Cha mẹ đang đưa tay đẩy con ra xa mình
(Dân trí) - Cẩu thả trong lời ăn tiếng nói với con, "quăng" con cho công nghệ, không tập thói quen đọc sách từ bé cho con... Chính phụ huynh đưa tay đẩy con ra xa mình.
Những lời cảnh báo trong giáo dục con trẻ đã được đặt ra tại buổi tọa đàm với chủ đề "Mẹ con ta là tri kỷ" diễn ra tại TPHCM.
Đẩy con xa mình
Bà Lương Phương Mai, hiệu trưởng Trường Mầm non BabyBees Phúc Long bày tỏ phụ huynh đang có xu hướng "buông" con cho công nghệ. Khi ăn thì mở tivi, hoạt hình cho con; cần làm việc hay tám với bạn bè thì... thả con chiếc điện thoại, ipad cho xong.
Bố mẹ quên mất việc cần tiếp xúc với con, chơi với con, nhìn vào mắt con, vui buồn cùng con. Và đó là cách đẩy con ra khỏi mình nhanh nhất, nguy hại nhất.
Cố vấn giáo dục Trịnh Thị Phương Thảo, từng dạy học ở Mỹ cho hay bà còn thấy một thực trạng nhiều gia đình hiện nay "khoán" con cho giúp việc. Người giúp việc đưa đón, ăn ngủ, giao tiếp với trẻ nhiều hơn bố mẹ.
Chính điều này có thể dẫn đến việc giáo dục trẻ bị "lệch pha" với những giá trị truyền thống của gia đình và rất khó để "cứu chữa".
Dạy con: Không cần làm điều vĩ đại
Trên hành trình nuôi dạy con, không ít phụ huynh theo đuổi hoặc tự trách mình không thể làm được những điều to tát, vĩ đại cho con. Đó có thể là phải kiếm tiền nhiều tiền hơn, học trường tốt hơn, đồ dùng đắt tiền hơn...
Thế nhưng, ít ai tỉnh táo để nhận ra đó không hẳn là điều đứa trẻ cần. Thứ những đứa trẻ cần hơn chính là được "thụ hưởng" cho mẹ một cách chất lượng nhất.
Dành thời gian, trả nghiệm cùng con là cách giáo dục giáo dục con trẻ hiệu quả nhất. (Ảnh minh họa)
Rất nhiều người ra ngoài khéo léo, vui vẻ, ăn nói cẩn trọng nhưng đổi lại, với con lại rất cẩu thả, thiếu tôn trọng. Theo bà Trịnh Thị Phương Thảo, mỗi phụ huynh cần tiết chế, thận trọng trong lời ăn tiếng nói với con. Qua giao tiếp với bố mẹ, chính là cách trẻ học và nhìn nhận về cuộc sống, sự việc một cách mạnh mẽ nhất.
Cha mẹ cần dành thời gian chất lượng cho con trẻ. Hãy tận dụng mọi cơ hội để trò chuyện, trải nghiệm cuộc sống cùng con từ những điều bình thường, giản dị nhất.
"Dù phụ huynh dù bận rộn đến mấy thì trong ngày cũng cần duy trì bữa ăn tối với đầy đủ các thành viên. Qua các câu chuyện, qua ánh mắt, nụ cười..., chúng ta sẽ biết con mình như thế nào và con cũng sẽ biết tâm trạng bố mẹ. Đó chính là sự gắn kết, chia sẻ", bà Thảo nhấn mạnh.
Quá trình trải nghiệm, đồng hành cùng con, bà Thảo lưu ý phụ huynh cần luôn biết cách khuyến khích, khen ngợi khi trẻ làm tốt và giải thích vấn đề khi trẻ hoàn thiện mình... để tạo niềm tin cho con trẻ.
"Làm bạn với con là một điều rất hạnh phúc, nhất là khi con tin tưởng mình. Nhưng rất nhiều bố mẹ chúng ta chạy theo những mục tiêu khác bỏ lỡ điều này quý giá này trong cuộc đời", bà Thảo cảnh báo.
Người Việt "chơi" điện thoại, người Mỹ đọc sách
Tại buổi giao lưu, bà Trịnh Thị Phương Thảo nói rằng: "Ở phi trường, nhóm nào xúm đầu vào điện thoại, ipad thì hầu hết đó là người châu Á. Còn người yên tĩnh ngồi đọc sách thì dễ thấy đó là châu Âu hoặc người Mỹ".
Dạy mầm non ở Mỹ 6 năm, mới đầu bà Thảo cũng từng ngạc nhiên khi thấy giáo án trong trường mầm non ở Mỹ luôn có giờ đọc sách vì nghĩ... trẻ tuổi đấy biết gì mà đọc. Và bây giờ thì bà đã hiểu, tại sao một đứa trẻ 6 - 7 tuổi, sau khi biết chữ các em lại có thể cầm sách đọc say mê đến thế.
Ở Mỹ, người mẹ khi có bầu đã rất ý thức đến việc đọc sách cho con từ trong bụng, đọc sách cho con trước khi đi ngủ, khi ngồi trong ghế ăn dặm...
Bà Thảo tin rằng, đọc sách là cách hiệu quả nhất để nuôi dưỡng tâm hồn trẻ. Nếu cha mẹ tạo thói quen này cho con chắc chắc sách có thể "ngăn" sự xâm chiếm tiêu cực từ công nghệ.
Hoài Nam