Đăng ký nguyện vọng đại học 2024: Những điều cần lưu ý để không hối hận
(Dân trí) - Các chuyên gia khuyên rằng thí sinh không nên đăng ký nguyện vọng khi chưa hiểu rõ về ngành học, môi trường đại học sẽ học tập trong thời gian tới.
Tìm hiểu kỹ thông tin, xem học phí
Sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024, thí sinh có gần 2 tuần để đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Thời gian bắt đầu từ ngày 18/7 kéo dài đến 17h ngày 30/7.
Gửi lời khuyên tới thí sinh, ThS Trần Nam, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM nhấn mạnh tới việc tìm hiểu thông tin trước khi chọn ngành.
Theo ông, đây là vấn đề hệ trọng, thí sinh không nên chọn ngành học khi chưa hiểu tường tận.
"Lời khuyên của tôi là bạn phải thực sự yêu thích ngành và nghề nghiệp tương lai, có năng lực học tập phù hợp. Bạn phải hiểu về ngành học", ông Nam bày tỏ.
Theo ông, từ lâu, các chương trình đào tạo của ngành đều được công bố trên website các khoa, trường để thí sinh tìm hiểu về chương trình, lộ trình đào tạo, các thông tin khác cần thiết khi lựa chọn.
Ngoài chương trình học, các em cần quan tâm thêm các thông tin liên quan như: Hoạt động sinh viên, nghiên cứu khoa học, giao lưu quốc tế, học bổng… để hiểu nhiều hơn về khoa, ngành mà mình sẽ chọn học.
Một vấn đề nữa không nên bỏ qua đó là học phí, chi phí sinh hoạt. Tại Đại học Quốc gia TPHCM, sinh viên sẽ được tạo điều kiện tối đa để nội trú tại ký túc xá. ThS Trần Nam cho rằng nắm chắc những điều này sẽ giúp học sinh có lựa chọn sáng suốt.
Đồng quan điểm, ThS Ngô Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Truyền thông, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (HIU) nhấn mạnh tới việc xác định rõ ngành nghề yêu thích.
Giới thiệu về Ngày hội trải nghiệm "Be a Hiuer" đang diễn ra tại HIU, ông Dũng cho biết đây là sự kiện do nhà trường tổ chức để hướng dẫn thí sinh đăng ký nguyện vọng.
Đồng thời, giúp các thí sinh một lần nữa xác định rõ ngành nghề phù hợp và yêu thích nhất, từ đó có được quyết định chính xác cho nguyện vọng ưu tiên của mình.
Ông khuyến khích học sinh trực tiếp tham gia các sự kiện do trường đại học tổ chức để hiểu hơn về môi trường mình sẽ gắn bó 4-5 năm tới. Ngoài ra, học sinh còn được trải nghiệm thực tế, gặp đội ngũ giảng viên chia sẻ hàng loạt thắc mắc xung quanh ngành học, nghề nghiệp tương lai và nhận nhiều phần quà, học bổng hấp dẫn.
Cân đối về điểm chuẩn những năm trước
Sau khi xác định được ngành nghề yêu thích, thí sinh bắt đầu chọn trường đại học mong muốn dựa trên mức điểm số mình có và điểm chuẩn của trường những năm trước.
TS Trần Khắc Thạc, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Thủy lợi, cho rằng theo thống kê, phổ điểm thi tốt nghiệp THPT ở mức khá cao, tuy nhiên, mặt bằng chung điểm chuẩn của các trường đại học nếu tăng cũng chỉ 1-1,5 điểm tùy từng ngành.
Lý do là chỉ tiêu của các trường cao trong khi số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển đại học ở mức vừa phải. Theo xu hướng dịch chuyển học tập hiện nay, nhiều em chọn đi du học hoặc đi làm ngành nghề khác.
Riêng với Trường Đại học Thủy lợi, dự đoán điểm chuẩn chỉ dao động tương đương năm 2023.
"Theo nguyên tắc xét tuyển nguyện vọng, các em yêu thích ngành học nào thì nên để ở nguyện vọng đầu tiên", ông Thạc cho hay.
ThS Trần Nam cũng nhận định khi chưa có kết quả lọc ảo, sẽ không ai có thể đưa ra được điểm chuẩn chính xác của năm 2024. Do đó, mọi ý kiến sẽ có tính chất tham khảo, thí sinh cân nhắc để đặt nguyện vọng.
Thí sinh lưu ý, số lượng thí sinh chọn nguyện vọng vào ngành càng nhiều thì điểm chuẩn sẽ càng cao và phổ điểm thi tốt nghiệp THPT càng cao thì điểm chuẩn cũng sẽ tăng theo. Do đó, thí sinh có thể tham khảo điểm chuẩn của trường trong 3 năm gần nhất.
"Các em nên chọn nhiều nguyện vọng để giảm thiểu rủi ro khi xét tuyển", ThS Trần Nam khuyên.
Đăng ký để chắc suất trúng tuyển
ThS Ngô Trí Dũng hướng dẫn theo quy định của Bộ GD&ĐT, từ ngày 18/7 đến hết 17h ngày 30/7, thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần.
Mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng đã đăng ký, vì vậy các thí sinh nên chọn lựa kỹ càng để đăng ký nguyện vọng 1.
"Khi sắp xếp nguyện vọng, các em cần xác định mong muốn được học ngành và trường nào nhất thì xếp ưu tiên là nguyện vọng 1, làm theo thứ tự như vậy cho đến hết các nguyện vọng.
Đối với các thí sinh trúng tuyển sớm vào trường, chỉ cần đặt nguyện vọng đã trúng tuyển có điều kiện vào trường ở vị trí nguyện vọng 1 thì việc trúng tuyển đại học chắc chắn trong tầm tay" ThS Ngô Trí Dũng nói thêm.
Khi đăng ký nguyện vọng, thí sinh kiểm tra thông tin và điều chỉnh nếu có sai sót. Thí sinh cần xem danh sách nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển. Nếu thí sinh có nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển hệ thống sẽ hiển thị mặc định trên màn hình để thí sinh chọn nguyện vọng.
Trường hợp thí sinh không có nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển hệ thống sẽ hiển thị màn hình thêm nguyện vọng bằng cách nhập thông tin thứ tự nguyện vọng - mã trường - mã ngành và xác nhận đăng ký.
Từ ngày 28/7 đến 3/8, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng bằng hình thức trực tuyến theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Chậm nhất 17h ngày 19/8, các trường đại học, cao đẳng sẽ công bố điểm chuẩn và kết quả xét tuyển đợt 1. Các thí sinh nếu như trúng tuyển phải xác nhận nhập học trên hệ thống trước ngày 28/8.