Cô giáo trẻ viết thư dặn học trò sống tử tế và thiện lương
(Dân trí) - "Xếp hàng lên nhà ăn để tránh bị "tắc đường" con nhé, ăn phải hết suất cơm của mình tránh lãng phí (khi bỏ suất cơm, con hãy nghĩ đến những bạn cùng trang lứa mong một bữa cơm trắng). Khi có thể hãy giúp đỡ những người bên cạnh con. Bởi khi làm được việc tốt, tâm trạng chúng ta sẽ rất hân hoan."
Trước thềm năm học mới, cô Nguyễn Phương Thảo (sinh năm 1987, giáo viên dạy Sử tại một trường liên cấp THCS-THPT ở Hà Nội) đã viết một lá thư với lời dặn dò, gửi gắm của một người lái đò đến với học trò. Cô Thảo nhấn mạnh, sự tử tế của mỗi con người phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhất.
Những nội dung dặn dò của cô bao gồm cả những giá trị sống, thái độ sống và kỹ năng sống trong sinh hoạt hàng ngày và cả trong học tập. Ngoài ra, cô cũng chia sẻ những điều thú vị, bổ tích của từng môn học.
Dưới đây xin trích lá thư cô giáo Phương Thảo gửi học trò:
"Thân gửi các trò!
Vậy là một năm học mới lại sắp bắt đầu, cô biết sẽ có nhiều điều bỡ ngỡ và khó khăn với những cô cậu học trò đầu cấp của cô. Từ việc làm quen với trường mới, lớp mới, bạn mới, cô giáo mới và đặc biệt là phương pháp học tập mới, đến những nội quy trường học...
Nhưng các bạn trò nhỏ của cô ơi! Những vị khách trên chuyến đò thứ 4 trong nghề giáo của cô ơi! Cô có một vài điều tâm sự cùng các con, mong các con hãy cùng cô đi thật vui vẻ và hạnh phúc ở chặng đường mới này!
Các trò yêu quý! Cô sẽ dành hết sự tâm huyết, khả năng cùng những gì cô tích lũy ở những chuyến đò trước để đưa các con khám phá những miền đất mang tên hạnh phúc. Cô sẽ cùng các con đi đến những vùng đất của sự tử tế và thiện lương.
Hãy cùng cô đi chuyến hành trình ấy từ những việc nhỏ nhất nhé:
Tắt các thiết bị điện khi không sử dụng.
Kê lại bàn ghế ngay ngắn và để rác đúng nơi quy định (điều ấy sẽ giúp các cô lao công rất nhiều đấy).
Xếp hàng lên nhà ăn để tránh bị "tắc đường" con nhé, ăn phải hết suất cơm của mình tránh lãng phí (khi bỏ suất cơm, con hãy nghĩ đến những bạn cùng trang lứa mong một bữa cơm trắng).
Khi có thể hãy giúp đỡ những người bên cạnh con. Bởi khi làm được việc tốt, tâm trạng chúng ta sẽ rất hân hoan.
Hãy cố gắng tăng thêm những hiểu biết xã hội bằng cách dành dù chỉ 30 phút mỗi ngày để đọc những cuốn sách (những điều mà trên lớp các thầy cô không thể dạy hết cho các con được).
Khi mắc lỗi hãy khoan tìm lý do biện minh mà hãy nghiêm túc xem xét lại chính bản thân (cô muốn chúng ta cùng nhau xóa bỏ văn hóa đổ lỗi, xây dựng văn hóa đối mặt và vượt qua khó khăn).
Học tập với tinh thần tự giác đừng vì sợ bị ai đó phạt, ai đó kỉ luật mà ngồi vào bàn học. Hãy ngồi vào bàn học vì sợ bị bỏ lỡ những điều thú vị mà những trang sách sẽ mang lại cho các con.
Hãy nghĩ Toán học là những người bạn hài hước và vui tính vì sự biến hóa của những con số.
Văn học là những câu chuyện tha thiết về tình đời, tình người.
Ngoại ngữ là một kênh truyền hình tuyệt vời đưa con đến những vùng đất với những nền văn hóa khác nhau.
Vật lý và Hóa học như những người bạn mới sẽ mang đến những điều mới mẻ, thú vị trong cuộc sống của chúng ta.
Sinh học sẽ như một người bạn thiên nhiên giúp con yêu và trân trọng sự sống và đôi khi sẽ như một vị "bác sĩ" giúp các con hiểu bản chất của những sự thay đổi của vạn vật và của chính cơ thể mỗi chúng ta.
Lịch sử giống như một phi thuyền thời gian đưa chúng ta quay ngược lại quá khứ để chứng kiến những giây phút sống động và chân thật nhất những gì đã diễn ra.
Địa lý như một tấm bản đồ lớn chỉ dẫn cho các con những vùng đất tươi xinh cùng đặc trưng kinh tế xã hội ở nơi mà con có thể sẽ có cơ hội được đặt chân đến.
Còn Thể dục, Âm nhạc và Mỹ thuật, nếu không thể trở thành vận động viên thì hãy là một công dân với cơ thể khỏe mạnh. Nếu không thể trở thành một nghệ sĩ thì hãy để âm nhạc và hội họa làm các con trở nên tinh tế và thiết tha với cuộc đời này hơn".
Cô giáo Nguyễn Phương Thảo (ngoài cùng bên trái) và học sinh.
Là một cô giáo trẻ, cô giáo Nguyễn Phương Thảo có quan niệm rất nhân văn và sâu sắc về giáo dục. Cô cho rằng: "Giáo dục là để trẻ được tự sống cuộc đời của mình, tự mình tìm và thụ hưởng hạnh phúc của riêng mình. Là thứ hạnh phúc được xây đắp từ suốt những tháng năm hồn nhiên, vui tươi và được tôn trọng của tuổi học trò. Là được cống hiến và cho đi những gì mình đã từng được thụ hưởng. Cuối cùng, cao cả nhất là để xây dựng một con người với nhân tính thiện lương!".
Được biết, ngoài thời gian lên lớp, cô Phương Thảo rất năng nổ trong các hoạt động xã hội, thiện nguyện.
Hoài Nam