“Cười ra nước mắt” với những bài thi của sinh viên

(Dân trí) - Khi chấm bài thi môn “Đất nước học” của sinh viên khoa Ngữ văn - một ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn hẳn hoi, nhưng tôi cũng không khỏi giật mình trước các câu trả lời “chết người” của sinh viên.

Có thể nói rằng, trong xu hướng ngày nay, đa phần học sinh, sinh viên thường chú trọng tới các ngành khoa học tự nhiên, kinh tế mà ít quan tâm tới lĩnh vực xã hội nhân văn. Vì thế, kiến thức của các em về các lĩnh vực: văn hóa, địa lí, lịch sử,… của dân tộc càng ngày càng nghèo nàn, thậm chí lệch lạc một cách nghiêm trọng, đến mức đáng báo động đỏ.
 
Các câu hỏi trong bài kiểm tra tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: lịch sử, địa lí, văn hóa,… nhằm kiểm tra kiến thức xã hội của các em. Nhưng kết quả thu được khiến tôi cũng như nhiều đồng nghiệp khác phải đau lòng.

 

Những kiến thức cơ bản, phổ thông nhất mà bất kì một người Việt Nam nào cũng có thể dễ dàng trả lời như: Tên bài hát chính thức được chọn làm Quốc ca của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là gì? Do ai sáng tác? Thì có nhiều sinh viên lại không biết (bỏ trống câu trả lời), có sinh viên lại nguệch ngoạc viết là bài “Tiếng quân ca”, tai hại hơn, có người lại trả lời rằng đó là bài “Tiếng quân ca” của nhạc sĩ Nam Cao, và thật khủng khiếp có em lại trả lời rằng đó lài bài “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”!
 
Về lĩnh vực địa lí cũng tương tự. Chẳng hạn với câu hỏi: Cố đô Hoa Lư thuộc tỉnh nào? Thì đa phần trả lời là tỉnh Thanh Hóa (có tới 13/23 SV trả lời vậy), còn Thành Nhà Hồ thì có nhiều sinh viên lại mạnh dạn đưa nó lên miền Bắc - tỉnh Ninh Bình. Đối với các câu hỏi về lĩnh vực lịch sử, thì lại càng lộn xộn hơn, mỗi người một cách trả lời, chẳng ai giống ai!

 

Về kiến thức văn học, càng tệ hại hơn khi có em viết: Bình Ngô đại cáo của Lí Thường Kiệt, còn có em khác lại viết bài Thơ thần của Nguyễn Trãi.

 

Trong ngôn ngữ, mặc dù đã được học nhiều về đặc điểm và loại hình ngôn ngữ tiếng Việt từ thời Phổ thông, nhưng không ít em vẫn viết chữ Quốc ngữ bắt nguồn từ chữ Nôm! Và, nhiều, nhiều những câu trả lời “cười ra nước mắt” khác. Chẳng hạn như, không ít em viết quê hương của Quan họ là vùng văn hóa Trung Bộ, thậm chí có em đưa nó vào tới Nam Bộ!

 

Qua thống kê, hầu hết các sinh viên không nhiều thì ít đều mắc các lỗi như trên. Đa số sinh viên đều có những sai lầm nghiêm trọng về kiến thức. Qua đó, có thể thấy rằng: kiến thức về lĩnh vực địa lí, lịch sử, văn hóa dân tộc của sinh viên ngày nay đang ở mức báo động đỏ. Một bộ phận sinh viên đang dần lãng quên các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Cho dù các em có giỏi về chuyên môn đến đâu đi chăng nữa, nhưng những cái đã và đang hàng ngày nuôi dưỡng tâm hồn Việt Nam của các em, chẳng lẽ các em cũng không biết tới, hay đã bỏ quên trong hành trang vào đời (?!) thì các em có thể “lớn - khôn” được không?

 

Và điều này còn trầm trọng hơn đối với những sinh viên thuộc các hệ liên thông, từ xa, tại chức mà tôi đã từng giảng dạy. Thiết nghĩ, trong xu hướng thương mại hóa giáo dục ngày nay, các trường thường chú trọng tới số lượng đào tạo, tới doanh thu, nên tuyển sinh vào một cách ồ ạt. Nhưng khi tuyển sinh vào rồi lại bỏ qua phần quan trọng nhất là chất lượng đào tạo.
 
Bởi, trên thực tế, tỉ lệ tốt nghiệp hàng năm của các trường cũng đâu có nhỏ. Và rồi, “cứ đến hẹn lại lên” - hết thời hạn đào tạo các em cũng tốt nghiệp đại học cả thôi! Thiết nghĩ, khi những sinh viên có kiến thức non yếu, thậm chí lệch lạc như vậy được đưa ra xã hội, được thả vào đời thì hậu quả sẽ như thế nào? Có ai đã từng nghĩ tới chưa, hay không muốn nghĩ? Hàng hóa có thể có thứ phẩm, nhưng con người thì không được phép tạo ra những thứ phẩm như vậy!

 

Với thực trạng như vậy, trong thời gian sắp tới, mà ngay tới đây các trường Đại học, Cao đẳng chuẩn bị tuyển sinh khóa mới, xin đừng vì số lượng tuyển sinh, doanh thu mà bất chấp tới chất lượng đầu vào cũng như chất lượng đào tạo.
 
Hãy tuyển và đào tạo những người thực tài, thực đức, tránh sự lãng phí cho gia đình và xã hội. Còn đối với các bạn học sinh mới rời ghế nhà trường phổ thông, không nhất thiết xem đại học là con đường duy nhất để lập thân, lập nghiệp.
 
Có như vậy mới gớp phần đào tạo nguồn nhân lực thật sự có chất lượng cho xã hội, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước; đồng thời, qua đó, góp phần xây dựng thương hiệu cho chính trường mình cũng như cho nền giáo dục Việt Nam. Đưa giáo dục Việt Nam tiến ra cùng thế giới, để giáo dục Đại học Việt Nam thoát khỏi “vùng lõm”. Đó cũng là mong muốn của mọi người dân Việt Nam.

 

Thanh Sơn

Số 87A, đường Kho Dầu, khóm 4, phường 5, thị xã Trà Vinh, Trà Vinh

 

LTS Dân trí - Đã từ lâu, các phương tiện thông tin đại chúng đưa ra những lời cảnh báo nghiêm túc về sự sa sút rất đáng quan tâm trong việc dạy và học các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Nhưng tình trạng đó hầu như chưa được khắc phục mà ngày càng trầm trọng hơn. Vì vậy đã xảy ra tình trạng “cười ra nước mắt” trước những câu trả lời hết sức ngớ ngẩn của sinh viên như bài viết trên đây đã phản ảnh.

 

Nếu  không có những kiến thức tối thiểu cần thiết về văn hóa dân tộc, về lịch sử và địa lý của đất nước thì làm sao những sinh viên đó có đủ tư cách để bước vào đời với tấm bằng đại học và càng không xứng đáng đứng trong hàng ngũ trí thức trong tương lai.