Có nên cho con đi du học khi còn quá nhỏ?

(Dân trí) - Ngày nay các bậc cha mẹ, nhất là những gia đình có điều kiện luôn cố gắng để con em mình được đi du học càng sớm càng tốt cho "bằng bạn bằng bè". Thực tế là, nhiều trường hợp khuynh gia bại sản và con cái lại hư hỏng vì đi “du học”.

Ngày càng có nhiều học sinh cấp 3, cấp 2 thập chí là cấp 1 thuộc những gia đình có điều kiện ở các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng… ra nước ngoài học tâp, chủ yếu là học tự túc, rất ít có học bổng. Chi phí hàng tháng cho việc học tập và sinh hoạt ở nước ngoài của các du học sinh này thường từ vài trăm cho đến vài nghìn đô.

Để chu cấp cho con cái ăn ởm học tập như vậy, những gia đình thuộc diện khá giả cũng khá vất vả, nhiều gia đình đã phải bán đất, vay mượn để thỏa mãn giấc mơ du học của con và giải quyết  “khâu oai” cho bố mẹ. Họ đâu biết rằng, việc cho con đi du học còn quá nhỏ là việc làm hết sức mạo hiểm.

Có nên cho con đi du học khi còn quá nhỏ? - 1


Không phủ nhận, việc được học tập ở những nước có nền giáo dục hàng đầu thế giới là rất tốt, trẻ có điều kiện để phát huy hết tiềm năng vốn có và lĩnh hội những tri thức tiên tiến của nhân loại. Tuy nhiên, cần biết rằng để trẻ có thể phát huy hết khả năng của mình và đón nhận kiến thức mới, trước tiên trẻ phải có một sức khỏe tốt, tinh thần thoải mái và sự chuẩn bị tốt.

Việc cho trẻ đi du học ở lứa tuổi quá nhỏ, khi chưa có sự chuẩn bị tốt cả về “trí lẫn lực”, cũng giống như chúng ta lạc vào một thế giới xa lạ đầy cám dỗ, mà ở đó ta đơn độc, phải tự mình thích nghi và tồn tại. Trong thế giới đó, không phải ai cũng có thể tồn tại và phát triển được, đã có không ít người sa ngã và bị đào thải.

Bản thân người lớn, những người ra nước ngoài học Thạc sỹ hay Tiến sỹ, cũng gặp không ít khó khăn, dù đã có sự chuẩn bị lâu dài về kiến thức và ngoại ngữ, có kinh ngiệm sống. Không ít người vấp phải những rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, sự chênh lệch về trình độ…  và buộc phải bỏ cuộc giữa chừng. Đó là chưa kể đến trường hợp du học tự túc, phải vừa lo kiếm sống và học tập thì nguy cơ không tốt nghiệp được là khá lớn.

Với các em học sinh THPT và THCS, do còn ít tuổi, kinh nghiệm sống chưa nhiều, đặc biệt những em sống trong các gia đình khá giả, thì việc ra nước ngoài bắt đầu cuộc sống tự lập, không có người lớn ở bên là điều rất khó khăn. Phần lớn các em sẽ bị sốc trong gia đoạn đầu và học tập sa sút.

Ở môi trường mới với những con người mới, cách giáo dục mới, phải tự chăm sóc bản thân nhiều em đã không vượt qua nổi. Nhiều trường hợp sau khi cả nhà phát ốm để lo cho con “mang chuông đi đánh xứ người”, đã phải đón con về vì kết quả học tập quá yếu kém, không đáp ứng được yêu cầu của trường, hoặc vì sang đó không có sự quản lý nên sa ngã và dính vào các tệ nạn xã hội…

Nhiều bạn trẻ du học ở bậc phổ thông, do gia đình cũng không khá giả cho lắm, nên sau khi ra nước ngoài đã đi làm thêm, rồi bị cuốn vào vòng xoáy kiếm tiền, thậm chí dính đến ma túy và vi phạm pháp luật. Một số gia đình ở Việt Nam đã phải vay mượn để sang nước ngoài đưa con về trong trường hợp này.

Có nhiều em sau khi giấc mơ du học tan tành, phải trở về nhà, với sự mặc cảm lớn của bản thân, sự xấu hổ của gia đình, đã sống một cách thu mình, thậm chí còn “tự kỷ” và bị “rối loạn tâm thần”.

Thiết nghĩ, lo cho việc học tập và tương lai của con cái là một việc nên làm của các bậc cha mẹ. Cho con đi du học khi có điều kiện là tốt, nhưng đi học ở lứa tuổi nào thì người lớn cần phải suy tính thật kỹ cũng như chuẩn bị thật tốt cho trẻ trước khi xuất ngoại.

Chu Đình Tới
(NCS tại Ba Lan)