Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Cô giáo vùng sâu trải qua 1.500 lần lọc máu vẫn miệt mài lên lớp
(Dân trí) - 11 năm 8 tháng chạy thận, khoảng 1.500 lọc máu, cô giáo Đỗ Thị Thu Nga (Tuyên Quang) vẫn nỗ lực trở thành giáo viên giỏi. Câu chuyện của cô truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ học sinh và giáo viên.
Câu chuyện của cô giáo Đỗ Thị Thu Nga là một tấm gương điển hình, gắn liền với ý nghĩa thiết thực của nỗ lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
Cô Đỗ Thị Thu Nga sinh năm 1981, là giáo viên môn ngữ văn, Trường Trung học phổ thông Tháng 10 (xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang), một trong 58 thầy cô giáo xuất sắc được vinh danh tại chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2023.
Trước khi về Hà Nội dự lễ tuyên dương nhân dịp 20/11 năm nay, cô Nga tranh thủ cuối tuần qua, tổ chức cho lớp 12A2 do mình chủ nhiệm đi chơi ở công viên thành phố Tuyên Quang.
Để có buổi đi chơi này, cô vừa tự bỏ tiền túi, xin thêm bên ngoài và trích quỹ lớp bởi trường miền núi cách thành phố 25km, kinh phí còn nhiều khó khăn.
Nhìn hình ảnh cô giáo năng động hoạt bát nói cười trước các em học sinh, ít ai ngờ tới cô vừa trải qua quãng đường dài vật lộn với cuộc chiến sinh tử.
1.500 lần lọc máu, giấy tờ ra viện nặng 3kg
Cô đã trải qua những khó khăn ra sao khi vừa phải chiến đấu với bệnh tật, vừa làm công việc chuyên môn?
- Hơn 3 năm nay, tôi như được tái sinh khi các bác sĩ Bệnh viện 103 thực hiện thành công ca phẫu thuật ghép thận, cho dù phải mổ thêm 6 lần sau ghép.
Từ một cô giáo gầy chỉ 36kg vì vật lộn với bệnh tật, tôi tăng được 10kg, tinh thần cũng vui vẻ hơn.
Trước đó, năm 2009, sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm ngữ văn, tôi đi dạy được 6 năm, phát hiện mình bị suy thận độ 3.
Cảm giác trong tôi lúc đó suy sụp. Bệnh ngày càng nặng ra, người tôi bắt đầu phù nặng, mệt mỏi, suy kiệt sức khỏe, tinh thần rệu rã, tuyệt vọng tưởng như chiếc dây cót đã hết năng lượng.
Tôi sợ hãi bởi chưa đến 30 tuổi đã mắc trọng bệnh, cứ mỗi lần tắt điện đi ngủ lại giật mình sợ hãi, sợ cái chết tìm đến bất thình lình.
Tôi luôn ám ảnh bởi những tiếng tít tít và đèn máy lọc máu nhấp nháy với những con số nhảy nhót, lúc ấy nước mắt lại trào ra. Đấy là thời gian khủng khiếp nhất của tôi.
Chi phí phẫu thuật gần 900 triệu đồng nhưng hai vợ chồng cô vét hết vốn tích cóp chỉ được 150 triệu đồng.
Số còn lại, tôi nhờ hỗ trợ từ người thân, gia đình, bạn bè đồng nghiệp. Để có tiền chữa bệnh, tôi vừa đi dạy vừa mở quán bán chè ở chợ, rồi bán hàng qua mạng.
Cứ có gì ra tiền tôi đều làm. Người tôi gầy quắt chỉ với 36kg, mặt mũi gồ ghề và đen nhẻm, tay vỡ mạch máu me be bét.
Có năm gần Tết, người nằm ở viện nhưng nhà chất đầy hàng để bán Tết. Cả nhà tôi đều lao ra chợ vừa bán chè, nổ bỏng ngô, có gì bán đó.
Hơn 11 năm mòn chân chạy thận từ Hà Nội đến Tuyên Quang, cùng 1.500 lần lọc máu, giấy tờ ra viện nặng hơn 3kg, cuối cùng số phận cũng mỉm cười với tôi giáo này nhờ ca ghép thận năm 2020.
Tấm gương truyền cảm hứng
Chị hãy chia sẻ về những thành tích trong công việc?
- Mặc dù nhiều năm vật lộn với bệnh tật nhưng tôi luôn nỗ lực công tác, là giáo viên xuất sắc. Hơn 20 năm đứng trên bục giảng, cô nhận tổng cộng gần 20 giấy/bằng khen của Thủ tướng, Bộ GD&ĐT cùng các cấp khác.
Nhiều sáng kiến kinh nghiệm của cô được học sinh và đồng nghiệp đánh giá cao như: vẽ bản đồ tư duy; ứng dụng phương pháp tích hợp các môn học địa lý, lịch sử, sinh học, giáo dục công dân vào giảng dạy bộ môn ngữ văn; ứng dụng mô hình sơ đồ vào giảng dạy bộ môn ngữ văn tại bậc THPT.
Các sáng kiến của tôi không chỉ được hưởng ứng và lan tỏa trong Trường THPT Tháng 10 mà còn được giới thiệu tại một số hội thảo toàn quốc, cấp tỉnh về đổi mới kiểm tra, đánh giá thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học. Nhiều năm liền tôi tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi cấp tỉnh đạt thành tích cao.
Tôi cũng năng động vận động nguồn lực để tổ chức các chuyến học tập ở các khu di tích lịch sử, văn hóa nhằm giúp học sinh nâng cao kỹ năng học tập môn văn nói riêng và các môn học khác.
Năm 2015, tôi vinh dự là nhân vật khách mời giao lưu chia sẻ tôn vinh của Đài THVN chương trình "Thay lời tri ân". Năm 2022, cô tiếp tục được nhận danh hiệu "Công dân tiêu biểu tỉnh Tuyên Quang". Cùng năm này, nhóm tác giả học sinh lớp cô Nga chủ nhiệm đạt giải nhất cấp tỉnh, giải ba cấp Bộ cuộc thi thiết kế video "Thầy cô trong mắt em".
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, cô Nga cho biết, sau phẫu thuật, cô vẫn phải dùng thuốc hàng ngày. "Cháo nóng húp quanh, nợ trả đồng lần", cô vừa giảng dạy, vừa bán hàng online kiếm thêm, vừa thuốc men vừa trả nợ phẫu thuật.
"Mình dạy học ở ngôi trường vùng xa của tỉnh, điều kiện học sinh còn nhiều khó khăn. Ở đây, nhiều em học sinh dân tộc thiểu số, nhất là dân tộc Mông nghèo khổ, hay bỏ học.
Thế nhưng bằng sự quan tâm, yêu thương, động viên, cô thường đến nhà học sinh để thấu hiểu, chia sẻ và động viên các em nên các em có nhiều tiến bộ rõ rệt.
"Lớp chủ nhiệm của tôi hiện nay có 41 em, luôn đoàn kết, yêu thương nhau và thương cô, nỗ lực vươn lên về mọi mặt. Đó là niềm vui lớn nhất của tôi", cô Nga nói. Đánh giá về cô giáo Nga, lãnh đạo nhà trường cho biết, cô là người rất năng động sáng tạo, có trách nhiệm trong công việc được giao, là tấm gương nghị lực cho tập thể giáo viên và học sinh của nhà trường.
Nhân dịp 20/11 năm nay, cô Nga vinh dự là một trong 58 thầy cô giáo được vinh danh tại chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" do Bộ Giáo dục & Đào tạo, Hội Liên hiệp Thanh niên, Ủy ban Dân tộc và các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức.