Vụ giáo viên bị học sinh ném dép ở Tuyên Quang (kỳ 3)

Đằng sau người thầy là tấm bảng trắng

Mỹ Hà

(Dân trí) - Về sự việc giáo viên bị học trò ném dép, TS Trịnh Thu Tuyết cho rằng, đằng sau học trò là phụ huynh, đằng sau phụ huynh là xã hội, còn đằng sau người thầy là tấm bảng trắng, không có ai hết.

Nhiều người đặt câu hỏi nhà trường, đồng nghiệp ở đâu khiến cô giáo phải một mình đối mặt với bạo lực học đường tại Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang?

Khi giáo viên bị học sinh "gài bẫy"

Theo dõi vụ việc, thầy Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường Lô mô nô xốp (Hà Nội) phải thốt lên: "Ấy là sự cô đơn đến cùng cực của cô giáo". Giáo viên cần làm thế nào để bảo vệ mình?

Theo Hiệu trưởng Nguyễn Quang Tùng, xuyên suốt sự việc, cô giáo đã quá cô đơn trên bục giảng và ngay chính bên trong ngôi trường của mình. Rõ ràng các tình huống đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát, điện thoại có trong tay mà cô cũng không thể gọi cho ai trong Ban giám hiệu nhà trường, cho Chủ tịch Công đoàn trường để được hỗ trợ. Nếu được hỗ trợ, các tình huống đã không đi xa đến như vậy.

"Cho dù sự việc bắt đầu từ nguyên nhân nào, hành động của học sinh như vậy không thể chấp nhận. Nhìn vẻ mặt của cô mới thấy sự bất lực, chán nản đến tột cùng và sự cô đơn đến cùng cực", thầy Tùng nói.

Ngay sau khi clip được tung lên mạng, một nhà báo nói rằng, nhiều năm làm nghề, anh gặp rất nhiều hình ảnh giáo viên ở vùng sâu vùng xa, nhiều thầy cô cuốc bộ hàng ngày để đến được nơi cắm bản. Nhiều thầy cô cõng học trò vượt suối, băng sông mùa mưa mùa lũ. Có người mỗi lần gọi điện về chỉ mơ một dãy nhà bán trú cho bọn trẻ ở khỏi băng giá đại hàn…

Thế nhưng ở đâu đó vẫn còn những học sinh cấp hai sẵn sàng lăng mạ, chửi bới thầy cô như câu chuyện trên đây. Thử hỏi bây giờ mấy người còn giấc mơ đứng trên bục giảng? Chúng ta đã, đang và sẽ đẩy người thầy đi đâu với những sự việc như vậy?

Đằng sau người thầy là tấm bảng trắng - 1

PGS.TS Trần Thành Nam khẳng định cho dù sự việc bắt nguồn từ đâu, vì lý do gì, học sinh phải có thái độ lễ phép tối thiểu.

PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng chia sẻ, ông rất xót xa khi xem clip đồng nghiệp bị một nhóm học sinh ở Tuyên Quang dồn vào góc tường đe dọa, chửi bới trong khi cô chỉ biết đứng im phòng thủ.

"Cho dù sự việc bắt nguồn từ đâu, vì lý do gì, tôi cho rằng học sinh phải có thái độ lễ phép tối thiểu như lâu nay ta hay nói "tôn sư, trọng đạo". Việc học trò hành hung giáo viên không thể chấp nhận được.

Ở đây tôi thấy sự bất lực chịu đựng của cô giáo. Nếu cô đứng im thì bị học trò đánh, còn phản kháng thì bị quay lại và tung lên mạng, cho rằng cô giáo có hành vi bạo lực. Vậy trong trường hợp này, giáo viên cần làm thế nào để bảo vệ mình? Nhà trường, đồng nghiệp ở đâu để giáo viên cô đơn chống lại bạo lực như vậy?", PGS Nam đặt câu hỏi.

Cùng quan điểm trên, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, cùng với rất nhiều áp lực giáo viên đang gánh trên lưng hiện nay, nếu không sớm chấn chỉnh, sẽ còn nhiều thầy cô không muốn trụ lại với nghề.

Họ sẽ tìm nghề khác nhẹ nhàng và ít nguy hiểm hơn. Chuyên gia này cũng thừa nhận, giáo dục hiện đang quá "nóng" trong việc cấp bách đổi mới nhưng cùng với đó, cũng nên chú trọng hơn đến việc giáo dục nhân cách, đạo đức của học trò.

Mặc dù nhiều văn bản đã được ban hành, nhiều chương trình đã được phát động nhưng theo TS Nam, chúng ta hãy làm sao để các văn bản được đi vào cuộc sống như câu ông cha ta từng nói "tiên học lễ, hậu học văn".

Đằng sau người thầy là tấm bảng trắng - 2

Cô giáo ở Tuyên Quang bị học sinh THCS dồn vào góc tường đe dọa, chửi bới, ném dép vào người (Ảnh: Từ clip).

Đằng sau người thầy là tấm bảng trắng

Tại buổi tọa đàm của Dân trí liên quan đến sự việc, TS Trịnh Thu Tuyết (nguyên giáo viên ngữ văn, Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội) cho rằng, bản thân từng nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường (từ gia đình, nhà trường và xã hội) đã thể hiện giải pháp của nó. Phải có sự vào cuộc thống nhất và thường trực của tất cả nguyên nhân ấy.

Cụ thể, về phía gia đình, có lẽ bố mẹ luôn mong đứa con của mình lớn lên thành người tử tế. Bởi vì hơn ai hết, chính họ được thụ hưởng cái tác động của sự tử tế của con em mình. Cho nên, hôm nay con mình có những hành vi lệch chuẩn với thầy cô, ngày mai có thể hành vi ấy sẽ tác động vào chính mình.

"Tôi nghĩ trong nhiều gia đình, bố mẹ có ý thức dành thời gian tiếp xúc, trò chuyện, tâm sự với con để tìm hiểu tâm lý, vấn đề trong đời sống tinh thần của con. Cũng có những gia đình mà bố mẹ không được học hành nhiều hoặc quá bận rộn, không dành nhiều thời gian cho con. Nhưng chính nhân cách, sự tử tế của họ đã tác động đến những đứa trẻ. Nhiều gia đình có điều kiện kinh tế nhưng con hư và ngược lại. Có lẽ, bố mẹ cần có sự thay đổi tư duy", TS Trịnh Thu Tuyết nói.

Đằng sau người thầy là tấm bảng trắng - 3

TS Trịnh Thu Tuyết cho rằng hôm nay con mình có những hành vi lệch chuẩn với thầy cô, ngày mai có thể hành vi ấy sẽ tác động vào chính mình.

Cũng theo nhà giáo này, bố mẹ muốn con thành người tử tế, phải để con biết tôn trọng người dạy mình thành người tử tế. Thầy cô dạy học trò thành người tử tế, bản thân họ có thực sự như thế hay không, lời nói có đi đôi với việc làm hay không.

Về phía nhà trường, thầy cô phải tự lấy lại vị thế của mình - vị thế một phần nào bị mai một dần đi, từ nhân cách, trí tuệ và cả tấm lòng với trẻ. Tất cả lực lượng giáo dục nên đứng bên cạnh thầy cô, nên dành nhiều phương tiện giáo dục bình đẳng hơn. Bất kỳ có hiện tượng gì xảy ra liên quan bạo lực học đường, thì phần lớn lỗi rơi vào người thầy.

Nhiều khi tôi nghĩ, phải chăng ban giám hiệu, kể cả đơn vị giáo dục cấp cao, hay các đơn vị quản lý, cũng đứng về phía đứa trẻ mà xử lý người thầy mỗi khi xảy ra sự việc bạo lực học đường.

Một phần lý do là bởi đằng sau học trò là phụ huynh, đằng sau phụ huynh là xã hội, còn đằng sau người thầy là tấm bảng trắng, không có ai hết.

Thứ ba, để những đứa trẻ - những trang giấy trắng của chúng ta không bị viết lên những dòng chữ, những đường nét tiêu cực, để không có những sự việc bùng phát đáng buồn, đau đớn, thể hiện sự thất bại, thì từng người liên quan đến quá trình giáo dục và tự giáo dục của trẻ nên tự ý thức trách nhiệm của mình, không nên chờ đợi môi trường trong sạch mà hãy tự mình thực hiện.

Chúng ta không thể thay đổi nước của cả dòng sông. Mỗi người chỉ là một viên phèn nhỏ, hãy tự mình làm sạch vùng nước rất nhỏ xung quanh mình. Nếu ai cũng như thế, thì sẽ không cần phải có buổi tọa đàm như hôm nay.

Đằng sau người thầy là tấm bảng trắng - 4

Cô giáo chịu trận trước những lời lăng mạ của học sinh (Ảnh: Từ clip).

Đằng sau sự giận dữ của đứa trẻ là áp lực

Phân tích nguyên nhân tâm lý khiến học sinh ngày nay dễ mất kiểm soát cảm xúc và dễ sử dụng bạo lực thân thể, PGS.TS. Trần Thành Nam nói rằng, các em sinh ra ở giai đoạn mà kỳ vọng của xã hội, kỳ vọng của mọi người đặt lên các em cực kỳ lớn.

Các em phải học tập rất nhiều khi kiến thức nhân loại sản sinh ra là vô tận, quá sức tiêu thụ của mỗi người. Các em không biết học theo hướng nào để sau này phát triển sự nghiệp một cách bền vững.

Các em bây giờ đang sống ở thế giới gọi là PAID (thế hệ trả giá): pressure - áp lực, always on - kết nối 24/7, information overloaded - quá tải thông tin và distracted - phân tâm.

Các em bây giờ 2, 3 tuổi đã tiếp xúc với mạng xã hội như Youtube, 9 tuổi đã sử dụng thiết bị một cách độc lập. Việc kết nối thường xuyên với không gian mạng làm cho các em có chứng bệnh "sợ bỏ lỡ" một điều gì đó nên cứ liên tục lên mạng để cập nhật, điều đó khiến sức khỏe các em bị bào mòn…

Sống trong môi trường áp lực như vậy đòi hỏi các em phải có kỹ năng cân bằng cảm xúc nhưng phụ huynh lại không có.

Cũng theo chuyên gia tâm lý này, một trong những cách giải tỏa truyền thống nhất là "giận cá chém thớt", các em mang những ấm ức trút lên người khác.

Cách thứ 2 là tham gia vào một số trò mạo hiểm, khám phá giới hạn của bản thân như thử hút thuốc lá điện tử, yêu đương, tham gia vào các trò nghịch dại thậm chí đua xe,...

Đằng sau sự giận dữ của đứa trẻ là áp lực, đằng sau cái áp lực là việc bố mẹ thiếu kỹ năng dạy trẻ, dành quá ít thời gian bên con để cùng con giải quyết vấn đề. Đằng sau tất cả là những người bố người mẹ thiếu kỹ năng, chưa làm tròn trách nhiệm của mình, chưa tạo ra môi trường sống đủ tốt, đủ an toàn cho trẻ dẫn tới trẻ có những hành vi sai trái.

Cảnh cô giáo ở Tuyên Quang bị học trò ném dép, lăng mạ (Tổng hợp video: Minh Quang).

"Không chấp nhận trẻ bắt nạt cả người dạy dỗ mình"

Trả lời phóng viên Dân trí, TS Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho rằng, việc trẻ bắt nạt nhau, bắt nạt những người cùng trang lứa không phải bây giờ mới có. Thế nhưng trẻ bắt nạt người đang dạy dỗ chính mình, quả thật lần đầu tiên ông thấy và không thể chấp nhận được. 

TS Ân cho rằng, một đứa trẻ trong cuộc đời, đôi khi có những lần chưa ngoan hoặc có hành động lệch chuẩn nhưng đừng vì thế mà cho rằng đó là đứa trẻ hư hoặc đánh giá cả một thế hệ hỏng hết.

Cũng theo người đứng đầu Công đoàn ngành Giáo dục, trong cuộc đời của mỗi người, ai cũng có những lần sai sót, nhất là tuổi thơ. Điều đó thể hiện sự năng động, nghịch ngợm của những đứa trẻ bình thường.

Nhưng chúng bắt nạt cả người đang giảng dạy mình, khiến những người có trách nhiệm với ngành giáo dục đều rất đau lòng và phải suy nghĩ.

"Sự việc ở Tuyên Quang, nếu chỉ va chạm cô trò thuần túy là chuyện bình thường nhưng nếu phát hiện có bên thứ 3 tác động để diễn ra hành vi ứng xử đó của học trò, chúng tôi kiên quyết xử lý thích đáng các đối tượng đó.

Vấn đề đặt ra ở đây là an toàn cho trường học, ở đó giáo viên, học sinh không những được bảo vệ an toàn một cách thuần túy mà mỗi người phải có trách nhiệm tạo ra sự an toàn cho mình và cho mọi người trong nhà trường".

Chuyên gia này cho rằng, ngày xưa học trò có trêu thầy cô nhưng chúng dấm dúi, giấu diếm và sợ hãi. Ngày nay, nhờ sự hỗ trợ của nhiều phương tiện, trẻ xem việc này như thành tích cần thể hiện công khai.

Một khi không hạn chế được mạng xã hội, chúng ta nên dạy trẻ đây là việc xấu, không cổ xúy, không được học theo. "Ngày xưa chúng tôi đi bộ với nhau trên đường hàng tiếng đồng hồ, chúng tôi chia sẻ cho nhau những điều tốt đẹp.

Ngày nay, môi trường kết nối của các em không có. Trẻ thiếu sân chơi thiếu những cơ hội để trẻ học những cái tốt của nhau. Bố mẹ đưa con đi học sớm, đến trường tập trung học và hết giờ bố mẹ vội vã đón về.

Những sinh hoạt tập thể trên trường không đủ để trẻ thể hiện những điều tốt đẹp nên chúng tranh thủ thể hiện nhiều điều không còn đẹp", TS Ân nói.

Đằng sau người thầy là tấm bảng trắng - 5

TS Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, khẳng định việc học sinh bắt nạt cả người đang giảng dạy mình, khiến những người có trách nhiệm với ngành giáo dục đều rất đau lòng và phải suy nghĩ.

Trở lại vụ việc ở Tuyên Quang, trả lời câu hỏi của phóng viên: Khi sự việc xảy ra, hiệu trưởng nhà trường cho rằng, cô còn thiếu kỹ năng xử lý tình huống. Trong khi đó, giáo viên cho rằng nếu đứng im, nhà trường bảo thiếu kỹ năng còn chống lại, phụ huynh sẽ nổi giận. Trong tình cảnh này, dường như giáo viên không biết làm gì để ngăn ngừa và ứng phó với các tình huống có nguy cơ xảy ra bạo lực học đường?

Ông Ân cho rằng, không phải ai muốn cũng có thể đi dạy học, khi làm nghề ấy trọn vẹn, có thể gọi họ là "nhà giáo". Đã là nhà giáo, ắt có quy chuẩn. Chưa kể đây là nghề đặc biệt nên nhà giáo cần kỹ năng đặc biệt. Trong giai đoạn xã hội đang biến đổi, giáo viên cũng phải thay đổi để ứng phó theo những biến đổi của cả ngành giáo dục.

Để ứng phó với điều đó, không phải giáo viên nào cũng làm được. Có người ở tầng bậc cao, có người bậc thấp, họ chới với, hoang mang thậm chí bế tắc, điều đó là có.

Do đó, nâng cao năng lực ứng xử sư phạm cho giáo viên là cần thiết. Giáo viên phải có tay nghề tốt mới ứng phó được với các tình huống như thế. Một số giáo viên không chịu được, phải trả lớp cho nhà trường. Câu hỏi đặt ra, năng lực giáo viên ở đâu?

Ngoài ra, nghề dạy học là nghề làm gương, văn hóa Việt Nam là văn hóa nêu gương. Nếu không làm gương được, rất khó trong việc truyền tải thông điệp đạo đức cho học trò.

Theo TS Ân: "Có thể một vài giáo viên vô tình không làm gương được, tay nghề lại chưa cao và bế tắc về ứng xử trước học trò nên thất bại. Một khi thất bại, họ bị dư luận chọn những góc khuất nhỏ để thổi phồng lên. Điều đó, khiến những giáo viên chân chính như chúng tôi bị tổn thương và xúc phạm ngành giáo dục rất nhiều.

Tại sao tôi và đồng nghiệp ứng xử được nhưng một vài thầy cô không ứng xử được và bị đưa lên mạng? Tất cả những giáo viên chân chính đang bị tổn thương, đang đau đớn vì không ứng xử được những tình huống khó.

Tôi nghĩ không ai bồi dưỡng hết cho tất cả mọi giáo viên, vấn đề đặt ra lớn hơn là đội ngũ nhà giáo phải tự học hỏi và nâng cao bản thân".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm