"Cô giáo livestream" gây bão mạng xác nhận chưa tốt nghiệp đại học
(Dân trí) - "Hiện tại mình chưa tốt nghiệp Đại học Sư phạm vì năm ngoái quên đăng ký một tín chỉ, phải đợi sang năm học mới có thể đăng ký lại. Cho nên mình vẫn chưa ra trường vì "tai nạn" đó", Minh Thu nói.
"Cô giáo livestream" Trần Thị Minh Thu (sinh năm 1997, quê ở TP Vinh, Nghệ An) có những video hướng dẫn học môn Vật lý thu hút hàng trăm ngàn người xem trực tiếp. Nhưng ngay sau khi công khai thông tin còn là sinh viên, chưa tốt nghiệp ĐH Sư phạm, Minh Thu gặp phải một số ý kiến trái chiều và nhận xét không hay.
Trước đó, chia sẻ với phóng viên Dân trí, "cô giáo" Minh Thu thẳng thắn trả lời về vấn đề bằng cấp : "Hiện tại mình chưa tốt nghiệp Đại học Sư phạm vì năm ngoái quên đăng ký một tín chỉ, phải đợi sang năm học mới có thể đăng ký lại. Cho nên, hiện mình vẫn chưa ra trường vì "tai nạn" đó".
Tuy nhiên, khi công khai thông tin này, nữ sinh ĐH Sư phạm nhận được nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội. Một số người cho rằng Minh Thu chưa tốt nghiệp, chưa có bằng cử nhân sư phạm thì khó có thể tự xưng là giáo viên. Số khác cho rằng, rất nhiều người dạy gia sư cho học sinh cũng xưng thầy - cô giáo, đây là cách xưng hô phù hợp với đạo lý "một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy" của người Việt Nam.
Về phía cô giáo Minh Thu, thông qua Dân trí, cô khẳng định bản thân đủ kiến thức và khả năng đứng lớp.
Minh Thu chia sẻ: "Mình nghĩ tốt nghiệp hay chưa tốt nghiệp không phải vấn đề quá lớn. Mình cũng vẫn đang trong thời gian hoàn thành việc học và nhận bằng. Dù có bị chậm nhận bằng do lỡ không đăng ký tín chỉ nhưng mình cũng tự tin về kiến thức và kỹ năng dạy học của bản thân.
Mình đã đi dạy học từ khi còn là sinh viên nên đã có một chút kinh nghiệm và khả năng dẫn dắt, truyền tải kiến thức tới các bạn học sinh. Bên cạnh đó, mình vẫn sẽ trau dồi và hoàn thiện nhiều kỹ năng hơn".
"Cô giáo" Minh Thu tin rằng: "Với việc chia sẻ kiến thức thì bằng cấp không quan trọng bằng khả năng của giáo viên. Tuy nhiên, nếu muốn dạy học ở môi trường chính thống và chuyên nghiệp như trường cấp 3, đại học thì bắt buộc cần có bằng để chứng minh năng lực. Và mình vẫn luôn cố gắng để hoàn thiện nốt tín chỉ còn sót ở trường để nhận bằng.
Sau này, nếu không có cơ hội là giáo viên chính thức của một trường nào đó, mình vẫn mong muốn có một lớp học nho nhỏ để vừa dạy Vật lý, vừa chia sẻ về khía cạnh tâm lý cho các bạn học sinh", Minh Thu chia sẻ.
Bén duyên với nghề dạy học, Minh Thu nhận thấy đây là một nghề giàu tình cảm. Cô cho biết, khoảng thời gian trước khi giãn cách, học sinh phải học xuyên ngày đã ở lại nhà cô nấu cơm. Cô cũng coi các em học sinh cấp 3 như là em trai, em gái nên cũng muốn trò chuyện nhiều hơn để hiểu tâm lý các em.
Không chỉ là hướng đến là một giáo viên có chuyên môn tốt, Minh Thu mong muốn cô có thể giúp đỡ được cả về mặt tâm lý, tinh thần cho các em học sinh mỗi khi gặp phải vấn đề nào đó. Đó cũng là lí do cô thường xuyên đưa ra các đề tài trò chuyện thân thiện với học trò trong các buổi học.
Theo nữ sinh trường ĐH Sư phạm Hà Nội, trong quá trình học tập, cô không có quá nhiều thành tích nổi bật. Các môn chuyên ngành của Minh Thu có điểm cao hơn môn lý luận. Cô cũng tích cực tham gia các hoạt động của trường tổ chức để rèn luyện và phát triển nhiều kỹ năng mềm khác.
Với quan điểm sống "thích sự lạc quan, tích cực, luôn muốn chia sẻ năng lượng tích cực đến với tất cả mọi người", Minh Thu mong rằng trong tương lai, cô sẽ trau dồi được thêm nhiều kỹ năng, kinh nghiệm để đem đến được những kiến thức bổ ích nhất cho các bạn học sinh.
Sau cùng, nữ sinh mong muốn mọi người biết đến và theo dõi livestream của "cô giáo" Minh Thu vì nội dung bài giảng chứ không phải đời sống cá nhân như chuyện tình cảm. Và cô xin phép không tiết lộ trạng thái tình cảm của bản thân với mọi người.