Cụ bà bán vé số nuôi trọ sĩ tử miễn phí

(Dân trí) - Mỗi ngày tuy chỉ kiếm được vài ba chục ngàn từ tiền bán vé số, thế nhưng bà đều chuẩn bị cơm nước đàng hoàng cho các thí sinh đến trọ miễn phí trong nhà. Bà sợ các em bị ngộ độc không đảm bảo sức khỏe nếu phải ăn "cơm bụi".

Nhiều năm nay, người dân quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) đã quen thuộc với hình ảnh một bà cụ bán vé số, hằng năm cứ vào mùa thi bà lại đến các bàn tư vấn đón thí sinh dự thi về nhà cho ăn ở miễn phí.

Từ số phận nghiệt ngã

Bà Hoàng Thị Hồng năm nay 79 tuổi, hiện trú tại tổ 38B, phường Xuân Hà, TP Đà Nẵng. Quê ở làng Vọng Trì, xã Hương Chữ, huyện Hương Trà (Thừa Thiên - Huế) nhưng vì hoàn cảnh loạn lạc, bà Hồng lưu lạc vào đất Đà Nẵng khi mới 3 tháng tuổi, được một gia đình hiếm con nhận làm con nuôi. Ở với cha mẹ nuôi, bà những từng tưởng mình sẽ có những chuỗi ngày hạnh phúc. Rủi thay khi bà 16 tuổi, cha mẹ nuôi từ giã cõi đời để bà bơ vơ ở lại.

Cuộc sống khi đó còn gặp rất nhiều khó khăn, vì thế công việc sinh nhai của một cô bé mồ côi rất gian khổ. Gom góp ít vốn của cha mẹ để lại, cô bé Hồng đi bán từng bó rau muống, những cái bánh chưng, bán chổi rành… để có cái ăn qua ngày. Không chốn dung thân, Hồng phải lưu lạc hết nơi này qua nơi khác, ở hết phòng trọ này qua chỗ trọ khác, nhiều lúc không có tiền phải ở tạm đầu đường xó chợ.

Năm 1988, nghe lời người quen, bà Hồng chuyển qua lấy vé số đem bán. Hằng ngày cứ 4 giờ sáng, dù nắng hay mưa, bà lại đưa chân đến khắp các ngả đường. Mỗi ngày, bà phải đi mấy chục cây số để bán hết tập vé trên tay. Lời lãi chẳng bao nhiêu thế, nhiều khi bà còn bị người ta lừa đổi vé cũ lấy vé mới, có người mua vé không chịu trả tiền.

Năm 1998, được sự giúp đỡ của cô Trần Thị Minh Tân, tổ trưởng tổ 36B, phường Xuân Hà, bà đã thuê được căn nhà cấp 4 với giá vừa phải, không còn chịu cảnh mưa gió bất thường. Nhiều đêm nằm một mình trong ngôi nhà trống, bà mới thấm thía nỗi cô đơn khi không có người thân bên cạnh. Những đêm mưa to gió lớn, căn nhà nhỏ run lên bần bật, nhiều lúc tưởng có thể mái ngói đổ ập xuống bất cứ lúc nào, những lúc này bà chỉ còn biết cầu mong thời gian mau trôi qua.

Chín lần cho sĩ tử ở trọ không lấy tiền

Cuộc đời bà Hồng không được học tập, lại phải lăn lộn với đời sớm, chịu biết bao những khó khăn vất vả nên bà rất quý những người ham học. Bà cho biết: “Thấy các cháu bơ vơ khi mới bước chân ra khỏi gia đình, một thân một mình đi tìm phòng trọ, nhiều khi không có chỗ đàng hoàng lại còn bị ép giá ở chui rúc trong một căn phòng chật chội cả chục người, tui thương lắm. Trước đây đã từng chịu cảnh này rồi, bây giờ sống trong căn nhà cũng đủ rộng, lại một mình thôi thì để các cháu ở chung cho vui.”

Cứ thế, cho đến nay ngôi nhà của bà đã 9 lần đón nhận hàng chục sĩ tử vào dự thi đại học. Năm nay, bà cũng đã chuẩn bị mọi thứ trong nhà để chờ đón các sĩ tử về tham dự kỳ thi. Các em đều được bà chăm sóc chu đáo, cho ăn ở không lấy một đồng vì thế các em có thể yên tâm tham gia kỳ thi không phải bận tâm điều gì.
 
Bà Hồng tâm sự: “Tui vui lắm chú ạ! Các cháu về trọ ở đây đa số đều đỗ. Có đứa bây giờ đã đi làm, nhiều khi gặp lại chúng nhận ra mình, chứ mình không nhận ra chúng!”.

Hằng năm, hết lớp thí sinh này đi, lớp thí sinh khác lại tới. Ngôi nhà của bà Hồng lại rộng cánh cửa giúp đỡ các em. Nhiều thí sinh ở nhà bà bây giờ có em còn đang học, có em đã ra trường công ăn việc làm ổn định như: Thái Tuấn (Hà Tĩnh), Bùi Tấn Đại (Bình Định), Trần Hoàng Phúc (TPHCM)…

Các em ra đi nhưng lúc nào cũng nhớ tới những lúc sống bên bà, được bà chăm lo từng miếng cơm, giấc ngủ. Bà Hồng cho tôi đọc nhiều bức thư các em gửi về với những lời lẽ biết ơn, những tình cảm chân thành dành cho “người mẹ” tại vùng đất Đà Nẵng: “Tuy thời gian ở với mẹ chỉ ngắn ngủi thôi nhưng đã để lại trong con những kỷ niệm khó phai về hình ảnh một người mẹ hiền hậu hết lòng giúp đỡ anh em chúng con trong lúc xa nhà”; “Trong lòng con rất cảm phục mẹ vì nếu không có những người như mẹ thì bọn con sẽ khó biết bao…”; “Mẹ ơi, đã lâu con không được trò chuyện cùng mẹ. Mẹ biết không, dù không được ở cùng với mẹ. Không được mẹ nấu cơm cho con ăn, không được mẹ giặt nữa nhưng con vẫn luôn nhớ tới mẹ, luôn lo cho mẹ. Mẹ luôn bảo rằng sợ sau này chúng con xa mẹ sẽ quên mẹ nhưng không đâu. Dù bất cứ hoàn cảnh nào, con chỉ sợ rằng mẹ đã giận hay quên con thôi”…

Có những thí sinh dù thi không đậu nhưng vẫn viết vài dòng tỏ bày tâm sự biết ơn của mình cho “mẹ” Hồng sau khi dự thi về.

Cụ bà bán vé số nuôi trọ sĩ tử miễn phí  - 1

Bà Hồng đọc lại các lá thư thí sinh gửi cho bà. (Ảnh: Hoài Lương)

Bà Hồng kể, có một em quê ở Nghệ An vào dự thi, ở tại nhà bà nhưng ra ngoài ăn uống nhầm thứ gì mà bị đau bụng phải đưa đi bệnh viện cấp cứu, dở dang cả việc thi cử. Từ “kinh nghiệm” này, khi đón nhận các thí sinh đến ở, bà Hồng không cho bất cứ em nào ăn, uống những thứ không phải do bà nấu. Bà cho biết “làm vậy để các em đảm bảo sức khỏe mà thi cử, chứ nếu có gì bất trắc uổng phí mười mấy năm đèn sách, khổ cho gia đình và ngay chính bản thân các em”.

Không riêng gì bà Hồng, hằng năm phường Xuân Hà có đến hơn 2.500 chỗ trọ miễn phí và giá rẻ được vận động từ các hộ dân giúp cho các thí sinh về tham dự kỳ thi trên địa bàn phường. Anh Trương Văn Dũng - Bí thư Đoàn khối Tân Trung (phường Xuân Hà) cho biết: “Phường Xuân Hà lâu nay đã nổi tiếng nhất ở Đà Nẵng về chương trình "Tiếp sức mùa thi", trở thành hoạt động truyền thống được đông đảo người dân hưởng ứng tham gia. Nhà bà Hồng là một điển hình cụ thể trong việc đón thí sinh dự thi về cư trú”.

Hoài Lương