Cô giáo dành 22 năm chăm sóc trẻ tự kỷ

(Dân trí)- “Chúng ngô nghê, dễ thương thế nên tôi cũng không đành bỏ đi. Vả lại cũng không đành để người khác làm những công việc cực khổ này”, cô Trần Thị Mỹ Dung, người đã 22 năm dấn thân chăm sóc trẻ khuyết tật, tự kỷ ở trường chuyên biệt Tương Lai (Q5, TPHCM) tâm sự.

Năm 1988, cơ duyên đưa cô gái trẻ Trần Thị Mỹ Dung đến với những trẻ chuyên biệt rất đơn giản khi một lần cùng bạn bè đến thăm các trẻ tại Trường chuyên biệt Tương Lai (Q.5). Nhìn những đưa trẻ thiệt thòi ở đây khiến cô chạnh lòng và quyết định gắn bó với các em. Thấm thoát cũng đã 22 năm, từ một người không kinh nghiệm, nhưng sau hàng chục năm dấn thân, tìm tòi học hỏi, giờ đây, cô không chỉ dạy cho các trẻ thiểu năng, chậm phát triển mà còn tìm ra những phương pháp hay để đến gần với trẻ tự kỷ hơn.
Cô giáo dành 22 năm chăm sóc trẻ tự kỷ - 1
Lớp học đặc biệt của cô Trần Thị Mỹ Dung.

Trong một phòng học nhỏ ở tầng 3 của Trường chuyên biệt Tương Lai, cô Dung đang dạy cho học trò tô màu. Lớp học chỉ 9 em thôi, nhưng cô phải rất vất vả. Bởi mỗi em mỗi hoàn cảnh riêng: em thì chậm phát triển, em thì bị hội chứng down và 3 em bị tự kỷ. Cứ thi thoảng đang tô màu, thì có em bỏ giấy bút ngồi bệt xuống đất, em thì chạy lung tung khắp phòng thế là cô lại phải chạy đến dỗ dành mãi các em mới ngoan ngoãn quay về chỗ.

Những giọt mồ hôi lấm tấm trên gương mặt nhưng cô chỉ cười bởi đó chỉ là một phần công việc của cô. Nhà ở tận quận Tân Bình, mỗi ngày cô phải thật sớm để có mặt ở trường lúc 6 giờ 30, bắt đầu công việc từ thời điểm đó cho đến tận 6 giờ tối. Không chỉ dạy các em học chữ, làm toán… mà cô còn kiêm luôn cả việc cho ăn, vệ sinh, tắm táp và trực luôn cả giấc ngủ trưa của các em.

Cô Hà Thị Bích, hiệu trưởng Trường Tương Lai, chia sẻ: “Tôi đã từng hơn 20 năm làm công tác ở mầm non, vốn được xem là môi trường vất vả nhất. Nhưng khi sang môi trường này mới thấy công việc của các giáo viên còn khó khăn gấp bội lần. Phải thật sự có tâm, lòng yêu nghề và yêu trẻ mới có thể gắng bó với các em được”.

Cô giáo dành 22 năm chăm sóc trẻ tự kỷ - 2
Cô Mỹ Dung kèm các học trò đặc biệt.

Đúng là phải thật yêu nghề cô Dung cũng như các giáo viên ở đây mới đứng vững được ngần ấy năm trời. Lúc nào cũng phải dõi mắt theo các em nên những buổi ăn trưa của các cô ở đây cũng rất vội vã. Còn giấc ngủ trưa cũng thật “xa xỉ” với các cô.
 
“Trong các em ở đây một số em còn bị kèm cả chứng động kinh, đó còn chưa kể mặc dù các em chậm về trí não nhưng vẫn phát triển về mặt sinh lý nên các cô ở đây kiêm luôn “vệ sĩ” gần như suốt 24/24”, cô Bích cho biết.

Những chuyện buồn, tai nạn đến với người làm nghề này là chuyện thường. Các em học ở đây nhỏ nhất là 4 tuổi và nhiều em cũng đã 18 tuổi, nhưng đều hành động như con nít. Đặc biệt, các em đều gặp khó khăn về giao tiếp, giới hạn về ngôn ngữ. Nhiều lúc không biểu lộ được ý muốn nên các em có những hành động bức xúc quá mức như tự cào cấu, làm tổn thương mình hoặc tấn công cả cô giáo. Nhưng tất cả đã không làm chùn bước chân cô.

Cô giáo dành 22 năm chăm sóc trẻ tự kỷ - 3
Cùng chơi để hòa cùng vào thế giới riêng của trẻ tự kỷ.

Là người luôn trăn trở với những khó khăn của ngành khuyết tật và đặc biệt là với trẻ tự kỷ, cô Dung tâm sự: “Lúc mới vào gặp các trẻ tự kỷ mình cũng rất bức xúc, cứ suy nghĩ mãi làm thế nào để hiểu các em”. Thế rồi, không chịu “bó gối”, cô bắt đầu tìm hiểu các tài liệu, nghiên cứu về căn bệnh này. Không cần phân công, cứ nghe ở đâu mở các khóa học hướng dẫn về dạy trẻ khuyết tật, tự kỷ là cô đăng ký học ngay.

Cuối cùng cô phát hiện, trẻ tự kỷ không có mẫu số chung, mỗi trẻ sống trong một thế giới riêng của mình nên phải tìm đúng bệnh từng em mới có thể tiếp cận và cho chúng thấy an toàn. Ở lớp của mình, cô thuộc lòng từng đặc điểm của trẻ. Đó là bé Thảo (10 tuổi) xinh xắn, vào đây từ lúc 5 tuổi. Lúc mới vào không ai tiếp xúc được với em, mỗi khi có người chạm vào tay thì lập tức co rút lại, đưa lên mũi ngửi và liên tục phủi chỗ có người vừa chạm vào. Còn cháu Đạt cũng vào đây 3 năm thì có đặc điểm cứ vuốt tóc người khác và không ngồi yên một chỗ…

Với mỗi trẻ, cô Dung có nhiều cách như làm cùng để chúng cảm thấy cô hòa cũng vào thế giới của mình, an tâm đón nhận sự hướng dẫn của cô. Giờ đây, các em đã biết gọi một số từ, biết viết chữ, và đã biết cười. Vui nhất là nhiều em luôn gọi cô trìu mếm bằng “Mẹ”.

Cuộc sống hôn nhân không trọn vẹn, cô Dung ở vậy nuôi hai con gái đã 8 năm nay. Nhiều lúc tất bật, phải gửi con cho bà ngoại đôi lúc cũng làm cô muốn buông xuôi. Nhưng đó chỉ là suy nghĩ thoáng qua. Khi chúng tôi hỏi công việc đặc biệt này có khi nào làm cô nản lòng, cô Dung tâm sự: “Nhìn các cháu vậy nhưng cũng rất tình cảm và quan tâm đến mình. Lúc tôi mệt, buồn các em lại hỏi “Cô bị đau hả, con đấm lưng cho cô nhe”. Chúng ngô nghê, dễ thương thế nên tôi cũng không đành bỏ đi. Vả lại cũng không đành để người khác làm những công việc cực khổ như thế này”.

Với những cống hiến thầm lặng, cô Trần Thị Mỹ Dung vừa được trao tặng Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2010, giải thưởng dành cho những giáo viên xuất sắc đã cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của TPHCM. 

Lê Phương