Covid-19: Giáo dục VN sẽ chậm lại nếu không áp dụng dạy theo công nghệ số

(Dân trí) - Dịch Covid-19 là cơ hội để giáo dục Việt Nam áp dụng công nghệ thông tin, bổ sung mới hình thức dạy học như online, trên truyền hình và trên điện thoại…

 GS.TS Nguyễn Hữu Châu, trường ĐH Giáo dục, ĐH QGHN cho rằng, Việt Nam có thể học các quốc gia phát triển là tăng cường việc học di động (Mobile learning), trong đó có việc học bằng điện thoại di động.

Học bằng điện thoại di động, rất tiện ích với tất cả mọi người, vì có thể học mọi nơi, mọi lúc chỉ với chiếc điện thoại di động.

Covid-19: Giáo dục VN sẽ chậm lại nếu không áp dụng dạy theo công nghệ số - 1

Học sinh khối 12, trường THPT Trần Hữu Trang, TP.HCM làm bài thi giữa kỳ môn Toán thông qua ứng dụng công nghệ.

Dạy học sẽ được phân hóa tới mức “cá nhân hóa triệt để”

Bàn về giáo dục trong tương lai ở Việt Nam, GS.TS Nguyễn Hữu Châu, trường ĐH Giáo dục, ĐH QGHN cho biết, nói đến giáo dục trong tương lai tức là nói đến giáo dục trong một thời kỳ mà công nghệ thông tin xâm nhập rất mạnh vào giáo dục. Sự xâm nhập này có thể tạo ra một số thay đổi lớn và những xu thế như:

Thứ nhất, cá nhân hóa triệt để trong dạy học bởi hiện nay, dạy học hướng đến sự phát triển của mỗi cá nhân là mục tiêu và nhiệm vụ của giáo dục. Với mục tiêu như vậy, quá trình dạy học phải có tính phân hóa.

Trong tương lai, nhờ sự hỗ trợ của công nghệ số, quá trình dạy học sẽ được phân hóa tới mức “cá nhân hóa triệt để”.

Các chương trình học trên máy tính sẽ cho phép mỗi học sinh chọn môn học, chọn học một số phần của nội dung môn học, chọn cách thức, công cụ học và cả thời gian phù hợp với bản thân để đạt được chuẩn chung của mỗi môn học.

Thứ hai, Không gian học linh hoạt và xu hướng học ở nhà. Việc học có thể diễn ra mọi lúc, mọi nơi nên nhà trường với ý nghĩa vật chất trong tương lai không còn như trước.

Nhiều nước đã dự báo về tình trạng “no physical campuses” (không còn các trường học truyền thống nữa) và học sinh có thể lựa chọn học ở những nơi thích hợp nhất.

Thuận lợi của home schooling

Một nghiên cứu về Home schooling cho biết, ở Mỹ hiện nay có trên 2,5 triệu trẻ em (chiếm tỉ lệ 4% trẻ em ở Mỹ) là những home schooler. Con số này cũng phát triển ở một số quốc gia châu Âu.

Nghiên cứu đã chỉ ra một số thuận lợi của home schooling là: Chi phí rẻ cho các gia đình; tâm trạng thoải mái cho trẻ, sự gắn bó nhiều hơn của trẻ đối với gia đình.

Mong muốn về home schooling đã xuất hiện tại Việt Nam trong một số năm gần đây, chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM, họ thường là những cha mẹ đã từng sống ở nước ngoài.

Hiện nay, Việt Nam chưa chấp nhận và chưa có một chủ trương nào về việc này. Nhưng xu thế học ở nhà sẽ phát triển ở Việt Nam trong nhiều năm tới khi mà công nghệ số làm thay đổi cách học truyền thống và việc học ở nhà thực sự có những ưu điểm.

GS Châu cho rằng, sự xâm nhập mạnh của CNTT, các tư tưởng dạy học tích cực vốn rất khó thực hiện trong khuôn khổ các lớp học truyền thống chật hẹp, với thời gian hạn chế của một tiết học và với người giáo viên đóng vai trò cung cấp tri thức duy nhất… sẽ được thể hiện thực sự trong quá trình dạy học với công nghệ số.

Lo ngại xuất hiện ngôn ngữ quái dị

Thách thức và mặt trái của CNTT là sự phát triển thiếu hài hòa đối với nhân cách trẻ. Các nhà giáo dục lo ngại rằng, ở tiểu học trẻ thường phát âm sai, không có khả năng đọc thành thạo.

Học sinh không tự làm được các phép toán cộng, trừ, nhân chia, không thuộc các bảng cửu chương, không được yêu cầu học thuộc lòng để nhớ những sự kiện. Tất cả đã dựa vào sự làm thay của máy tính… làm thế nào để có thể phát triển được kỹ năng tư duy bậc cao.

GS Châu cho biết, ở Việt Nam, lạm dụng việc chia sẻ, trò chuyện trên các trang mạng xã hội thông qua máy tính hoặc điện thoại di động ngôn ngữ của trẻ bị ảnh hưởng xấu đi rất nhiều. Những lối nói cụt lủn, tối nghĩa, vô cảm… các biểu đạt sai chính tả, sai ngữ pháp thấy xuất hiện đầy trên trang mạng.

Giới trẻ đang và có lẽ một ngày nào đó sẽ nhiều hơn sử dụng một thứ tiếng Việt xấu xí, những thứ ngôn ngữ quái dị hoặc vô hồn kiểu ngôn ngữ của robot.

Có thể lo ngại rằng đến một ngày nào đó, các cấu trúc “cú pháp”, “ngữ nghĩa” của ngôn ngữ chỉ là những thứ xa xỉ.

Khái niệm “Vở sạch chữ đẹp” hay “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” có thể chỉ là những khái niệm mơ hồ nếu giáo viên không kiên quyết uốn nắn hoặc có những đòi hỏi nghiêm khắc đối với học sinh.

GS Châu cho hay, sự lạm dụng của các phương tiện CNTT, việc truy cập nhiều vào internet và các trang mạng xã hội có thể mang đến những bất an cho trẻ em.

Sự bất an ngày càng gia tăng khi trong các trường học trên khắp thế giới tình trạng khủng bố trường học, ngộ độc thực phẩm, bạo lực học đường, xâm hại thân thể, tai nạn… có thể xảy ra. Việt Nam không phải là một ngoại lệ.

Do đó, đảm bảo sự an toàn cho trẻ, Việt Nam cần đưa thêm một kỹ năng sống nữa vào danh sách giáo dục ngay cho trẻ là “Kĩ năng tự phòng vệ trên mạng”.

Ngoài ra, sự bất bình đẳng số về cơ hội tiếp cận công nghệ số giữa những nước giàu và những nước nghèo, giữa vùng phát triển và cùng chậm phát triển, giữa người thu nhập cao và người thu nhập thấp…

Covid-19: Giáo dục VN sẽ chậm lại nếu không áp dụng dạy theo công nghệ số - 2

Giảng viên trường ĐH Thương Mại dạy online vì dịch Covid-19

Giáo viên đòi hỏi phải giỏi về công nghệ

Theo GS Châu, các chương trình giáo dục trong tương lai sẽ rất khác so với các chương trình hiện tại, kể cả về nội dung và format. Xu hướng cá nhân hóa triệt để sẽ không chấp nhận sự phân hóa một cách khá hình thức theo kiểu phân ban như hiện nay.

Chương trình sẽ được cấu tạo thành các module để mỗi người học có thể chọn lựa. Các công nghệ số được sử dụng trong dạy học khiến có thể tiến tới những mức độ tích hợp rất sâu trong chương trình, đạt tới kiểu tích hợp transdisciplinary.

Với công nghệ số sẽ càng thể hiện rõ hơn vị trí trung tâm của người học những người thầy càng trở nên quan trọng hơn với vai trò hướng dẫn và trợ giúp. Dạy học sẽ thực sự là “dạy cách học”, “dạy cách khám phá kiến thức”.

Người giáo viên không chỉ giỏi về lĩnh vực khoa học chuyên môn mà phải giỏi về công nghệ và giỏi về cách hướng dẫn học sinh bằng công nghệ. Sứ mệnh người giáo viên càng trở nên nặng nề hơn. Phải chuẩn bị đào tạo đội ngũ giáo viên với rất nhiều phẩm chất khác biệt như vậy ở các trường sư phạm.

Đây là đòi hỏi gấp gáp vì chúng ta thường chứng kiến sự than phiền rằng “ở Việt Nam đào tạo sư phạm bao giờ cũng đi sau đổi mới giáo dục phổ thông”.

Như vậy, cũng cần chương trình “đào tạo lại” cho 1,5 triệu giáo viên đang hành nghề.

Để đối phó với tình trạng bất bình đẳng số, GS Châu cho rằng, giống như nhiều nước, không thể san lấp các khoảng cách số ở Việt Nam nhưng cần có những nỗ lực để cải thiện tình hình cho các địa phương khó khăn, các gia đình khó khăn.

Tăng cường việc học di động

GS Châu khuyến nghị, Việt Nam có thể học các quốc gia phát triển là tăng cường việc học di động (Mobile learning) trong đó có việc học bằng điện thoại di động. Học bằng điện thoại di động, rất tiện ích với tất cả mọi người, vì có thể học mọi nơi, mọi lúc chỉ với chiếc điện thoại di động.

Học bằng điện thoại di động càng thích hợp với những vùng khó và học sinh khó khăn về tài chính khi các em rất khó có điều kiện để có một máy tính riêng mà chỉ có thể có điện thoại thông minh.

GS Châu dẫn chứng, theo số liệu của Tổng cục Thống kê tỉ lệ dân số Việt Nam sử dụng smart phone là 30,1%.

Cũng theo số liệu thống kê của thế giới tỉ lệ người dân ở những nước nghèo sử dụng điện thoại di động để truy cập internet cao hơn rất nhiều so với tỉ lệ này ở những nước giàu. Ví dụ, ở Đức chỉ có 8% người dân dùng điện thoại di động để truy cập internet, ở Indonesia tỉ lệ này là hơn 70%...

GS Châu cho rằng, ngành giáo dục nên đẩy mạnh việc xây dựng và sử dụng các sách giáo khoa điện tử. Đặc biệt, nên tận dụng khai thác sử dụng ngay các công nghệ như radio, tivi trong cả thời kỳ phát triển ồ ạt các công nghệ mới. Điều này, đặc biệt có ý nghĩa đối với các vùng, miền khó khăn.

Dịch Covid-19 hiện nay, là cơ hội để ngành giáo dục Việt Nam đổi mới, áp dụng triệt để công nghệ thông tin vào dạy - học theo thời đại công nghệ số, đang phát triển như vũ bão.

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm