Giúp trẻ mầm non vượt qua nỗi sợ đến trường

(Dân trí) - Trong khi bạn bè đã thích nghi với trường lớp thì không ít trẻ mầm non vẫn có dấu hiệu “ám ảnh trường học” do các em không được chuẩn bị tâm thế đến trường một cách phù hợp.

Chia sẻ tại hội thảo “Cùng bé vượt qua khủng hoảng tuổi lên 3” do trường Quốc tế Việt Úc mới đây, nhiều phụ huynh (PH) có con trong độ tuổi đi nhà trẻ cho biết dù đã đến trường một thời gian nhưng trẻ không thích nghi được với trường lớp. Về nhà các em có những biểu hiện lạ như khóc lóc, gặp mẹ thì đòi ba, thấy ba thì đòi mẹ, hoặc đòi bà ngoại cũng như bị sốt, giảm cân…
 
Th.S Tâm lý học Chung Vĩnh Cao cho rằng, trường hợp trẻ có triệu chứng sợ đến trường do các em chưa được chuẩn bị tâm thế thích hợp, thay đổi môi trường sống từ ở nhà sang nhà trẻ một cách quá đột ngột nên dẫn đến những phản ứng về tâm lý.
 
Để tránh điều này, trước khi tách khỏi bố mẹ, trẻ cần được chuẩn bị tâm thế một cách kỹ lưỡng. Trước khi đi học chính thức, cần tạo mọi điều kiện cho con làm quen với môi trường sắp tới của mình như đưa con đến trường chơi, giới thiệu về thầy cô, bạn bè… PH nên tìm hiểu giờ giấc sinh hoạt ăn ngủ, thức ăn ở trường để ở nhà tập cho con. Sai lầm nhiều PH gặp phải trong việc cho trẻ ăn là cho thức ăn của trẻ vào máy sinh tố xay nát nên khi đến trường các em khó khăn trong ăn uống. Vì thế gia đình cần tập cho trẻ ăn đa dạng các loại thức ăn, ăn cơm ướt phù hợp theo độ tuổi.

Lần đầu đến trường, trẻ cần được chuẩn bị tâm thế kỹ càng.

Lần đầu đến trường, trẻ cần được chuẩn bị tâm thế kỹ càng. Trong ảnh: Một phụ huynh cho con làm quen với trường lớp trước khi đi học.

Mức độ thích nghi của các trẻ không giống nhau, theo chuyên gia Chung Vĩnh Cao, còn tùy thuộc vào khí chất của mỗi người. Với trẻ có khí chất hoạt bát, sự thay đổi sẽ dễ dàng hơn nhưng với trẻ có khí chất ưu tư, các em ít cởi mở, thụ động, chỉ thích cuộc sống với những thói quen hàng ngày nên đòi hỏi quá trình chuẩn bị tâm thế trước khi đến trường lâu công hơn.

“Nếu có thể, gia đình nên nhờ sự hỗ trợ của giáo viên, mời các cô đến nhà chơi làm bạn với trẻ. Khi đến trường, được gặp những “người bạn” đã quen của mình, trẻ sẽ yên tâm hơn”, ông Cao cho hay.

ThS Chung Vĩnh Cao lưu ý, trẻ thường bắt đầu đến trường ở độ tuổi lên 3, đây cũng là giai đoạn có những biểu hiện tâm lý đặc biệt và phức tạp đặc trưng. Do đó, trẻ bắt đầu xuất hiện tính bướng bỉnh, ích kỷ, ngang ngạnh, chống đối… khi không được đáp ứng mong muốn cá nhân. Trẻ có thể đột nhiên tự tiện trong hành vi, muốn tự mình làm tất cả mọi việc mà không cần sự giúp đỡ của bố mẹ, thậm chí có thể “nổi loạn” để chống đối lại người lớn trong những tình huống cụ thể. Các chuyên gia tâm lý gọi đây là giai đoạn “khủng hoảng tuổi lên 3”.

Nguyên nhân là do độ tuổi bé đã có những nhận biết về cuộc sống xung quanh, thích mô phỏng cuộc sống của người lớn nhưng gặp mâu thuẫn giữa nhu cầu độc lập với khả năng bản thân còn hạn chế.

Bởi thế, khi trẻ ở độ tuổi này trẻ rất cần sự quan tâm và hỗ trợ khéo léo lẫn tôn trọng của cả gia đình và nhà trường. Bố mẹ và giáo viên cần nắm được tâm lý của trẻ để giúp trẻ phát triển toàn diện, khỏe mạnh về thể chất lẫn tinh thần, đón nhận sự thay đổi của cuộc sống xung quanh. Lúc này những việc gì trong khả năng của trẻ hãy tạo điều kiện cho trẻ làm, người lớn chỉ hỗ trợ sao cho khéo léo. Nếu can thiệp thô bạo, trẻ sẽ phản ứng lại rất mạnh.

Ông Cao đưa ra tình huống, khi trẻ đòi tự rót nước, nếu trẻ chưa thể sử dụng ly thủy tinh thì cha mẹ nên chuẩn bị ly nhựa từ trước. Còn bé đã cầm ly thủy tinh trên tay, chuẩn bị rót nước mà bị yêu cầu đổi ly bé sẽ không chấp nhận và có phản ứng chống đối.

Chuyên gia tâm lý này cũng nhấn mạnh, sự khủng hoảng của độ tuổi lên 3 là hoàn toàn bình thường. Những đứa bé nào không có sự khủng hoảng ở độ tuổi này mới có vấn đề về phát triển tâm lý.

Hoài Nam