Con toàn điểm 9, 10 vẫn không được giấy khen, phụ huynh bức xúc
(Dân trí) - Dù con có điểm thi cuối học kỳ toàn 9, 10, chỉ 1 môn ở mức "Hoàn thành" nhưng vẫn không nhận được giấy khen, nhiều phụ huynh thắc mắc về quy định khen thưởng hiện nay.
Mùa bế giảng đến cũng là lúc phụ huynh quan tâm nhiều hơn tới kết quả học tập và mong con sẽ được khen thưởng để ghi nhận sau 9 tháng nỗ lực.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chị Hồng Mai (*) ở Tiền Giang cho hay con chị học lớp 1, có kết quả học tập cuối học kỳ II với 7/8 môn ở mức T (tốt), điểm thi môn toán 10, điểm thi môn tiếng Việt 9, duy nhất môn âm nhạc ở mức H (hoàn thành) nhưng không nhận được giấy khen.
"Chỉ vì chữ "H" môn âm nhạc mà con không được giấy khen. Cháu rất buồn vì mình học tốt nhưng không được khen thưởng. Cả lớp có 15 bạn được khen thưởng", chị Hồng Mai chia sẻ.
Hay trong một diễn đàn giáo dục trên mạng xã hội cũng xuất hiện dòng trạng thái thắc mắc: "Kiểm tra được 1 điểm 9 với 1 điểm 7 thì được lãnh thưởng học sinh tiêu biểu. Còn đạt 2 điểm 8 thì không được. Chả hiểu kiểu gì?".
Đánh giá kết quả học tập không chỉ dựa vào điểm số
Cho hay về cách thức khen thưởng hiện nay, vị hiệu trưởng trường tiểu học tại quận Gò Vấp, TPHCM, lý giải, theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc đánh giá học sinh thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư 27/2020.
Đáng chú ý, việc đánh giá không chỉ căn cứ vào điểm số mà phụ thuộc vào cả quá trình học tập. Điểm số đạt được trong kỳ kiểm tra chỉ là một trong những tiêu chí để giáo viên xem xét khi xếp loại.
Theo Điều 7, Thông tư 27/2020, việc đánh giá định kỳ về nội dung học tập các môn học, hoạt động giáo dục được thực hiện vào giữa học kỳ I, cuối học kỳ I, giữa học kỳ II và cuối năm học.
Giáo viên dạy môn học căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên và yêu cầu cần đạt, biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học, hoạt động giáo dục để đánh giá học sinh đối với từng môn học, hoạt động giáo dục theo 3 mức.
Mức "Hoàn thành tốt" dành cho học sinh thực hiện tốt các yêu cầu học tập và thường xuyên có biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của môn học hoặc hoạt động giáo dục.
Mức "Hoàn thành" đánh giá học sinh thực hiện được các yêu cầu học tập và có biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của môn học hoặc hoạt động giáo dục.
Mức "Chưa hoàn thành" là khi học sinh chưa thực hiện được một số yêu cầu học tập hoặc chưa có biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của môn học hoặc hoạt động giáo dục.
Cuối năm học, căn cứ vào quá trình tổng hợp kết quả đánh giá về học tập từng môn học, hoạt động giáo dục và từng phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi, giáo viên chủ nhiệm thực hiện đánh giá kết quả giáo dục học sinh theo 4 mức.
Theo Điều 9, Thông tư 27/2020, mức "Hoàn thành xuất sắc" là những học sinh có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức "Hoàn thành tốt"; các phẩm chất, năng lực đạt mức "Tốt"; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học của các môn học đạt 9 điểm trở lên.
Mức "Hoàn thành tốt" dành cho những học sinh chưa đạt mức "Hoàn thành xuất sắc", nhưng có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức "Hoàn thành tốt"; các phẩm chất, năng lực đạt mức "Tốt"; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 7 điểm trở lên.
Mức "Hoàn thành" để đánh giá những học sinh chưa đạt mức "Hoàn thành xuất sắc" và "Hoàn thành tốt", nhưng có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức "Hoàn thành tốt" hoặc "Hoàn thành"; các phẩm chất, năng lực đạt mức "Tốt" hoặc "Đạt"; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 5 điểm trở lên.
Mức "Chưa hoàn thành" để đánh giá những học sinh không thuộc các đối tượng trên.
Có nhiều hình thức khen thưởng học sinh
Về khen thưởng cuối năm, tại Khoản 1, Điều 13, Thông tư 27/2020 quy định, học sinh tiểu học hiện có 2 danh hiệu khen thưởng là "Học sinh Xuất sắc" và "Học sinh Tiêu biểu".
Học sinh sẽ được hiệu trưởng tặng giấy khen danh hiệu "Học sinh Xuất sắc" khi có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức "Hoàn thành tốt"; các phẩm chất, năng lực đạt mức "Tốt"; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học của các môn học đạt 9 điểm trở lên.
Học sinh được khen thưởng danh hiệu "Học sinh Tiêu biểu" khi hoàn thành tốt trong học tập và rèn luyện cho những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức "Hoàn thành tốt", đồng thời có thành tích xuất sắc về ít nhất một môn học hoặc có tiến bộ rõ rệt ít nhất một phẩm chất, năng lực; được tập thể lớp công nhận.
Ngoài ra, trong năm học, học sinh có thể được khen thưởng đột xuất khi có thành tích đột xuất trong năm học. Học sinh có thành tích đặc biệt được nhà trường xem xét, đề nghị cấp trên khen thưởng.
Cùng với đó, cán bộ quản lý và giáo viên có thể gửi thư khen cho những học sinh có thành tích, cố gắng trong quá trình học tập, rèn luyện phẩm chất, năng lực hoặc có những việc làm tốt.
Cụ thể ở thắc mắc của phụ huynh tại Tiền Giang, vị hiệu trưởng phân tích, học sinh có 1 môn được đánh giá ở mức "Hoàn thành" nên không thuộc diện được nhận giấy khen. "Ở đây, giáo viên đã đưa ra nhận xét đúng về năng lực của học sinh khi không đề xuất hiện thưởng tặng giấy khen. Song, tâm lý chung của phụ huynh và học sinh là đều mong muốn nhận được giấy khen
Tuy nhiên, trong trường hợp này, nhà trường, giáo viên hoàn toàn có thể linh động áp dụng việc gửi thư khen khi học sinh có thành tích, cố gắng trong quá trình học tập, rèn luyện phẩm chất, năng lực bởi bé đã có 7/8 môn "Hoàn thành tốt" và điểm thi môn tiếng Việt, toán cũng ở mức cao.
Về trường hợp học sinh đạt điểm 9 và điểm 7 được khen "Học sinh tiêu biểu", còn 2 điểm 8 thì không, theo nhận định của nhiều giáo viên, căn cứ Thông tư 27/2020, điểm số chỉ là một trong những căn cứ để đánh giá kết quả học tập. Nếu suốt quá trình học, học sinh học tập rất tốt nhưng khi làm bài kiểm tra vì một lý do nào đó chỉ đạt điểm 7 thì giáo viên vẫn có thể đánh giá "Hoàn thành tốt".
Lúc này học sinh có thể được khen thưởng "Học sinh tiêu biểu" khi có thành tích xuất sắc về ít nhất một môn học (cụ thể ở đây là có 1 môn đạt điểm 9) hoặc có tiến bộ rõ rệt ít nhất một phẩm chất, năng lực; được tập thể lớp công nhận.
Về trường hợp đạt 2 điểm 8 nhưng không được khen thưởng, giáo viên phân tích rằng có thể suốt quá trình học, học sinh chỉ tiếp thu kiến thức ở mức trung bình nhưng cuối kỳ thi được 8 điểm, giáo viên có thể chỉ đánh giá ở mức "Hoàn thành" thôi.
"Phụ huynh và giáo viên có thể cởi mở hơn, chia sẻ với nhau về những mong muốn và quy định chung, thay vì giữ những thắc mắc để ấm ức trong người", hiệu trưởng trường tiểu học ở quận Gò Vấp, TPHCM chia sẻ.
(*) Tên phụ huynh đã được thay đổi