Bộ GD-ĐT giải đáp “nóng” các vấn đề của năm học mới

(Dân trí) - Chiều 30/8, Bộ GD-ĐT tổ chức họp báo nhân dịp đầu năm học mới. Những vấn đề “nóng” như lạm thu, thừa thiếu giáo viên, sĩ số lớp quá tải… đã được lãnh đạo các Cục, Vụ của Bộ GD-ĐT chia sẻ một cách cởi mở.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-2031/Chuan-bi-cho-nam-hoc-moi.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Chuẩn bị cho năm học mới</b></a>

Địa phương cần kiên quyết xử lý lạm thu

Trước vấn đề phóng viên đưa ra đó là tình trạng lạm thu tồn tại cũng xuất phát từ việc ngân sách dành cho các trường chưa đảm bảo công tác dạy và học, ông Lê Khánh Tuấn - Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính chia sẻ: “Bộ GD-ĐT đã làm việc với các tỉnh, bộ ngành và thống nhất trình thủ tướng, nhưng chưa đặt vấn đề tăng học phí trong điều kiện kinh tế như hiện nay”

Cũng theo ông Tuấn, để khắc phục tình trạng lạm thu, Bộ GD-ĐT đã tiến hành nhiều giải pháp, trong đó, quan tâm làm sao để đảm bảo đủ nguồn đầu tư ngân sách theo quy định của Thủ tướng, chương trình mục tiêu quốc gia, vốn chi thường xuyên để cải thiện nguồn chi tại nhà trường. Trước mắt thực hiện theo nguyên tắc 80% chi cho con người và 20% chi cho hoạt động, đúng như quyết định của Thủ tướng để giảm bớt khó khăn cho các trường.
Lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ GD-ĐT chia sẻ với báo chí chiều ngày 30/8

Chiều 30/8, Bộ GD-ĐT tổ chức họp báo nhân dịp đầu năm học mới.

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng đã ban hành nhiều văn bản cũng như triển khai các công việc với các tỉnh, thành phố và các trường, sở GD-ĐT để thực hiện tốt các quy định hiện hành về thu chi. Cụ thể như yêu cầu thực hiện tốt về Điều lệ hội cha mẹ học sinh; thực hiện tốt 3 công khai

“Trong triển khai kế hoạch với 63 tỉnh thành phố đều yêu cầu các địa phương phải thực hiện tốt các giải pháp theo phân cấp quản lý để bảo đảm kiểm soát chống lạm thu trong nhà trường. Bộ GD-ĐT đã đề xuất với UBND các tỉnh, thành phố, thực hiện tốt việc kiểm tra, thanh tra giám sát ngay từ đầu năm học để ngăn chặn hiện tượng lạm thu. Nếu nơi nào cố tình vi phạm, Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương kiển quyết xử lý” - ông Tuấn nhấn mạnh.
 

Không "bỏ quy định 6 tuổi vào lớp 1"

 

Trước việc một số báo chí đưa tin Bộ GD-ĐT dự kiến "bỏ quy định 6 tuổi vào lớp 1", ông Lê Tiến Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học khẳng định: "Bộ chưa có một dự thảo nào nói về việc bỏ quy định trẻ 6 tuổi vào lớp 1, không biết báo chí lấy thông tin này từ đâu. Theo luật phổ cập thì trẻ 6 tuổi vào lớp 1, trẻ dưới 6 tuổi theo quy định học ở bậc mầm non. Chỉ có một số trẻ ở vùng khó, dân tộc, khuyết tật... có thể được phép vào học lớp 1 muộn hơn”.

Cũng để giải quyết vấn đề lạm thu tốt hơn, ông Tuấn cũng tiết lộ, hiện Bộ GD-ĐT đang soạn thảo 2 văn bản liên quan đến việc quản lý thu chi. Văn bản thứ nhất là hướng dẫn việc thu tự nguyện trong các nhà trường. Văn bản này đang được hoàn thiện khâu cuối cùng để đưa lên mạng xin ý kiến trước khi ban hành. Thứ 2 là thông tư theo nghị định 49, cho phép những trường tổ chức dịch vụ, chương trình chất lượng cao được thu tương xứng, cũng là một cách để chống lạm thu.

“Chúng tôi cũng đề xuất với lãnh đạo Bộ, ngay đầu năm học sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra các địa phương, cùng với UBND các địa phương để giám sát việc này. Nếu phát hiện ra có vấn đề sẽ cùng với các địa phương xử lý” - ông Tuấn nói

Hết điểm nóng về thiếu giáo viên

Vấn đề tuyển bổ sung giáo viên đáp ứng cho năm học mới cũng được nhiều báo chí quan tâm, nhất là vừa qua ở TPHCM thừa hàng nghìn nhân lực ngành Sư phạm do cung đã vượt quá cầu.

Giải thích về hiện tượng này, ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bộc bạch: “Hiện nay, một số địa phương có hiện tượng thừa giáo viên. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thừa giáo viên ở nơi nào đó như do dân số cơ học có sự thay đổi… Tuy nhiên giải pháp chung mà các địa phương đang giải quyết tình trạng này đó là giãn số học sinh trong một lớp. Đây cũng là dịp để có thể thực hiện tốt chất lượng, làm tốt công tác bồi dưỡng học sinh cũng như thực hiện các kỹ thuật dạy học mới”.

Trước câu hỏi với mục tiêu dãn số học sinh trong lớp cần phải tăng biên chế giáo viên, xây dựng trường lớp…, vậy Bộ GD-ĐT đã có văn bản nào yêu cầu các địa phương thực hiện việc này?, ông Minh cho hay: “Vấn đề tuyển dụng giáo viên do các địa phương đảm nhận dựa trên nguồn ngân sách và quy định định viên giáo viên trên đầu HS. Bộ GD-ĐT không thể đưa ra văn bản hướng dẫn cụ thể chung được”.

Liên quan đến bậc mầm non, ông Hoàng Đức Minh cũng thông tin thêm, năm học này, không còn điểm nóng về thiếu giáo viên mầm non. Đây là kết quả của việc thực hiện quyết liệt và đồng bộ hàng loạt các biện pháp, đặc biệt là quyết tâm phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi. Các nơi đã rải rác tuyển dụng, không phải một lần mà rất nhiều lần, tìm mọi nguồn, bằng nhiều kênh.

Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương thì số lượng giáo viên thiếu chỉ còn ở con số trăm và chỉ rải rác ở một vài nơi, không còn mức độ thiếu như trước đây ở Thanh Hóa. Những nơi thiếu cục bộ sẽ được tiếp tục khắc phục trong thời gian tới.

Giảm sĩ số lớp: Bài toán khó

Một trong những cấp học mà tình trạng sĩ số lớp chênh lệnh quá lớn so với quy định đó là tiểu học đã được phản ánh rõ nét qua báo chí nhiều năm qua nhưng việc giải quyết dường như là khá nan giải.

Ông Lê Tiến Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học chia sẻ, việc quá tải này Bộ có biết. Theo quy định mỗi lớp ở bậc tiểu học không quá 35 HS. Nhưng thực tế ở một số thành phố lớn do dân số tăng cơ học, đô thị hóa… nên số HS tiểu học cứ tăng dần lên, HS ở vùng nông thôn mỗi ngày ít đi. Chính vì sự biến đổi quá nhanh này mà các thành phố lớn không xây kịp các phòng học và đây là trách nhiệm của UBND các tỉnh/thành phố. Bộ không thể can thiệp vào việc này vì đã có phân cấp quản lý.

Chúng ta nên nhớ, theo điều luật thì mọi trẻ em đến độ tuổi đều được đến trường, kể cả những trẻ chỉ có tạm trú ở một khu vực nào đó. Do đó với việc quá tải cục bộ bắt buộc phải dùng đến giải pháp là sĩ số lớp phải tăng lên đảm bảo quyền lợi học tập của trẻ.

Cũng theo ông Thành, hiện nay các thành phố lớn rất nỗ lực trong việc thực hiện 3 giảm đó là sĩ số lớp, số lớp trong một trường và giảm trái tuyến. Còn việc thực hiện đến lúc nào để sĩ số lớp như quy định là trách nhiệm của các UBND thành phố. Đây cũng là một bài toán khá nan giải. “Với những khó khăn như vậy nên Bộ GD-ĐT khi đi kiểm tra cũng chỉ nhắc nhở chứ không thể có biện pháp “mạnh tay” hơn được” - ông Thành nói.

Trước câu hỏi, hiện nay các trường chuẩn quốc gia khi mới được công nhận thì sĩ số lớp đạt nhưng sau đó lại tăng. Vậy Bộ GD-ĐT đã đi rà soát kiểm tra để đánh giá để xét công nhận lại hay chưa?

“Không phải trường đã đạt chuẩn là chúng ta cứ công nhận mãi. Hiện tượng một số trường chuẩn sĩ số lớp tăng với quy định sẽ được xem xét lại. Chúng tôi đã kiến nghị với lãnh đạo Bộ GD-ĐT là sau 5 năm sẽ kiểm tra đánh giá lại” - Vụ trưởng Lê Tiến Thành trả lời.

Kết luận tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa Khẳng định so với năm học trước, đầu năm học mới 2012-2013 có nhiều chuyển biến tích cực.

“Có những vẫn đề chúng ta làm được ngay nhưng cũng có vấn đề cần có quá trình. Về phía Bộ GD-ĐT đã xây dựng các văn bản để hướng dẫn chỉ đạo, trên cơ sở đó, các địa phương có trách nhiệm cụ thể hóa để triển khai trên địa bàn. Ngoài việc ban hành các văn bản, Bộ GD-ĐT cũng triển khai các hoạt động thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn chỉ đạo. Bên cạnh đó cũng lắng nghe các ý kiến, phát hiện của báo chí để xem xét điều chỉnh cho phù hợp” - Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh.
 

Sẵn sàng cho năm học mới

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, đến nay, đã có 53/63 tỉnh, thành phố ban hành quyết định kế hoạch thời gian năm học 2012-2013; 32/63 địa phương đã ban hành chỉ thị về nhiệm vụ trọng tâm công tác giáo dục đào tạo năm học 2012-2013; đề xuất các giải pháp phát triển giáo dục phù hợp với thực tế địa phương.

Hiện các tỉnh đều đẩy nhanh tiến độ xây dựng và sửa chữa cơ sở vật chất trường học, đảm bảo đủ cơ sở vật chất trước khi khai giảng năm học mới. Các tỉnh, thành phố cũng đã tập trung rà soát, sắp xếp, điều động, bố trí cán bộ quản lý và giáo viên cho năm học mới; tổ chức tuyển dụng biên chế đáp ứng yêu cầu giáo viên cho các vùng khó khăn.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã quan tâm triển khai cuộc vận động quyên góp quần áo, sách vở cho học sinh vùng khó, phấn đấu hoàn thành trước 2/10, thực hiện yêu cầu “3 đủ” (đủ ăn, đủ quần áo, đủ sách vở) đối với học sinh; phối hợp với các lực lượng xã hội triển khai nội dung “đi học an toàn”.

 
Nguyễn Hùng