1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Hà Tĩnh:

Cô giáo lặng người khi đọc bức thư của học trò gửi ngày 20-11

(Dân trí) - "Tình cảm của em gửi đến cô khó có thể bằng lời mà nói ra hết được. Cô luôn nhẹ nhàng, hiền dịu, dành sự quan tâm đặc biệt cho em. Những lần em bị các bạn bắt nạt, trêu chọc, cô luôn bảo vệ, an ủi em. Những lúc đó, cô như người mẹ hiền bảo vệ em trước những con người xấu xa. Những giờ cô giảng bài đều tạo cho em niềm say mê với môn Văn, là có chút bay bổng, chút lãng mạn nhưng rất chân thực..."

Bức thư của em Nguyễn Thị Thu Thảo (SN 1998), cựu học sinh Trường THCS & THPT dân tộc nội trú Hà Tĩnh, hiện là sinh viên năm 3 trường Đại học Nông lâm Huế gửi cô giáo Phạm Thị Phương nhân ngày 20/11, không những đã chạm sâu tới tận đáy lòng của riêng cô giáo mà đã làm rung động trái tim của những thầy cô giáo khác.

Em Nguyễn Thị Thu Thảo - tác giả của bức thư
Em Nguyễn Thị Thu Thảo - tác giả của bức thư

Nội dung bức thư Thảo viết:

Cô thân thương!

Hôm nay, em viết thư này thân gửi đến cô, người giáo viên kính mến nhất của em.

Năm tháng qua đi cùng đời người, nhưng có những điều có đôi khi một phút giây mình nói hết, có những câu chuyện mà có lẽ mãi chưa dám nói ra cô ạ.

Huế mơ mộng đã bước vào cái se lạnh của tiết trời chuyển mùa, cũng là những ngày cận kề của chuỗi ngày thi kết thúc học phần sắp tới. Cứ những lúc khó khăn, em lại cứ hay mông lung nghĩ về con đường em đang đi, tự vấn bản thân rằng mình có đi đúng hướng hay không cô ạ.

Tự hỏi bản thân rằng, một học sinh học khối C như em mà bỏ ngang sang học khối A thì rồi mai này sẽ ra sao. Dù rằng em học chưa thật giỏi. Khi cái đam mê và sự cố gắng thì không bao giờ có một điểm chung để cùng tiến thẳng lên phía trước. Đã có lúc em nghĩ như vậy cô ạ. Nhưng, từng ngày trôi qua, kiến thức ngành đã tô điểm thêm cho em thêm về đam mê với ngành em lựa chọn. Chỉ là, có đôi khi, em hơi có một chút gọi là luyến tiếc cho cái niềm đam mê Văn học mới chớm làm nụ đã vội không nở.

Nhưng, cứ mỗi lần em cảm thấy khó khăn, nản lòng, em chỉ muốn gọi điện để tâm sự cùng với cô, để được cô an ủi. Cô luôn nhẹ nhàng, ân cần lắng nghe những điều em kể rồi động viên, chia sẻ với em tất cả mọi chuyện của em, ngay cả những điều nhỏ nhất nhặt nhất.

Em vẫn còn nhớ như in những ngày hai cô trò cùng ôn thi học sinh giỏi, cô luôn tận tình từng chút một để giảng giải, phân tích cho em từng tác phẩm, từng khía cạnh xã hội. Cô chưa từng một lần, một lời nặng nhẹ với em. Khi em không đạt được giải thưởng, em buồn một nhưng cô còn buồn nhiều hơn em, một năm cô luôn tận tình phụ đạo mà em chưa thật sự cố gắng để báo đáp công ơn của cô. Nhưng cô vẫn luôn an ủi em rằng: Mỗi một cuộc thi lại thêm một lần cọ xát, một lần thử thách bản thân thôi, em đừng buồn, sang năm mình lại cố gắng hơn nhé. Cô không trách em lại càng trách bản thân mình nhiều hơn.

Cô giáo Phạm Thị Phương, người gieo mầm tương lai cho bao thế hệ học sinh qua những bài giảng văn hay làm lay động tâm hồn con trẻ
Cô giáo Phạm Thị Phương, người gieo mầm tương lai cho bao thế hệ học sinh qua những bài giảng văn hay làm lay động tâm hồn con trẻ

Em vẫn nhớ cái ngày báo tin giải, em đã khóc rất nhiều, em tự trách bản thân sao không chịu cố gắng hơn, sao không phấn đấu nỗ lực nhiều hơn, cứ như vậy thì làm sao có thể thi thố nổi với người ta để mà bước vào cánh cổng đại học mình mong muốn. Mấy ngày sau đó, em đã suy nghĩ rất nhiều, em băn khoăn và bị rối cả tâm trí và cảm xúc.

Em lo cho cánh cổng đại học một thì em lo cho công việc sau khi ra trường gấp nhiều lần. Em lo, cứ như vậy thì ra trường làm sao có việc. Đúng rồi, mình phải tìm một ngành mà phải hot trên mạng, rằng ngành đó khi ra trường khả năng có việc là trên 50%. Em lựa chọn ngành chăn nuôi một phần vì yêu thích phần vì lí do đó. Nghĩ xong là em chuyển khối học. Có lẽ, lúc đó, cô buồn nhiều lắm phải không cô, cô buồn vì em, một học trò không đủ ý chí để theo đuổi cái đam mê của mình. Em chỉ muốn nói rằng em cảm ơn và xin lỗi cô nhiều lắm.

Học tập và sinh hoạt dưới mái nhà chung nội trú, tình cảm của thầy cô dành cho học sinh chúng em cũng khác với tình cảm của các học sinh cùng trang lứa ở các trường khác. Thầy cô lo từng bữa ăn, canh từng giấc ngủ sao cho bọn em ăn cơm no nhất, có giấc ngủ sâu nhất, mùa đông có nước nóng tắm, có khu vui chơi giải trí sau những giờ học căng thẳng để chúng em với đi nỗi nhớ nhà, nhớ bố mẹ… Thầy cô thật sự là những người cha, người mẹ thứ hai của chúng em.

Tình cảm của em gửi đến cô khó có thể bằng lời mà nói ra hết được. Cô luôn nhẹ nhàng, hiền dịu, dành sự quan tâm đặc biệt cho em. Những lần em bị các bạn bắt nạt, trêu chọc, cô luôn bảo vệ, an ủi em. Những lúc đó, cô như người mẹ hiền bảo vệ em trước những con người xấu xa. Những giờ cô giảng bài đều tạo cho em niềm say mê với môn Văn, là có chút bay bổng, chút lãng mạn nhưng rất chân thực.

Ngày tổng kết năm học lớp 12, cô trò ôm nhau chia tay, giây phút đó em đã rất xúc động, mọi kỷ niệm của hai cô trò cứ ùa về làm em không kìm nổi những giọt nước mắt. Em vui, vì sau 12 năm miệt mài đèn sách nay mình có thể một bước gần hơn chạm tay đến cánh cổng Đại học, em cũng buồn vì từ nay không còn được nghe những bài giảng của cô, được cô bảo vệ khi bị người khác bắt nạt; từ nay trở đi, em phải tự chống chọi với những người ức hiếp em, em phải mạnh mẽ để còn đối mặt với bao khó khăn, thử thách trong cuộc sống này.

Em Thảo gửi bó hoa tươi thắm kèm bức thư tặng cô giáo yêu quý của mình.
Em Thảo gửi bó hoa tươi thắm kèm bức thư tặng cô giáo yêu quý của mình.

Đôi khi, cuộc sống này mệt mỏi quá cô ạ; thị phi có, bon chen, chèn ép nhau có. Có khi em bị bế tắc, bị mắc kẹt giữa tất cả mọi chuyện. Không biết nút thắt ở đâu mà gỡ, không biết phải bắt đầu từ đâu mới gỡ rối được công việc. Khi đó, thực sự em chỉ muốn buông tay, mặc kệ tất cả mọi chuyện, em không có ai ở bên cạnh, không có lấy một người để có thể chia sẻ mọi chuyện. Em chỉ biết lấy ra một tờ giấy để ghi ra hết những chuyện buồn rồi xé nó đi, như là xé đi những muộn phiền ở trong lòng mình. Có khi em cũng lấy ra những cuốn vở ngày xưa cô dạy để tìm lại chút kỉ niệm của hai cô trò để rồi mỉm cười lấy động lực vượt qua mọi chuyện.

Cô có còn nhớ cuốn sổ đầu tiên cô tặng em không ạ, cô có ghi: “Trên con đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng. Hãy nỗ lực phấn đấu để thành công em nhé- 2014”.

Ngót nghét 4 năm rồi cô ạ, nhưng em mãi vẫn giữ gìn cuốn sổ đó, em luôn mang theo bên mình để mong rằng cô vẫn luôn nhìn em, vẫn đang động viên em từng ngày để em có thể mạnh mẽ, tự tin đối mặt với cuộc sống này. Cô luôn dạy em, làm gì cũng hướng đến giá trị Chân - Thiện - Mỹ, sống là tận hiến và tận hưởng; bản thân khi tặng hoa cho người khác thì tay mình đã lưu lại hương thơm. Sống hết mình, nhiệt huyết với tuổi trẻ để không luyến tiếc, vướng bận về sau. Đừng so đo, tính toán với đời nhiều quá, sống có trách nhiệm, sống để mình không phải hổ thẹn với lòng mình. Những bài học đắt giá đó luôn là hành trang theo em suốt cả cuộc đời này.

Học cấp 3 thì chỉ muốn bước chân ra ngoài nhanh nhanh để còn ngắm nhìn, khám phá thế giới ngoài kia; có thể đó là đô thị, tấp nập ngoài kia, là một miền đất nơi xứ lạ. Ra rồi, lại chỉ muốn quay trở lại, rúc đầu trong chăn ấm những ngày mùa đông mà chẳng cần lo ngày mai ăn gì. Khoảng thời gian học nội trú sướng quá: có người nấu cho ăn, có người canh cho từng giấc ngủ - thế mà vẫn cảm thấy khổ. Ra đời rồi mới biết, cơm nội trú ngon như thế nào, từng xô nước ấm để tắm giá trị ra sao… Hẳn, khi ra trường, ai cũng ước rằng một ngày cho phép được quay về làm học sinh trường nội trú!

Cuộc sống ngoài kia không hề đơn giản: vất vả, bon chen… nhưng phải tự tìm niềm vui trong cuộc sống phải không cô. Em vẫn luôn tìm cho mình những niềm vui rất riêng, rất ý nghĩa. Định hướng nghề, hướng về tương lai nên em cần thực tế hơn, em không còn theo học khối C nhưng đâu ai cấm em học Văn, học Sử; học Văn để biết yêu và trân quý cái đẹp, để nhìn ra trong sâu thẳm con người Chí Phèo là cả niềm khát khao được sống đúng nghĩa của một CON NGƯỜI, được hạnh phúc; học Sử để còn yêu những trang sử hào hùng của dân tộc, để luôn ghi nhớ công ơn những anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì sự nghiệp bảo vệ tổ quốc, để tự nhắc bản thân phải luôn có ý chí bộ đội cụ Hồ, là tiên phong trong sự nghiệp xây dựng và bảo Tổ quốc.

Cho em xin gửi lời cảm ơn chân thành, sâu sắc nhất đến Cô, người cô giáo đáng mến nhất của em. Người giáo viên mà có lẽ đã mãi ở trong tâm trí em, nhớ về Cô là nhớ về những kỉ niệm đẹp nhất của thời áo trắng hồn nhiên, trong sáng của em.

Cô mến thương, sắp tới là Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, em kính chúc Cô và thầy cô trong trường THCS & THPT DTNT Hà Tĩnh cùng toàn thể quý thầy cô giáo trên mọi miền đất nước luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, mãi vững tay chèo đưa lớp lớp học trò chúng em sang sông.

“Một đời người, một dòng sông

Mấy ai làm kẻ đứng trông bến bờ

Muốn qua sông phải lụy đò

Đường đời muôn bước cậy nhờ người đưa…”

Học trò thân mến!

Thảo.

Thầy giáo Đặng Bá Hải, Hiệu phó Trường Trường THCS & THPT dân tộc nội trú Hà Tĩnh cho biết, bức thư của nữ cựu học sinh nhà trường đã làm rung động trái tim của những thầy cô giáo của nhà trường. "Bản thân cô giáo Phương đã khóc không cầm được nước mắt khi đọc lá thư của em Thảo. Cô Phương nói đó là món quà quá lớn mà cô nhận được trong ngày lễ đặc biệt này. Đọc bức thư cô Phương nói, cô tin em Thảo sẽ thành công trong học tập và trên đường đời bởi những nỗ lực vượt khó không ngừng, biết trân trọng những những giá trị cao đẹp của cuộc sống"- thầy Hải nói.

Hà Phương