Cô giáo về hưu: "Trẻ phải đi học thêm nhiều là tại bố mẹ"

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Cô Nguyễn Bích Mai cho rằng bố mẹ phải nhìn lại cách giáo dục con và mục đích của việc cho con đi học thêm thay vì vội vàng chỉ trích học thêm, dạy thêm.

Bố mẹ cần xem lại mục đích khi cho con đi học thêm

Cô Nguyễn Bích Mai, giáo viên về hưu tại Quảng Ninh, cho rằng câu chuyện quá tải học thêm của học sinh Việt Nam sẽ không giải quyết được nếu chỉ trông chờ vào cải cách giáo dục.

"Bởi vấn đề không chỉ nằm ở nhà trường, giáo viên, chính sách mà nằm ở tư duy, thái độ của phụ huynh với việc học hành của con cái", cô Mai nhận định.

Cô Mai tâm sự rất nhiều cha mẹ chưa từng xem sách giáo khoa của con, không ngồi học cùng con bao giờ, phó mặc con hoàn toàn cho nhà trường. Những phụ huynh này cho con đi học thêm theo phong trào, vì "nghe nói" nếu không học thêm sẽ không thể học tốt, sẽ bị cô giáo phân biệt đối xử… 

Cô giáo về hưu: Trẻ phải đi học thêm nhiều là tại bố mẹ - 1

Phụ huynh đưa con đi học tại Hà Nội (Ảnh: Mạnh Quân).

Phụ huynh thậm chí không quan tâm kết quả học tập của con khi học thêm và khi chưa học thêm có khác nhau hay không. Việc cho con đi học thêm nhằm mục đích yên tâm về tâm lý. 

Nhóm phụ huynh khác quan tâm tới việc học của con nhưng đặt yêu cầu con phải học giỏi đều các môn bất chấp năng lực của đứa trẻ. Khi con không đạt kết quả học tập như ý muốn thì bố mẹ đưa con đi học thêm.

Song mục tiêu của bố mẹ là con phải "bằng bạn bằng bè", chứ không phải để trẻ phát triển tốt nhất khả năng của chính mình. Trẻ đi học thêm trong hoàn cảnh này là để đáp ứng yêu cầu của bố mẹ, không phải do trẻ không đáp ứng được yêu cầu ở trường.

Cô Mai nói đây là hai nhóm phụ huynh hay chỉ trích chuyện học thêm nhất.

"Còn những phụ huynh cho con học thêm vì muốn con nâng cao trình độ, thi đỗ trường chuyên lớp chọn hay bổ túc các kiến thức còn yếu mà bố mẹ không có khả năng hướng dẫn con… sẽ xem việc học thêm là hoạt động lợi ích, mang lại cho trẻ nhiều giá trị", cô Mai nêu quan điểm.

Hơn 30 năm làm công tác giảng dạy, đi qua 2 lần cải cách, thay sách, cô Mai đánh giá chương trình phổ thông không hề nặng đến mức học sinh phải đi học thêm mới theo được. 

Cô giáo về hưu: Trẻ phải đi học thêm nhiều là tại bố mẹ - 2

Phụ huynh đưa con đi thi vào lớp 10 (Ảnh: Mạnh Quân).

"Căn cứ vào chương trình và sách giáo khoa, tôi khẳng định phần lớn các con bậc tiểu học và THCS - trong điều kiện học tập, môi trường học tập thuận lợi - không cần học thêm vẫn có khả năng đạt mức thông hiểu. Mức vận dụng và vận dụng cao dành cho học sinh có tố chất", cô Mai nói.

Muốn con giỏi mà không cần học thêm, bố mẹ phải biết dạy

Cô Mai đồng tình với ý kiến của anh Trần Đức Giang, một phụ huynh tại Hà Nội, trong bài viết "Ông bố từ chối chi nhiều tiền cho con học thêm, để con làm toàn bộ việc nhà" đăng trên báo Dân trí. Cô Mai khẳng định bất kỳ một đứa trẻ học giỏi nào cũng có sự tham gia dạy dỗ từ hai phía: nhà trường và gia đình. 

Rất nhiều kỹ năng làm nền móng cho việc học giỏi của trẻ chỉ có được khi bố mẹ uốn nắn, rèn giũa từ nhỏ thông qua lao động phù hợp với độ tuổi như tính tự giác, kỷ luật, khả năng tự học… 

"Bố mẹ càng dành nhiều thời gian học cùng con, chơi cùng con, làm cùng con, trẻ càng tự tin với việc học hành. Trẻ tự tin, tự học được thì không cần đi học thêm ở đâu nếu yêu cầu chỉ là kiến thức trong sách giáo khoa. 

Khả năng tự học cũng là yếu tố quan trọng quyết định trẻ có thành công trong học tập và cuộc sống hay không, chứ không phải việc được đầu tư học thêm nhiều hay ít. 

Do đó, nếu trẻ phải đi học thêm ngày đêm mà không phải nhu cầu tự thân của trẻ, bố mẹ cần xem lại mình trước tiên. 

Mình đã đồng hành cùng con chưa, có hiểu rõ con đang gặp khó khăn gì trong việc học hay không, có đặt ra yêu cầu cao so với năng lực của con hay không, có bị chi phối bởi tâm lý phong trào, sợ con thua bạn kém bè hay không, có mục tiêu học tập rõ ràng hay không…", cô Mai chia sẻ góc nhìn cá nhân.

Cô giáo về hưu: Trẻ phải đi học thêm nhiều là tại bố mẹ - 3

Một giờ học tiếng Việt của học sinh tiểu học (Ảnh: Mỹ Hà).

Ở góc nhìn khác, thầy Hoàng Thanh Phong, giáo viên dạy toán tại Hà Nội, cho rằng cuộc sống hiện đại ngày nay khiến cha mẹ bận rộn hơn, áp lực mưu sinh cao, do đó có ít thời gian dành cho con cái. 

"Nhiều bố mẹ về tới nhà là "sập nguồn", chỉ muốn nghỉ ngơi hoàn toàn. Để giải quyết vấn đề tâm lý do không thể học cùng con, bố mẹ cho con đi học thêm. Một phần nào đó họ không hoàn toàn tin tưởng vào giáo viên, luôn lo lắng nếu con không học thêm sẽ không đáp ứng được yêu cầu cơ bản trên lớp. 

Thực tế, nếu bố mẹ có thể dành thời gian mỗi tối cho việc học của con, họ sẽ không còn nỗi sợ ấy nữa. Bởi vì họ hiểu rõ kiến thức cơ bản gồm những gì.

Khi trẻ bước vào giai đoạn cuối cấp 2 hoặc lên cấp 3, việc đi học thêm mới cần thiết để củng cố kiến thức cơ bản và rèn kỹ năng làm bài phục vụ các kỳ thi quan trọng.

Tuy nhiên, với một số trẻ có tố chất tốt, có khả năng tự học và chọn một ngôi trường không có độ cạnh tranh cao thì trẻ có thể không cần học thêm.

Điều cần sòng phẳng ở đây là phụ huynh cũng có trách nhiệm với chất lượng học tập của con cái. Không thể vì lý do "tôi bận" mà gán toàn bộ trách nhiệm cho nhà trường.

Giáo dục trong nhà trường là giáo dục đại trà, mỗi em có một năng lực học tập khác nhau sẽ ra kết quả học tập khác nhau. Khi phụ huynh đòi hỏi cao hơn về kết quả học tập của con so với năng lực thì phụ huynh phải đầu tư thời gian, công sức và thậm chí cả tiền bạc cho con", thầy Phong chia sẻ.

(*) Tên nhân vật đã thay đổi.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm