Lo sổ sách nhận xét thì dạy học... hờ hững

(Dân trí) - Đã là quy định của ngành, kiểu nào giáo viên cũng làm được. Nhưng đổi lại với việc hoàn thành sổ sách, thủ tục hành chính có thể là những tiết học hờ hững, nhợt nhạt.

Thầy Nguyễn Văn Minh (nhân vật yêu cầu phải đổi tên), giáo viên (GV) Âm nhạc ở TPHCM chia sẻ, so với các GV bộ môn khác, thầy may mắn công tác ở ngôi trường mới hoạt động với 15 lớp học nên số học sinh (HS) thầy dạy mới chỉ hơn 600 em.

Việc nhận xét hàng tuần, đặc biệt là việc vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục hàng tháng cho hơn 600 HS này thay cho việc đánh dấu tích (bộ môn này trước đây đã không sử dụng điểm, chỉ dùng dấu tích (V) là một việc cực kỳ khó, đòi hỏi đầu tư nhiều thời gian. Nhưng đã là quy định của ngành, có nặng hơn nữa, kiểu nào GV cũng làm được, cũng sẽ hoàn thành theo cách này hay cách khác, kể cả việc “bò càng” ra mà làm.

Giáo viên bộ môn ở bậc tiểu học gặng gánh sổ sách nhận xét theo Thông tư 30
Giáo viên bộ môn ở bậc tiểu học gặng gánh sổ sách nhận xét theo Thông tư 30.

“Việc thực hiện việc đánh giá bằng nhận xét này thật ra không nặng nhọc nhưng chẳng khác nào đang “hành hạ” GV”, thầy Minh cho hay.

Thầy Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh lao động là phải sáng tạo, nhất là đối với lao động trí tuệ như GV thì đòi hỏi phải thay đổi, phải sáng tạo liên tục và tinh túy đó của người thầy phải thể hiện được thông qua mỗi tiết dạy.

Để được như vậy, GV cần một tâm trạng thoải mái chứ như bây giờ đầu óc chuyển sang tập trung hết cho việc hoàn thành sổ sách. Mọi sổ sách, thủ tục hành chính GV hoàn thành đầy đủ nhưng đổi lại có thể sẽ là những giờ lên lớp nhợt nhạt, hờ hững thì chất lượng giáo dục càng đáng lo. 

“Cần cắt bỏ những việc không đáng có để người thầy tăng cường sự sáng tạo trong dạy học, tập trung vào HS thì chúng ta đang làm ngược lại, tăng những việc ngoài lề để người thầy “sao nhãng” công việc chính của mình. Người thầy không sáng tạo thì đừng hy vọng có thể dạy HS sáng tạo”, lời thầy Minh.

Ở sổ điểm cũ, chỉ với 2 trang giấy có thể theo dõi được toàn bộ học sinh trong lớp
Ở sổ điểm cũ, chỉ với 2 trang giấy có thể theo dõi được toàn bộ học sinh trong lớp.

Quá trình Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT về đánh giá học sinh (HS) bằng nhận xét, bỏ điểm số đi vào trường học, GV bộ môn chính là những người nặng gánh nhất trong việc nhận xét, vào sổ đánh giá.

Nhiều GV bộ môn tỏ ra lo ngại để hoàn thành việc nhận xét cho các em, vào sổ sách theo dõi buộc họ phải ghi chép mọi lúc mọi nơi. Ngay trong cả giờ dạy, thay vì chú trọng hoạt động giáo dục, tương tác cùng HS thì GV lại phải tranh thủ thời gian để thực hiện nhận xét.

Ở bậc tiểu học, GV bộ môn thường phụ trách nhiều lớp để đảm bảo định mức 23 tiết/tuần, họ có thể dạy cả ngàn HS. Theo đó, họ sẽ phải ghi danh sách HS (gồm họ tên/giới tính/dân tộc/tình trạng khuyết tật/địa chỉ liên lạc) của cả ngàn em, rồi vào sổ nhận xét các em theo từng tháng về nhiều mặt.

“Chưa kể GV bộ môn ở trường tiểu học hiện nay thường kiêm nhiệm các công việc khác như Tổng phụ trách, tư vấn học đường… với đủ sổ sách phải thực hiện. Để hoàn thành những công việc này, GV sẽ cắt giảm thời gian đầu tư cho chyên môn, cho dạy học là điều khó tránh”, cô Huỳnh Ngọc Trân, GV dạy Mỹ thuật bộc bạch.

Theo cô Trân, việc nhận xét hàng tháng vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục là không cần thiết vì sổ này chỉ GV giữ, có thể sử dụng dấu tích đánh giá mức độ của các em hoặc chỉ nên nhận xét theo kỳ, mỗi năm hai lần sẽ chất lượng hơn.

Ở sổ điểm cũ, chỉ với 2 trang giấy có thể theo dõi được toàn bộ học sinh trong lớp

Ở sổ điểm cũ, chỉ với 2 trang giấy có thể theo dõi được toàn bộ học sinh trong lớp
Còn sổ theo dõi chất lượng giáo dục theo đánh giá bằng nhận xét thì mỗi học sinh sẽ chiếm hai trang giấy. Chỉ riêng loại sổ này, nhiều GV bộ môn sẽ phải "phụ trách" hàng chục cuốn với hàng ngàn trang giấy.

Việc thay đổi cách đánh giá lần này chẳng khác nào giảm áp lực cho HS và trút gánh nặng sang GV nhưng lại đều nguy hại cho cả hai. HS giảm được áp lực điểm số nhưng quá trình học chỉ thông qua những lời nhận chung chung của GV, các em rất khó biết năng lực của mình.

Khi người thầy thiếu đầu tư cho dạy học, nhận xét HS một cách qua loa, không kỹ lưỡng để chỉ ra được những thế mạnh, điểm yếu của HS chính là nguy cơ có những thế hệ HS được đánh đồng, cào bằng ai cũng như ai.

Thầy Nguyễn Văn Minh băn khoăn không biết người đưa ra quy định có có đặt mình vào vị trí người GV không. Có biết rằng khi rời trường lớp, người thầy cũng có bao nỗi lo toan về gia đình, con cái, cuộc sống. Hay họ nghĩ rằng đã theo nghề giáo thì dạy xong cũng chỉ được phép tiếp tục vùi đầu cho công việc, cho sổ sách?

Đầu năm 2014, trước phản ánh của báo chí về sổ sách hành chính "đè nặng" GV, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các cơ sở chấn chỉnh ngay tình trạng này để GV không bị ảnh hưởng đến việc bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Nhưng với cách thực hiện Thông tư 30 nặng sổ sách như hiện nay thì chính Bộ đang "trùm" thêm lên đầu GV những gánh nặng hành chính chưa từng thấy. 

Điều gì mới mẻ cũng cần thời gian để làm quen, thích nghi - đó là lời động viên mà GV tiểu học nhận được trong giai đoạn đầu thực hiện đánh giá bằng nhận xét. Chắc chắn rồi đây - sau khi thông tư 30 đã thẳng tiến vào trường học một cách gấp gấp với thời gian chuẩn bị vô cùng eo hẹp - ắt hẳn GV rồi cũng sẽ quen.

Nhưng cảnh báo từ rất nhiều hiệu trưởng ở TPHCM thầy cô sẽ quen với việc xử lý công việc sổ sách ngập đầu, quen với tư duy làm việc hành chính và rồi quên mất rằng công việc chính của mình là dạy học.

Hoài Nam
 
 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm