Đà Nẵng: “Chạy” nhập hộ khẩu đúng tuyến để “chạy” trường?
(Dân trí) - Ở các điểm trường tiểu học “nóng” tuyển sinh đầu cấp trên địa bàn quận Hải Châu (Đà Nẵng), có hàng trăm trường hợp học sinh không ở thực tế tại địa phương, nhưng lại có tên trong hộ khẩu trên địa bàn tuyển sinh của những trường này.
Phải chăng để con em được vào học những trường như mong muốn, phụ huynh đã tìm cách để con em được nhập hộ khẩu đúng tuyến vào trường theo quy định?
"Điệp khúc" quá tải, vỡ bán trú
Theo điều tra phổ cập trên địa bàn tuyển sinh của trường Tiểu học Phù Đổng quận Hải Châu (Đà Nẵng), năm nay có 382 học sinh (HS) trong độ tuổi vào lớp 1 có hộ khẩu thường trú tại địa bàn tuyển sinh của trường. Thế nhưng khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký vào trường, thì có đến 444 hồ sơ (tăng 62 hồ sơ so với điều tra phổ cập), cộng với khoảng 40 HS lớp Tăng cường Tiếng Pháp thì năm học 2013 - 2014, trường có đến 12 lớp 1. Như vậy, tính toàn trường có khoảng 70 lớp, mà chỉ có 42 phòng học nên không thể tổ chức học 2 buổi/ngày cho tất cả HS.
Tương tự, theo điều tra phổ cập của Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ, thì năm học mới sắp tới, chỉ có 87 HS trong độ tuổi vào lớp 1 có hộ khẩu thường trú tại địa bàn tuyển sinh của trường. Thế nhưng, đến nay đã có ít nhất hơn 140 HS có hộ khẩu đúng tuyến tuyển sinh của trường nộp hồ sợ đăng ký nhập học (tăng 50 - 60 trường hợp so với điều tra phổ cập).
Hai trường này luôn trong tình trạng quá tải HS nên không thể tổ chức học bán trú cho tất cả HS từ những năm học trước.
"Chạy" hộ khẩu
Theo báo cáo của UBND Phường Hải Châu 1 (Q. Hải Châu), trong năm học tới, có 431 HS trong độ tuổi vào lớp 1 có hộ khẩu trên địa bàn phường. Thế nhưng, đáng nói, trong 431 HS nêu trên, có 151 em có hộ khẩu và ở thực tế với ba mẹ tại địa phương, 86 trường hợp ở với ông bà nội, ngoại; còn lại đến 194 em không ở thực tế tại địa phương, không có quan hệ huyết thống với chủ hộ, nhưng lại có hộ khẩu tại địa phương.
Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi cũng ghi nhận nhiều trường hợp trẻ không ở thực tế tại địa chỉ đã nhập khẩu, thậm chí có trường hợp chủ hộ nói trẻ có ở trong nhà, nhưng chủ hộ lại không nhớ rõ bố mẹ cháu tên gì. Như trường hợp A.T. đã nhập khẩu vào hộ ông H.D. ở phường Hải Châu 1 từ tháng 6/2010, ghi quan hệ với chủ hộ là cháu. Ông D. cũng nói có bà con với mẹ cháu và mẹ con cháu có sống ở đây, nhưng khi cũng tôi hỏi bố mẹ cháu tên gì thì ông nói không nhớ rõ. Hay trường hợp hợp cháu P.D.B.T. nhập khẩu hộ bà Tr.T.T. cũng từ 2010, nhưng khi đến địa chỉ nhà bà T. thì cả bà T. chủ hộ và cháu đều không có ở đó. Căn nhà đã được bà T. cho người khác thuê lại để kinh doanh…
Khi chúng tôi hỏi về những trường hợp HS có hộ khẩu nhưng không ở tại địa phương sao lại được nhập học, ông Đoàn Ngọc Sơn - Chủ tịch phường Hải Châu 1 trả lời: Ban đầu theo quy định của thành phố là không nhận đối tượng HS có hộ khẩu nhưng không ở thực tế. Nhưng phụ huynh họ đem hộ khẩu tới đòi kiện vì sao con em họ có tên trong hộ khẩu lại không được học trường đúng tuyến. Không thì con họ học ở đâu?
Ông Chủ tịch P. Hải Châu 1 cũng thừa nhận thực tế: Nói cho đúng thì số cháu trong độ tuổi vào lớp Một có ở thực tế tại địa bàn chỉ khoảng 100 em thôi. Có trường hợp cháu vẫn ở với bố mẹ đâu đó, nhưng từ 1-2 tuổi đã nhập khẩu vào hộ trên địa bàn phường. Nhưng quản lý việc trẻ có hộ khẩu nhưng có cư trú tại địa chỉ đăng ký cư trú hay không thì rất khó quản lý. Còn việc xác nhận HS có ở thực tế tại địa chỉ đăng ký cư trú hay không là do Tổ dân phố xác nhận, Phường chỉ xác nhận chữ ký của ông Tổ trưởng Tổ dân phố là đúng thôi.
Ông Sơn đề xuất: Để tránh tình trạng HS không ở thực tế tại địa phương nhưng có tên trong hộ khẩu trên địa bàn thì cần chấn chỉnh công tác nhập khẩu; phải rà soát những trường hợp có hộ khẩu nhưng không ở thực tế tại địa phương, chuyển khẩu về đúng nơi cư trú thực tế.
Khánh Hiền