Đề Văn lớp 10 TPHCM: Thú vị nhưng “có bẫy”!

(Dân trí) - Giáo viên ở TPHCM đánh giá đề Văn thi vào lớp 10 sáng nay rất hay, tính thực tiễn cao nhưng cũng là một “cái bẫy” nếu học sinh thiếu tỉnh táo khi nhận định đề.

Thầy Hoàng Long Trọng, giáo viên Văn, Trường THCS Văn Lang (Q.1, TPHCM) đánh giá đề thi năm nay nằm trong những kiến thức trọng tâm của chương trình Ngữ văn lớp 9. Đề có tính thực tế cao, hướng học sinh đến các vấn đề của xã hội như: rác thải nhựa, mối quan hệ giữa cha mẹ- con cái... từ đó đưa đến cho học sinh những bài học mang tính giáo dục.

Đề có tính phân hóa khá cao, học sinh trung bình có thể đạt điểm 5,6. Với những học sinh khá-giỏi thì điểm 7, 8 cũng không quá khó.

Đề Văn lớp 10 TPHCM: Thú vị nhưng “có bẫy”! - 1

Đúng như cấu trúc đề và đề minh họa của TPHCM đề gồm 3 câu như đề thi những năm trước. Nhưng năm nay đề có tính tích hợp ở câu 1. Tích hợp với kiến thức của môn hóa, địa. Nhưng về bản chất vẫn sử dụng kiến thức môn Ngữ văn để trả lời. Chỉ cần học sinh bình tĩnh đọc đề, suy xét kĩ lưỡng sẽ là tốt bài thi.

Với câu 2, nghị luận xã hội, vấn đề đưa ra khá gần gũi nhưng vô cùng thú vị. Từ 3 hình trong đề bài, học sinh chọn 1 hình thể hiện mối quan hệ giữa cha mẹ-con cái. Rồi bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình về mối quan hệ đó. Với kiểu ra đề này vừa quen thuộc, gần gũi với học sinh, lại khá mở rộng cho những chính kiến, suy nghĩ của học sinh. Các em thoải mái thể hiện ý kiến cá nhân của mình.

Câu nghị luận xã hội này cũng phát huy mạnh tư duy phản biện của học sinh. Kiểu tư duy phản biện cũng là một kiểu tư duy cần rèn cho học sinh trong thời buổi ngày nay. Đây chính là câu có sức hút nhất với học sinh.

Với câu 3, nghị luận văn học. Vẫn như cấu trúc năm trước, học sinh được lựa chọn 1 trong 2 đề để làm. Trong đó, câu 1 là văn bản trong sách giáo khoa với đề tài tình đồng đội đồng chí (Bài thơ về tiểu đội xe không kính). Ở câu này, năm nay đề không có ý thứ hai là liên hệ với thực tế đời sống. Tuy nhiên, đề tài đồng đội đồng chí cũng không phải là đề tài làm khó được học sinh.

Học sinh tại TPHCM sau giờ thi môn Văn sáng nay
Học sinh tại TPHCM sau giờ thi môn Văn sáng nay

Với đề hai phần nghị luận văn học, vẫn là chủ đề về sách, về đọc sách, học sinh sẽ viết một bài văn kiểu nghị luận xã hội với chủ đề “những ngọn lửa nhóm lên từ trang sách”. Câu này phù hợp cho những học sinh thực sự yêu thích bộ môn Ngữ văn, có năng khiếu. Nếu học sinh có năng lực, có đam mê thì đây sẽ là cơ hội cho các em thể hiện mình. Nhưng theo thầy Trọng, đa số học sinh sẽ lựa chọn câu hỏi số 1 trong phần này để làm bài, đảm bảo an toàn, yên tâm điểm số.

Thầy Trọng đánh giá, đề Văn hay, mở. Thú vị nhất ở câu số 2 (nghị luận xã hội), có tính phân hóa, có tính tích hợp.

Dễ nhầm đề!

Đánh giá đề Văn hay, học nhìn nhìn chung rất phấn khởi nhưng nhưng giáo viên một trường THCS ở Tân Phú cho rằng câu thứ 2 phần nghị luận xã hội là một câu rất tường minh, câu hỏi đòi hỏi thí sinh phải bình tĩnh, suy xét đề kỹ.

Đề nghị luận xã hội được đánh giá là hay nhưng đòi hỏi thí sinh phải tính táo khi nhận định đề
Đề nghị luận xã hội được đánh giá là hay nhưng đòi hỏi thí sinh phải tính táo khi nhận định đề

Đề đưa ba hình tập hợp (tập hợp con, tập hợp giao nhau và tập hợp rỗng) để thể hiện mối quan hệ cha mẹ và con cái. Từ đó, đề yêu cầu chọn một trong ba bức hình để viết một đoạn văn ngắn về mối quan hệ cha mẹ, con cái hiện nay.

Theo cô giáo này, mối quan hệ cha mẹ và con cái trong ba bức hình diễn biến theo thời gian từ bao bọc, chia sẻ và độc lập. Thế nên học sinh rất dễ nhầm viết bài nghị luận về cả ba hình. Tuy nhiên, đề chỉ yêu cầu chọn 1 trong 3 bức hình nên có khả năng học sinh dễ bị nhầm đề.

“Tôi chưa kịp tiếp xúc với các em để biết các em có làm đúng không. Nhưng cầm đề thi của một số em thì thấy các em gạch trong đề thi ở cả ba bức hình, phân tích mối quan hệ tương quan trong ba bức hình đó. Nếu theo hướng này các em sẽ bị nhầm đề”, cô cho hay.

Hoài Nam - Lê Phương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm