Cuộc trò chuyện đặc biệt với Đỗ Nhật Nam

(Dân trí) - Được bằng khen của Tổng thống Mỹ Brack Obama dành cho những học sinh xuất sắc, một trong những học sinh hiếm hoi trong lịch sử của trường được đặc cách học vượt cấp môn Toán, Tổng giám đốc tờ báo dành cho tuổi teen Đông Nam Á. Còn điều gì chưa biết về Đỗ Nhật Nam?



Được mệnh danh là “thần đồng” không chỉ nhờ khả năng tiếng Anh, Đỗ Nhật Nam còn khiến nhiều người nể phục bởi bảng thành tích học tập đáng nể. Hiện tại Nam đang là du học sinh tại trường Saint Paul, bang Texas (Mỹ) và giữ chức Tổng giám đốc tờ báo Creative Melange - tờ báo tuổi teen của Đông Nam Á.

Môn học nào ở Mỹ cũng phải thực hành

Năm học vừa qua, thành tích của em ở Mỹ thế nào?

Em đã đạt được một số giải thưởng như: Giải nhất cuộc thi hùng biện của liên hiệp các trường phổ thông trong toàn thành phố Dallas, em cũng được chọn là đại diện của Châu Á phát biểu tại hội nghị Khoa học giáo dục TEDxKids với chủ đề khoa học về nụ cười. Em cũng đã nhận được nhiều thành tích khác cụ thể như lá thư dành cho những học sinh xuất sắc và những người thi vào khóa tài năng của trường. Em cũng đạt giải xuất sắc về số học và hình học nữa ạ.

Ngoài việc học em cũng tham gia vào các hoạt động ngoại khóa của trường. Hiện tại em đang giữ chức ủy viên BCH trường, trong đó em tham gia việc lên ý tưởng và tổ chức sự kiện.Vì em cũng vừa sang Mỹ một thời gian ngắn nên cũng chưa làm được gì nhiều.

 Được biết Nam còn được giải thưởng và bằng khen của Tổng thống Mỹ Brack Obama nữa, em chia sẻ gì về giải thưởng này?

Dạ, đấy là giải thưởng của Tổng thống Brack Obama dành cho những học sinh xuất sắc có điểm số toàn là A, có hoạt động lãnh đạo trong trường.

Em thấy môi trường học tập ở Mỹ khác gì so với Việt Nam?

Thực sự em vừa sang Mỹ được một năm nên cũng chưa có đủ thẩm định để nhận xét việc đó, nhưng có một điều em nhận thấy là môi trường học tập ở Mỹ thì cởi mở hơn và nó giúp cho học sinh có thể dám mạnh dạn nói chuyện với thầy cô một cách tự tin hơn.

Việc học ở Mỹ khác so với Việt Nam nhưng thời khóa biểu, đặc biệt là trường em thì khá giống Việt Nam. Nhà trường cũng bố trí 45 phút một tiết, và cũng học cả buổi sáng và buổi chiều. Nhưng ở Mỹ các môn học đều được thực hành rất nhiều. Các môn học bao giờ cũng có thời gian dành cho thực hành và thí nghiệm. Đặc biệt là luôn dành 20 phút cuối giờ để làm bài tập và những việc mình thích liên quan đến môn học đó. 

Ví dụ trong môn khoa học, cuối giờ học sinh chúng em được thoải mái làm thí nghiệm về bài giảng, hay là vào môn tiếng Anh thì cuối giờ được ngồi viết bất cứ cái gì mà mình thích. Nếu mà tâm đắc thì sẽ gửi cho cô để đọc. Học sinh cũng được tạo điều kiện để học vượt cấp nữa ạ.

Em
thích nhất điều gì ở giáo dục Mỹ?

Em thích nhất điều gì ở giáo dục Mỹ?

Chính là sự cởi mở. Các thầy cô giáo đều rất thân thiện và quan tâm đến em. Có một lần, em tặng cháu của cô giáo một cuốn sách và cô ấy đã viết cho em một tấm thiệp rất dài để cảm ơn. Cô còn động viên em: Sau này em sẽ phát triển được tiềm năng của mình nữa. Điều này khiến em rất cảm động.

 Cách dạy Toán và Văn ở Mỹ có khác nhiều so với Việt Nam không? Em có mất nhiều thời gian để làm quen với phương pháp học tập này?

Môn Văn ở nước ngoài khác hoàn toàn ở Việt Nam, người ta cho đọc cả một tác phẩm văn học chứ không đọc trích đoạn như bên mình ạ. Chẳng hạn bọn em đọc hết cả tác phẩm: “Giết con chim nhại” và sau đó mỗi chương lại có một bài kiểm tra. Sau đó đến cuối năm học lại có một bài kiểm tra lớn của cuốn sách. Bài kiểm tra đó cũng có phân tích tác phẩm, nhưng rất ít khi phải viết nhiều như ở Việt Nam. Đặc biệt cũng không có kiểm tra giữa giờ, 1 tiết đâu ạ. Thậm chí, đề văn cuối năm cũng mở ạ, ví dụ như ở lớp em đề bài ra là: Em hãy kể lại một tác phẩm văn học mà em đã học, đã đọc. Và gần như ai cũng được điểm tuyệt đối bài đó hết.

Toán ở Mỹ không phân tích hình học, đại số mà chú trọng vào thực hành nhiều hơn. Chẳng hạn khi bọn em học định lý Pitago thì sẽ học bằng bài tập thực tế, như là làm cách nào vượt qua cây cầu một cách nhanh nhất mà sử dụng định lý Pitago. Bọn em cũng không phải học thuộc quá nhiều công thức toán như ở Việt Nam mà thường có nhiều cách để áp dụng các công thức đó vào thực hành ạ.

 Em thích học nhất môn nào?

Em thích nhất là hai môn Toán và Văn. Tuy hai môn này trái ngược nhau nhưng em đều yêu thích cả, bởi hai môn này các cô giáo dạy rất hay. Khi em sang Mỹ em cảm thấy mình được vận dụng hết khả năng vào hai môn này nữa. Môn Toán em còn được cô giáo tạo điều kiện cho học vượt lớp nữa ạ. Vì vậy em là một trong số những người hiếm hoi trong lịch sử của trường được cả giải thưởng số học và hình học. Bởi vì bình thường các bạn chỉ học được một nửa quyển đại số trong một năm. Nhưng mà em đã học cao hơn quyển đó, em đã học xong hình học và được 100 điểm rồi ạ. Năm vừa rồi em học lớp 8 nhưng đã học xong toán của lớp 9 rồi. Hè năm nay em học toán nâng cao lớp 10 và sang năm em học lớp 11 luôn ạ.

 Được biết Nam còn giữ chức Tổng biên tập báo dành cho tuổi teen ở Đông Nam Á, công việc cụ thể của Nam như thế nào?

Chức danh của em là Tổng Giám đốc chứ không phải Tổng biên tập đâu ạ. Công việc của em là người lên ý tưởng, phụ trách việc in ấn, rồi cả việc duyệt bài trong đó nữa. Cuối cùng là edit các bài báo trong đó để làm thế nào cho chuẩn nhất. Em cũng là người giám sát tất cả các công đoạn nữa.

Tờ báo đó chưa ra số đầu tiên nhưng bọn em đang cố gắng để cho ra mắt sớm nhất vì đã có bản mềm sẵn sàng rồi ạ.

 Nhiều việc như vậy em sắp xếp thời gian ra sao?

Em cũng cố gắng sắp xếp thời gian, vào buổi tối khi đi học về em sẽ làm những công việc mà mình yêu thích. Tức là mỗi hôm em chia sẻ dành thời gian cho một công việc. Ví dụ, mỗi hôm em dành khoảng 1 tiếng làm bài tập về nhà, còn lại thời gian khác em đọc sách, làm thơ, học chụp ảnh…. Nhưng em thường cố gắng làm bài tập về nhà xong trên lớp luôn ạ.

Lớp học tiếng Anh miễn phí của Nhật Nam
Lớp học tiếng Anh miễn phí của Nhật Nam

Em thường tập cười trước khi nói chuyện với bố mẹ!

Nam có rất nhiều bài thơ hay,  em làm thơ có mất nhiều thời gian không, và có bí quyết gì để cảm xúc có thể tự nhiên và chân thực đến vậy?

Bí quyết làm thơ của em là tình cảm của bản thân thôi ạ, nghĩa là em muốn chia sẻ tình cảm cho bố mẹ, ông bà của mình. Ban đầu em viết thơ chỉ để nguôi ngoai nỗi nhớ và giữ cho bản thân mình nhưng sau đó em mới có ý tưởng đăng lên facebook cho bố mẹ cùng đọc ạ.

Xa gia đình từ nhỏ, làm thế nào để em vượt qua được nỗi nhớ gia đình?

Em vẫn là một cậu bé hay quấn quýt gia đình, vì vậy khi sang Mỹ thì việc mà tự lập hoàn toàn rất là khó. Nhưng sau này, em thường dành nhiều thời gian như làm thơ, thuyết trình.. điều này cũng giúp em nguôi ngoai nỗi nhớ rất nhiều.

Ngày trước mỗi lần em “sky” với bố mẹ, em đều phải vào nhà tắm để tập cười trước đấy ạ, em thường luyện cho mình cười sao tự nhiên nhất để cho bố mẹ không thấy là em đang nhớ mọi người rất nhiều. Thường thì lúc nói chuyện với bố mẹ, em rất muốn khóc, rất nhớ bố mẹ nhưng không muốn làm bố mẹ lo lắng.

Em thường giữ trong cặp sách lá thư mà mẹ viết động viên em. Đấy cũng là cách em chống chọi với nỗi nhớ nhà ạ.

Ước mơ sau này của Nam là gì? Em có dự định trở về Việt Nam làm việc không?

Bây giờ ước mơ của em là trở thành một nhà Vật lý điện tử, để có thể tìm hiểu về vũ trụ và các học thuyết khoa học nữa ạ. Mục tiêu và dự định của em là càng ngày sẽ càng học hỏi được nhiều hơn. Và em có thể về Việt Nam để tiếp tục dạy các lớp học miễn phí cho các em nhỏ. Em sẽ cố gắng duy trì đều đặn lớp học tiếng Anh miễn phí hiện tại.

Còn địa điểm làm việc sau này em cũng chưa chắc chắn, điều đó còn tùy thuộc vào đam mê của em nữa. Em sẽ xem công việc nào ở đâu phù hợp với em và giúp em học hỏi được nhiều hơn thì em sẽ làm thôi ạ. 

 Hà Trang - Minh Tiến