“Con tàu đại học” nơi rẻo cao
(Dân trí) - Cả bản Xiềng Líp thuộc xã Yên Hòa, huyện miền núi rẻo cao Tương Dương tỉnh Nghệ An có rất ít người cho con học lên đến cấp 2. Thế mà cả bốn người con của ông Trần Đại Nghĩa người dân tộc Thái đều học hành tấn tới và đỗ đại học.
Và “con tàu đại học” của gia đình ông Trần Đại Nghĩa đã trở thành điển hình đầu tiên về sự học của các đồng bào dân tộc thiểu số xứ Nghệ.
Từ thị trấn Hòa Bình, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An đến nhà ông Trần Đại Nghĩa khoảng 50 km đường chim bay nhưng phải đi bộ mất hơn nửa ngày xuyên qua 3 cánh rừng, 9 dãy núi và 11 con khe mới tới. Bản Xiềng Líp nằm lưng chừng dãy Pù Tèn Nang, mây trắng giăng đầy, những mái nhà sàn mốc thếch tựa lưng vào vách núi như những tổ chim.
Nhà ông Nghĩa nằm ở đầu bản, cũ kỹ mang nét thời gian xưa cũ nhưng rất sạch sẽ. Khi chúng tôi đến nhà ông Nghĩa đã 12 giờ trưa nhưng không gặp ai. Đồ đạc trong nhà cũng chẳng có gì, chỉ thấy một giá sách nho nhỏ xinh xắn dựng trước một bàn học con con và hàng loạt giấy khen, bằng khen, treo đầy cả 4 vách nhà sàn.
Ông Vi Huồn, hàng xóm nhà ông Nghĩa cho chúng tôi biết: “Giờ ni hai vợ chồng nhà Nghĩa đang tranh thủ làm thêm ở trên rẫy. Ngoài thời gian ở trạm xá (ông Nghĩa làm y tá - PV), hễ về đến nhà là ông Nghĩa xắn tay xắn quần làm vườn.
Vợ chồng ông ấy làm quần quật cả ngày lẫn đêm ít có thời gian ngơi nghỉ. Tất cả cũng là để chu cấp cho mấy đứa con học đại học. Nhà Nghĩa đứa mô cũng tài giỏi”.
Chúng tôi ngồi tiếp chuyện ông Huồn một lúc lâu mới thấy ông Nghĩa quần xắn quá gối vác cuốc trở về. Qua chuyện trò, ông Nghĩa kể về những năm tháng khó khăn nhất trong cuộc đời mà đôi lúc ông tưởng chừng như không vượt qua nổi.
Ông Nghĩa lấy vợ năm 1980, trong vòng 7 năm, vợ chồng ông sinh được 4 người con mà “đứa mô cũng ốm yếu quặt quẹo rất khó nuôi”. Sinh con một chặp lại thiếu ăn nên vợ ông yếu chẳng làm được việc gì. Một năm gia đình ông chịu cảnh thiếu ăn đến 5-6 tháng, phải ăn củ nâu, củ khủa, củ mài ăn thay cơm.
Nghĩ đến tuơng lai của các con, ông Nghĩa gắng vùng dậy. Ông đi vay mượn khắp nơi để chữa bệnh cho các con. Xong việc ở trạm xá xã, ông tranh thủ vào rừng, lên rẫy làm lụng. Cuộc sống còn bao khó khăn nhưng ông Nghĩa luôn chăm lo cho con cái học hành chu đáo.
“Cứ đứa mô học xong tiểu học, tui lại gửi ra học trường huyện cho nó tiếp xúc với văn minh. Vợ chồng tui thà lao lực, đứt bữa chứ con cái thì không thể cho cho chúng thiếu ăn, thiếu mặc ảnh hưởng đến việc học hành”, ông Nghĩa kể về những tháng ngày khó khăn vừa qua. Vào những đận cơ hàn, các con ông thương bố mẹ đòi bỏ học nhưng ông phải động viên con học tiếp.
Đáp lại lòng quyết tâm của cha mẹ, các con ông Nghĩa đều rất ngoan ngoãn, siêng năng và chăm chỉ học hành, năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh tiên tiến xuất sắc, đạt nhiều danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh. Hồi cô con gái đầu Nguyễn Thị Vân Anh thi đậu Trường ĐH Y Hà Nội đã trở thành một sự kiện lạ cho cả bản Xiềng Líp và những bản lân cận.
Bà con các thôn bản kéo đến chúc mừng và xem “cô đại học” đông lắm. Đó là người đầu tiên của vùng Tèn Nang đỗ vào ĐH. Noi gương chị, những đứa con sau của ông Nghĩa cũng theo nhau học ĐH. Nguyễn Thị Lương (sinh năm 1983) vào ĐH Duy Tân Đà Nẵng, Nguyễn Văn Cường (sinh năm 1984) vào ĐH Vinh, Nguyễn Thị Tú (sinh năm 1987) vào ĐH Huế.
Để nuôi được “con tàu đại học” này, vợ chồng ông Nghĩa phải “xoay như chong chóng”, làm đủ thứ nghề như trồng trọt, chăn nuôi, bán hàng tạp hóa rồi vay mượn ngân hàng. Các con ông biết bố mẹ vất vả nên rất chăm chỉ học hành và chi tiêu tằn tiện, không đua đòi. Mỗi khi về nghỉ hè, các cô cậu sinh viên này lại vào rừng lên rẫy làm giúp bố mẹ luôn tay.
Ông Huồn hàng xóm tấm tắc khen: “Nhìn con nhà Nghĩa mà thèm. Tuy là sinh viên nhưng chân leo núi vẫn không biết mệt, làm nương, làm rẫy, thêu thùa, dệt thổ cẩm giỏi nhất cả vùng Tèn Nang…”
Hiện nay người con gái đầu của ông Nghĩa đã tốt nghiệp và về công tác ở Trung tâm Y tế huyện Tương Dương. Dù gánh nặng trên vai vợ chồng ông Nghĩa có phần nhẹ bớt nhưng hai ông bà vẫn phải làm quần quật như thuở nào. “Vất vả nhưng vui, cứ thấy các con mang giấy khen, kết quả tốt về là tui mừng thấy người khỏe ra, không ăn cũng no”, ông Nghĩa tâm sự.
Tiến Dũng