Covid-19 và cơ hội khởi nghiệp cho người học ngành thương mại dịch vụ
(Dân trí) - Nhiều ngành nghề đang phải đóng cửa vì Covid-19, nhưng thương mại điện tử vẫn phát triển số lượng người dùng nhanh chóng. Đây là cơ hội khởi nghiệp cho những người học ngành này.
Cơ hội trong dịch Covid-19
Trao đổi tại buổi tọa đàm chuyên đề "Kinh doanh thương mại dịch vụ trong thời Covid-19", ông Hồ Ngọc Chương, Giám đốc chuỗi siêu thị tiện lợi, nhận định Covid-19 đã gây ra khủng hoảng toàn cầu, khó khăn chưa từng có cho nền kinh tế.
"Trong khi các ngành nghề đều phải dừng lại, cố thủ thì ngành bán lẻ vẫn hoạt động và tăng gấp 2, 3 lần", ông Chương chia sẻ.
Theo ông, để ngăn ngừa khả năng lây lan dịch bệnh, nhiều nơi phải áp dụng biện pháp giãn cách, bán lẻ truyền thống đóng cửa. Lúc này, bán lẻ hiện đại thể hiện vai trò tổ chức hoàn thiện của mình và vẫn được duy trì.
Ông dự báo qua giai đoạn này, bán lẻ hiện đại còn có thể tăng rất nhanh nhờ lượng khách mới phát sinh rất lớn trong mùa dịch này, đặc biệt là ở kênh thương mại điện tử.
Ông Trần Chí Dũng, Phó Viện trưởng viện quản trị logistics toàn cầu, cũng nhận định đây là cơ hội cho các kế hoạch khởi nghiệp kinh doanh online vì ngành này đang có tốc độ tăng trưởng rất nhanh.
Nhiều hoạt động đều chuyển qua hình thức online, không có cách nào khác. Qua giai đoạn này, nhiều hành vi tiêu dùng sẽ chuyển qua hình thức online nên cơ hội là rất lớn, rất nhiều và đa dạng - ông Dũng nói.
Ông Nguyễn Quân, chuyên gia đào tạo bán hàng một kênh thương mại điện tử đánh giá, thương mại điện tử là cơ hội cho các bạn trẻ mới ra trường vì đặc tính dễ triển khai, vốn ít, dễ lên kế hoạch và chu kỳ quay vòng vốn ngắn.
Ông Quân chia sẻ, hiện các nền tảng thương mại điện tử rất đa dạng, cải tổ nhiều dịch vụ mới thuận lợi hơn, nhiều người mua bán, nhiều nhà cung cấp sản phẩm nên cơ hội phát triển rất mạnh. Còn các bạn trẻ thì nhanh nhạy, tiếp cận rất nhanh những công việc này.
"Bạn chỉ cần giỏi kỹ năng bán hàng, còn nguồn hàng có rất nhiều nơi cung cấp. Bạn càng bán được nhiều hàng thì nhà cung cấp càng có chính sách tốt cho bạn. Người ít vốn khởi nghiệp bằng hình thức này rất thuận lợi", ông Quân nói.
Những kỹ năng thực dụng cho thương mại điện tử
Theo ông Nguyễn Quân, thương mại điện tử nói đơn giản là bán hàng trên nền tảng internet, có thể là qua các mạng xã hội… Bài bản hơn thì mở một shop online trên các sàn thương mại điện tử, quy mô lập một website bán hàng…
Hình thức phổ biến nhất hiện nay là mở các một shop online trên các sàn thương mại điện tử. Với hình thức này, chủ shop có lợi thế là "đứng trên vai người khổng lồ", tận dụng nguồn khách lớn của trang, các đơn vị vận chuyển uy tín…
"Các sàn điện tử lớn có chi tiết hướng dẫn cách thức vận hành, có hàng triệu người xem. Vấn đề của chủ shop là làm sao cho gian hàng mình nổi bật, việc này cần nhiều kỹ năng", ông Quân chia sẻ.
Đó là kỹ năng làm SEO, tối ưu hóa nền tảng công cụ tìm kiếm, làm content (nội dung), quay phim, chụp hình… để phục vụ bán hàng. Còn khi bán hàng bằng hình thức livestream thì cần kỹ năng trình bày, ăn nói có duyên.
Ngoài ra, khi bắt đầu khởi nghiệp cần biết chọn hàng, chọn đối tượng khách hàng, lên kế hoạch bán hàng, quay vòng vốn, quảng cáo để bán hàng, chăm sóc khách hàng…
Các chuyên gia tham dự tọa đàm đều đánh giá những kỹ năng trên không quá phức tạp, hầu hết được dạy trong ngành thương mại dịch vụ tại các trường trung cấp.
Các kỹ năng này được dạy ở bậc trung cấp, sơ cấp thậm chí là các khóa đào tạo ngắn hạn. Chỉ học trong thời gian ngắn, học viên có thể nắm bắt đủ kỹ năng để khởi nghiệp.
Theo ông Bùi Đức Hải, Trưởng khoa Kinh tế - Dịch vụ - Du lịch trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành, ngành thương mại dịch vụ sẽ đào tạo cho học viên đầy đủ các kiến thức cơ bản như marketing, nghiên cứu thị trường, phân tích tài chính, quản lý bán hàng, xây dựng kế hoạch kinh doanh điện tử, quản lý kế hoạch kinh doanh…
Ông Trần Chí Dũng cho rằng kinh doanh online hiện phổ biến và có rất nhiều tài liệu trên mạng. Ở trường sẽ đào tạo kỹ hơn, rõ ràng hơn và các kiến thức được lựa chọn phù hợp hơn so với việc bạn tự học trên mạng.