là đủ nhưng gần một nửa chưa đạt chuẩn nên việc nâng cao chất lượng nhất là phổ cập trẻ 5 tuổi bán trú khó thực hiện và việc dạy học theo hướng đổi mới, hiện đại là không làm được. Phòng cũng cảm thấy rất lo lắng với thực trạng hiện nay nhưng cũng chỉ biết trình cấp trên để giải quyết chứ không thể làm khác được”. Theo lộ trình phát triển của Phòng GD-ĐT Thanh Chương thì phải đến năm 2015 mới có thể phấn đấu kiên cố hết trường lớp trên địa bàn.

Huyện Nghi Lộc hiện con 152 phòng học bán kiên cố, 20 phòng mượn và 62 phòng tạm trên ng số 1.132 phòng học các cấp. “Phòng học tạm, phòng mượn ảnh hưởng rất nhiều tới chất lượng giáo dục, chúng tôi cũng họp bàn nhiều nhưng vẫn rất khó bởi nội lực ở các xã vẫn còn khó khăn, chưa thể đầu tư nổi để các trường xây dựng phòng học kiên cố đạt chuẩn. Biết là giáo viên và học sinh chịu nhiều thiệt thòi nhưng Phòng cũng chỉ biết động viên để họ vượt qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học”, ông Nguyễn Phi Hải - phó phòng GD&ĐT cho biết.

Thầy trò Trường THCS Thanh Tùng dạy và học trong phòng cũ nát, xuống cấp.
Thầy trò Trường THCS Thanh Tùng dạy và học trong phòng cũ nát, xuống cấp.

Về phương hướng giải quyết số phòng học mượn, phòng tạm trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Trọng Hoàn - Phó chánh văn phòng Sở GD-ĐT Nghệ An cho biết: “Phòng học chưa đạt chuẩn theo quy định sẽ ảnh hưởng rất lớn không chỉ tới chất lượng dạy và học, tạo tâm lý không yên tâm mà nếu phòng quá xuống cấp còn có thể gây nguy hiểm tới tính mạng của học sinh và giáo viên. Sở cũng đã đề nghị các địa phương cần cân đối ngân sách để cấp và hỗ trợ các trường tu bổ và xây dựng mới các phòng học đạt chuẩn. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục theo đúng tinh thần cuộc vận động hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học.

Riêng các huyện miền núi cần bám vào các chương trình mục tiêu quốc gia để xây dựng cơ sở vật chất trường lớp. Các nhà trường cần báo cáo kịp thời về tình trạng phòng học xuống cấp, không đạt chuẩn để địa phương có phương án tích cực, khẩn trương và kiên quyết không để học sinh học trong những phòng học đã xuống cấp”.
 

So với những năm học trước, năm học 2012-2013 huyện Tương Dương (Nghệ An) đã chủ động hơn trong công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất trường, lớp học ở tất cả các trường trong huyện, để chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới.

Nhưng về cơ bản các ở vùng sâu, vùng xa xôi cách trở, đường đi lại gặp rất nhiều khó khăn như các trường Nhôn Mai, Hữu Khuông, Lượng Minh, Mai Sơn và một số trường khác vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn về mọi mặt, nhất là về cơ sở vật chất. Nguyên nhân chính là do điều kiện đảm bảo để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học còn hạn chế, đa số trường THCS còn thiếu phòng học thực hành đúng quy cách cũng như trang thiết bị bên trong để khai thác có hiệu quả thiết bị dạy và học. Nhiều điểm trường mầm non còn tạm bợ hoặc phải học nhà mượn. Bên cạnh đó nhà bán trú học sinh ở các trường vùng sâu, vùng lòng hồ còn bất cập.

Theo kế hoạch thì trong năm học 2012-2013, trường THCS Nhôn Mai sẽ có gần 300 học sinh ở 4 khối học, trong đó 155 em ở các bản xa trường hàng chục km đường rừng núi, phải trọ học ở trường. Tận dụng dãy nhà cấp bốn xuống cấp của đồn Biên phòng 523 để lại, nhà trường đã chia làm 4 phòng, mỗi phòng 36 mét vuông cho 10 em ăn, ở sinh hoạt trong đó.
 
Nơi trọ học là những khu nội trú tạm bỡ...
Nơi trọ học của HS Nhôn Mai.
 
Vào những tháng đầu năm học 2012-2013, khi các em chưa nhờ được nhà dân, hoặc chưa làm được nhà tạm thì có lúc mỗi phòng có từ 15 - 20 em ở. Bên cạnh đó hơn 10 năm nay nhà trường đang phải tận dụng và khôi phục các dãy nhà cũ của Đồn biên phòng để làm phòng học, phòng chức năng vì thế cơ sở đã xuống cấp trầm trọng. Đảng ủy, chính quyền địa phương xã cũng đã vận động nhân dân tu sửa và cất dựng nhà tranh, nứa tạm cho các em yên tâm trọ và học.

Anh Vi Văn Kỳ - Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai, Tương Dương cho biết: “Để đảm bảo cơ sở vật chất cho năm học mới thì Đảng ủy, chính quyền xã Nhôn Mai đã phân công các thành viên trong ban chỉ đạo phổ cập giáo dục đi các thôn bản vận động phụ huynh và nhân dân tu sửa trường lớp và làm nhà tạm bợ, lấy ghế học sinh cấp hai chỉnh sửa cho học sinh cấp một học, tu sửa phòng ở cho giáo viên. Đến nay tất cả các thôn bản cơ sở đã tạm ổn”.

Nguyễn Duy

 
Hoàng Lam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm