Cô gái thiếu "chung thủy" vì ám ảnh bố chửi sếp, mẹ đánh học trò trút hận
(Dân trí) - Chuyển việc lần thứ 3 trong vòng 3 năm, cô gái 25 tuổi Nguyễn Lệ Thủy thà nhảy việc chứ không chấp nhận sống một cuộc đời "chửi sếp, đánh học trò" như bố mẹ.
Nỗi bức xúc chuyện nhân sự trẻ thiếu... chung thủy là nội dung tràn ngập trong buổi tọa đàm việc làm tại một trường đại học ở TPHCM.
Ở đó, nhiều nhà quản lý doanh nghiệp than trời, bất lực trước sự tùy hứng, thiếu trách nhiệm của nhân sự trẻ, thích là bỏ việc, nhảy việc. Thậm chí, sếp nặng lời một chút, khách hàng phản hồi chưa đến câu thứ 3 nhiều nhân viên đã nước mắt lưng tròng rồi tuyên bố "em không làm nữa đâu".
Một thạc sĩ làm trong lĩnh vực dự báo việc làm thở dài nói, ông có trách nhiệm kết nối giữa doanh nghiệp và nguồn nhân lực nhưng lại rất sợ lao động trẻ thiếu cam kết, sợ doanh nghiệp phản hồi, chê trách.
"Các bạn trẻ thiếu tinh thần gắn bó, sự chung thủy. Trong khi đó là một đức tính cần thiết trong mọi mối quan hệ, mối tương quan của cuộc sống", ông cảm thán.
Ở chiều ngược lại, những người vừa bước chân vào thị trường lao động giải thích lý do nhảy việc liên tục vì chưa tìm được công việc ưng ý, muốn tìm cơ hội phát triển tốt hơn, tìm mức lương cao hơn, cả tìm nơi thời gian làm việc ngắn, cho làm việc tại nhà...
Đến chia sẻ của cô gái Nguyễn Lệ Thủy, 25 tuổi, nữ nhân viên marketing tại một trường quốc tế ở TPHCM, nhiều người vỡ òa về góc khuất nhảy việc của người trẻ.
Thủy kể, bố cô làm việc tại một cơ quan nhà nước về lĩnh vực văn hóa, mẹ là giáo viên mầm non. Cả tuổi thơ cô chứng kiến cả bố lẫn mẹ bất mãn, cay cú với công việc, với cơ quan, với tất cả mọi người xung quanh.
Đi làm, bước vào nhà, thả cái cặp da xuống là bố Thủy chửi, chửi sếp, chửi đồng nghiệp, chửi khách hàng... Ông ngập trong rượu chè oán trách đời, rằng lẽ ra mình phải ông này bà kia, mình tài năng nhưng không gặp thời, không được trọng dụng.
Mẹ cũng không thua kém. Lời đầu môi của bà khi về nhà luôn là chê bai những đứa bé mới chỉ 3-5 tuổi nào là xấu xí, bẩn thỉu, ương bướng... ; rồi mắng sang phụ huynh, chửi cả hiệu trưởng, đồng nghiệp; rồi rủa luôn "cái nghề đổ bô cho con người khác" mà bà làm cho đến khi về hưu.
Hồi tiểu học, vài lần Thủy theo mẹ đến trường. Cô ám ảnh về việc mẹ đánh bọn trẻ như trút hận, từ dúi đầu, tát mặt, lấy dép đánh tay, mông, nhét đồ ăn vào miệng "chặn khóc"... cho đến đủ lời la hét, rủa xả nặng nề.
Ròng rã hàng chục năm, ngày đi làm nào với bố mẹ Thủy cũng như vậy. Dù rằng bên ngoài, cả cán bộ văn hóa và giáo viên mầm non đều thật đạo mạo, đàng hoàng, không ngừng ca ngợi về lòng yêu nghề, yêu trẻ, về sự cống hiến, hy sinh vì nghề của mình.
Những bức xúc, khốn khổ trong công việc, họ mang về nhà trút. Chị em Thủy từng hỏi bố mẹ, ông bà ghét, khổ sở vì công việc như vậy, sao không nghỉ đi, tìm việc khác hoặc về nuôi gà, nuôi heo, bán hàng.
Đáp lại là những trận giáo huấn kiểu như "phải kiếm tiền nuôi con", "không có tao thì trường đó, cơ quan đó có được như bây giờ?", "có biết vào nhà nước khó lắm hay không, bao nhiêu người muốn không được"...
Bức tranh nghề nghiệp của bố mẹ đeo đẳng Thủy cho đến tận bây giờ, ảnh hưởng đến lựa chọn công việc của cô.
"Tại sao tôi phải chịu đựng, sống một cuộc đời đi làm như bố mẹ tôi? Công việc, môi trường không phù hợp, nơi nào mà tôi còn thấy mình phải khổ sở, không thấy hạnh phúc, tôi sẽ còn nhảy việc", Thủy nói.
Không chấp nhận bị tra tấn cảm xúc mỗi ngày
"Em cảm thấy thế hệ trước thật bảo thủ và giả dối!" - đó là phát biểu của một nhân sự gen Z tại buổi nói chuyện của bà Nguyễn Thúy Uyên Phương, người sáng lập Faros Education ngay tại công ty của em này về chủ đề giải mã gen Z.
Trong phòng khi ấy có sự hiện diện của sếp em, của phòng nhân sự, đều là những người đi trước mà em đang nhắc đến. Bà Phương có chút giật mình nhìn lại, thế hệ bà có ghét sếp lắm cũng chẳng bao giờ "vỗ vào mặt" như vậy'.
Bà Phương chia sẻ, bà đã gặp không ít người nhảy việc vì không muốn sống một cuộc đời, bám lấy một công việc khổ sở, chịu đựng, giả dối như bố mẹ mình. Nhân sự trẻ muốn trải nghiệm, tìm hiểu, khám phá để tìm nơi phù hợp cho bản thân, nơi làm việc mang đến sự hạnh phúc.
Phía sau câu chuyện của nhân sự gen Z nhảy việc không chỉ là những bề nổi thiếu trách nhiệm, thiếu cam kết, nóng vội... như nhiều đánh giá. Phía sau có thể là những câu chuyện, những ám ảnh, những xung đột về giá trị.
Một nhà quản lý nhân sự tại TPHCM nêu quan điểm, giới trẻ bây giờ không có khái niệm chịu đựng công việc cực khổ để kiếm tiền, để cuối tuần hay vài tháng đi du lịch một lần.
Đi làm mà không vui, không hạnh phúc họ sẽ nghỉ vì thấy không đáng để bị tra tấn cảm xúc mỗi ngày. Bởi vậy, có thể nhiều người sẽ nhầm tưởng các bạn dễ đỗ vỡ, mong manh, nhất là thế hệ trước chấp nhận hy sinh, cam chịu, không dám đánh đổi.
Người trẻ cũng đang phần nào phản ứng lại, đạp lên những giá trị cũ, những giá trị của người đi trước. Công việc cũng như hôn nhân, thế hệ trẻ sẽ không chấp nhận một cuộc hôn nhân như địa ngục, bạo hành, đánh đập, chửi bới, cả đời sống trong khổ sở, đọa đày... như bố mẹ, ông bà.
Theo bà, đây là một nhu cầu chính đáng, là những giá trị hàng ngày chúng ta vẫn nói đến nhưng thế hệ trước chưa làm được. Điều đó cho thấy gen Z nhìn sâu vấn đề hơn, nhìn được tận cùng mục tiêu sống để làm gì, sống để hạnh phúc, sống không chỉ để kiếm tiền hay níu giữ một gia đình bất hạnh...
Trên con đường theo đuổi các giá trị này, người trẻ sẽ khó tránh khỏi những khó khăn, xung đột. Các nhà quản lý cần có sự thấu hiểu, nắm bắt đặc điểm để có cách hợp tác cùng gen Z và các thế hệ sau nữa sẽ thành lực lượng lao động chính trong tương lai gần.
Và chính bản thân người trẻ cũng cần thêm nhiều kỹ năng, trách nhiệm để theo đuổi giá trị của mình mà tránh được việc chà đạp lên những giá trị của thế hệ đi trước, hạn chế ảnh hưởng đến người khác ở mức thấp nhất có thể...