Cộng đồng sửng sốt khi học trò du ngoạn, tự chọn chỗ ngồi để... thi Văn

Hoài Nam

(Dân trí) - Các thí sinh du ngoạn trên sông Sài Gòn bằng tàu cao tốc; tự chọn chỗ ngồi làm bài thi, đề thi làm nhiều người phải ngả mũ...

Cách thi Văn của TPHCM trong hội thi Văn hay Chữ tốt lần thứ 21 do Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức vừa diễn ra làm sửng sốt cộng đồng giáo viên, học sinh và mạng xã hội trong những ngày qua. 

Cộng đồng sửng sốt khi học trò du ngoạn, tự chọn chỗ ngồi để... thi Văn - 1

Học sinh lên tàu cao tốc đi du ngoạn để thi Văn hay Chữ tốt 

Hội thi cấp thành phố có 162 thí sinh các khối lớp ở bậc THCS đã trải qua vòng thi cấp quận, huyện do các phòng GD&ĐT tổ chức.

Trước khi làm bài thi, tất cả học sinh bước lên hai tàu cao tốc, trải nghiệm một chuyến du ngoạn trên sông Sài Gòn. Từ trên tàu, các em ngắm nhìn, hít hà khí trời, cảm nhận về thành phố trong buổi bình minh tươi sáng. 

Cộng đồng sửng sốt khi học trò du ngoạn, tự chọn chỗ ngồi để... thi Văn - 2
Cộng đồng sửng sốt khi học trò du ngoạn, tự chọn chỗ ngồi để... thi Văn - 3

Các em tranh thủ ghi lại những cảm xúc chuyến đi 

Sau một tiếng đồng hồ "vi vu", học sinh tập trung tại bến tàu, khu vực thi đã được chuẩn bị ngay tại đây. Các em tự chọn chỗ ngồi làm bài ở bất cứ vị trí nào mình thích tại khu vực thi. 

Đề thi dành cho tất cả học sinh các khối lớp từ 6 đến 9 như sau: 

"Ngắm nhìn thành phố từ một góc khác...

Có bạn nghĩ đến Hi vọng - hi vọng thành phố chuyển mình với bao đổi thay, sánh vai cùng các thành phố lớn khác trên thế giới.

Có bạn cảm thấy Mến thương - mến thương thành phố yêu dấu, nơi em lớn lên từng ngày với bao kỷ niệm ngọt ngào, êm đềm.

Còn em, nếu được chọn một từ để nói về suy nghĩ, cảm xúc của em về thành phố thì em sẽ chọn từ gì?".

Còn với học sinh hai khối 8, 9, bên cạnh việc chọn một từ để nói về suy nghĩ, cảm xúc của mình về thành phố các thí sinh được yêu cầu viết một bài văn với nhan đề "Một góc nhìn khác về thành phố tôi yêu".

Cộng đồng sửng sốt khi học trò du ngoạn, tự chọn chỗ ngồi để... thi Văn - 4

Cuộc thi kết nối trải nghiệm với sáng tạo văn chương qua việc quan sát thành phố từ sông Sài Gòn. Quan sát khác với nhìn. Quan sát đòi hỏi học sinh phải ngắm nhìn kĩ, ngắm nhìn có chủ đích để thấy sự thay đổi, vận động, chuyển biến của cảnh vật, con người. 

Ban tổ chức cuộc thi cho biết, hành trình trải nghiệm nhằm mục đích khơi lên cảm xúc, suy nghĩ của các em về thành phố. Thông qua việc quan sát và lắng nghe thiên nhiên, cảnh vật, con người thành phố các em có được nguồn cảm hứng và ngữ liệu để sáng tạo văn chương.

Với hành trình trải nghiệm rộng (từ góc nhìn hẹp của bến tàu mở ra theo chiều dài sông và từ mặt sông lên bầu trời) và dài (dọc theo chiều dài sông, dọc theo chiều thời gian từ sáng sớm đến khi nắng lên), hành trình trải nghiệm đã tạo điều kiện cho học sinh có những góc nhìn khác nhau về thành phố. 

Đặc biệt là góc nhìn cảnh vật trong sự vận động và thay đổi. Từ các góc nhìn đặc biệt đó, học sinh có được cảm hứng sáng tạo văn chương. 

Ý tưởng tuyệt vời về dạy học Văn 

Từ đề thi, cách tổ chức thi, hình thức thi của hội thi này được chia sẻ đã làm cộng đồng phải sửng sốt. Nhiều giáo viên, học sinh trên cả nước liên tục chia sẻ về cách thức thi này với nhiều lời khen ngợi, khâm phục. 

Giáo viên có thêm những hình thức tiếp cận trong cách dạy học Văn; nhiều người đã đi qua thời học sinh xuýt xoa: "Trước đây mình mà được thi vầy chắc không... ôm hận môn Văn đến bây giờ"; nhiều học trò hứng khởi ước gì mình có thể được trải nghiệm và thi Văn theo cách vậy.  

Cộng đồng sửng sốt khi học trò du ngoạn, tự chọn chỗ ngồi để... thi Văn - 5

Quan sát, hít hà khí trời, quảng cảnh thành phố trước giờ làm bài thi 

Cô Trần Huỳnh Nhị, giáo viên Trường THPT Nguyễn Thông, Vĩnh Long thốt lên: "Hổng biết ai ra đề. Yêu quá trời quá đất. Thật sự khâm phục người ra ý tưởng này".  

Trong khi đó, bà Tô Thụy Diễm Quyên, Chuyên gia Giáo dục toàn cầu Microsoft bày tỏ, nhìn hình ảnh học sinh đi du ngoạn trên sông Sài Gòn nhiều người sẽ phải nhầm tưởng du khách đang tham quan Singapore.

Theo bà, cuộc thi đầy sáng tạo này khẳng định sự đột phá của giáo dục TPHCM.

Dự kiến, lễ trao giải hội thi sẽ diễn ra vào sáng 15/1. 

Hãy để tuổi trẻ "lấm láp bụi đường"

"Lấm láp bụi đường" (từ dùng của nhà thơ Nguyễn Phong Việt)

Học sinh chúi đầu vào điện thoại thông minh, lướt web, xem phim ... cũng là những trải nghiệm cần thiết. Tuy nhiên, tuổi trẻ cần những trải nghiệm sâu hơn, phong phú hơn, những trải nghiệm thỏa mãn nhiều giác quan hơn. 

Trải nghiệm thực tế đem lại những bài học, những kinh nghiệm mà trường lớp khó có thể "dạy" cho học sinh. Và kết quả thu được trong cùng một trải nghiệm không giống nhau mà phụ thuộc thái độ, kĩ năng, tâm lí, của từng học sinh.

Thầy cô, phụ huynh thường lo lắng khi con em mình ít trải nghiệm, nhưng lại chưa có hành động cụ thể để tuổi trẻ trải nghiệm. Dù hành trình trải nghiệm có thể các em bị "lấm láp bụi đường". 

Sống là hành trình trải nghiệm. Và nếu ta biết lắng lòng và cảm nhận thì hành trình trải nghiệm cuộc sống sẽ giúp cho mỗi người hiểu được ý nghĩa cuộc đời, cảm được độ sâu. Nếu vậy, tại sao từ hôm nay, khi các em còn trong vòng tay cha mẹ, thầy cô, chúng ta không tạo điều kiện thuận lợi nhất để các em trải nghiệm và trưởng thành?

Một giáo viên, thành viên trong Ban tổ chức Hội thi