Trăn trở cho con du học

(Dân trí) - Với bối cảnh hội nhập ngày nay, du học trở thành xu hướng không còn xa lạ với các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, trước khi quyết định cho con cái tiếp cận với những “chân trời kiến thức mới”, các bậc làm cha mẹ không tránh khỏi những lo lắng, băn khoăn.

Nếu như trước kia, những trăn trở của các bậc phụ huynh nằm ở câu hỏi cho con du học nước nào là tốt nhất, môi trường học tập ở đó ra sao, chi phí học tập như thế… thì nay, những điều này đã trở nên đơn giản hơn. Sự liên thông và giao lưu văn hóa giữa các nước đã dễ dàng hơn, chi phí học tập ở nước ngoài không còn là vấn đề rào cản không vượt nổi, phụ huynh và con cái có nhiều lựa chọn ở nhiều nước thông qua các trung tâm tư vấn du học, hay thông tin trên Internet…

 

Nhưng tâm lý của những người làm cha làm mẹ thì cho dù ở bất kỳ thời kỳ nào trong xã hội luôn có suy nghĩ giống nhau và chỉ có bọn trẻ là khác. Trong tâm thế của bố mẹ, những đứa con luôn còn “bé bỏng” và vẫn cần nằm trong tầm ngắm để bao bọc mỗi khi có thể.

 

Trăn trở cho con du học
Đằng sau giấc mơ du học của các bạn trẻ luôn là nỗi trăn trở của cha mẹ



Có cô cháu gái Thục Ninh vừa tốt nghiệp cấp hai trường Hà Nội Amsterdam và nhận được học bổng toàn phần sang Singapore du học, gia đình nhà ông Bảo nháo nhác hẳn lên. Là một người thuộc thế hệ cũ, dù bố mẹ cô bé chưa lo lắng nhiều thì ông bà Bảo đã sốt sắng và mất nhiều ngày nghĩ xem có nên cho cháu du học hay không.

 

Ông tâm sự: “Cháu nó vốn quen sống trong vòng tay bao bọc của ông bà cha mẹ, mà còn nhỏ tuổi, giờ sang nơi đất khách quê người, không những phải tự lập mà còn phải làm quen với nhiều điều mới lạ từ cuộc sống xung quanh, đến môi trường học và phương pháp học tập mới. Gia đình tôi rất lo không biết sang đó cháu đã đủ sức để tự dấn bước hay chưa?”.

 

Để trấn an tâm lý các cụ, bố mẹ Ninh đã phải sắm cho ông bà cái máy tính để ngày ngày ông cháu có thể trò chuyện qua mạng. Và dù dã hơn 70 tuổi nhưng vì lo cho cháu nên ông Bảo đã cố gắng học một ít công nghệ để biết… trò chuyện với cô cháu gái qua mạng.

 

Chị Trần Thị Lan Phương, kế toán ở một tờ báo, trong buổi café tâm sự: giờ đâu đâu trong xã hội cũng thấy dán thêm mác “nước ngoài”. Muốn con cái thành tài, sau này tương lai tốt nếu có điều kiện nên cho con đi du học. Cháu Đức (con trai chị) cũng đang làm thủ tục du học ở Anh.

 

Là cậu con trai duy nhất trong nhà không có anh chị em, Đức được bố mẹ rất quan tâm tới việc ăn học. Dù vậy, anh chị cũng không vì thế nuông chiều con mà rèn dũa con rất nghiêm khắc để con tự mình tạo lập tính tự giác và nghiêm túc trong học tập và sinh hoạt. “Người ta thì phải chi phí để nuôi 2, 3 đứa con; còn mình chỉ có một cậu con trai duy nhất nên cũng muốn nó học thành tài, tạo điều kiện để con có môi trường học tập tốt nhất”, chị Phương nói.

 

Lúc đầu gia đình lo lắng lắm, vì lần đầu tiên con xa vòng tay bố mẹ và ở cái tuổi cũng chưa phải là chững chạc gì. Giá như Đức học đại học ở đây rồi sau đó mới đi du học nước ngoài thì chị đỡ lo hơn vì ít nhất có điều kiện va vấp, có thời gian phát triển tương đối ổn định và có tư tưởng sống tự lập. Nhưng cuối cùng, gia đình chị cũng đã đồng ý cho con đi du học ở Anh ngành tài chính ngân hàng tại trường British University Việt nam.

 

Mặc dù không tránh khỏi lo lắng cho con về nơi ăn, chỗ ở cũng như môi trường sinh hoạt mới lạ sau này, nhưng chị Phương vẫn tự hào tin tưởng: “Lo thì cũng lo đấy nhưng vì tương lai của con nên gia đình chị vẫn đồng ý và điều quan trọng là gia đình chị đặt niềm tin vào cậu con trai ưu tú của mình”.

 

Phó phòng đào tạo một trường đại học lớn Hà Nội khuyên, các bậc phụ huynh khi xác định cho con đi du học thì ngay cả những người làm mẹ làm bố và chính cả bản thân người đi du học phải xác định rõ ràng mục tiêu đi học chứ ko phải... đi chơi.

 

Xác định rõ ràng đi là vất vả và cần có nhiều nghị lực để hoàn thành khóa học. Cần phải cởi mở và thoải mái hơn sống hòa đồng với các bạn và cố gắng trải nghiệm cuộc sống ở nền văn hóa khác mình. Cho con đi du học là cả một quá trình, và các bậc phụ huynh nên có kế hoạch và những sự lựa chọn sáng suốt cho tương lai của con mình.

 

H.P