Nỗi niềm cô giáo dạy trẻ tự kỷ
(Dân trí) - “Cũng nhiều khi mệt mỏi chứ, nhưng khi thấy học trò làm được điều gì mới là hạnh phúc lắm. Có hôm phụ huynh gọi điện đến khoe hôm nay con mình nói được hai từ “Đẹp quá!” mà mình và phụ huynh cùng rơi nước mắt hạnh phúc đấy".
Đó là tâm sự chân thành của cô Võ Thị Thùy Giang, 33 tuổi, giáo viên Trường chuyên biệt Niềm Vui (TP Tuy Hòa, Phú Yên).
Duyên nghề
Vốn là sinh viên ngành ngoại ngữ Trường đại học Đà Lạt, nhưng khi ra trường Võ Thị Thùy Giang quyết định chọn nghề giáo làm sự nghiệp của mình. Điều đặc biệt là Giang đã chọn ngôi trường chuyên biệt Niềm Vui, nơi học sinh là những đứa trẻ khiếm thính, trẻ chậm phát triển, thiểu năng trí tuệ…
“Lúc đầu khi có quyết định về trường mình cũng băn khoăn dữ lắm. Phần vì nghe nói công việc này vất vả, khó khăn, phần thì mình cũng không có chuyên môn dạy những đứa trẻ đặc biệt thế này. Nhưng quá yêu nghề giáo nên mình quyết định về dạy ở trường Niềm Vui”.
Sau một khóa học về ngành Chậm phát triển trí tuệ tại Đại học Hà Nội, năm 2001, Giang chính thức về giảng dạy tại trường Chuyên biệt Niềm Vui.
Ban đầu Giang được phân công dạy trẻ khiếm thính. Những ngày đầu đứng trên bục giảng, người giáo viên trẻ không khỏi bỡ ngỡ, nhất là khi ngồi dưới kia là những đứa trẻ khiếm thính, không thể nghe được lời cô giáo giảng. Nhưng chứng kiến niềm khát khao được học tập của các em học sinh không được may mắn này, Giang như được tiếp thêm nhiệt huyết đế theo đuổi nghề đã chọn.
Năm 2008, trường Chuyên biệt Niềm Vui mở thêm các lớp dành cho trẻ tự kỷ, Giang chuyển sang đảm nhiệm lớp Can thiệp sớm (dành cho trẻ mắc bệnh tự kỷ dưới 6 tuổi). Được theo đúng chuyên môn đã đào tạo, Giang càng trở nên hào hứng với nghề.
“Những đứa trẻ này đều là con tôi”
Dù được đào tạo bài bản về chuyên ngành chậm phát triển trí tuệ, khi thực sự tiếp xúc với các trẻ tự kỷ, Giang cũng gặp không ít khó khăn.
“Lúc đầu tiếp xúc với các em mình cũng sợ lắm. Khi mới đến trường, các em đều có những biểu hiện bất thường như la hét, chạy nhảy, nói quá nhiều… thậm chí là đánh và cắn cả cô giáo. Nhưng khi đã quen rồi thì mình thấy thương lắm, thương như con của mình ấy”, Giang tâm sự.
Dạy trẻ tự kỷ khá phức tạp vì không hề có giáo án hay phương pháp cụ thể mà hầu hết là tùy vào tình trạng của từng trẻ để có cách dạy và trị liệu riêng. Hiện tại lớp cô Giang có 6 học sinh, mỗi em mỗi chứng bệnh. Em thì thu mình vào một thế giới riêng, không nói chuyện với ai, em thì nói quá nhiều, em lại mắc chứng quá động không chịu tập trung… Ngay từ đầu năm học, Giang đã kiểm tra bệnh và lên kế hoạch giảng dạy riêng cho từng em.
Theo Giang, dạy trẻ tự kỷ điều cốt yếu là phải thực sự kiên nhẫn. Khi đến trường các em đã lên 6, 7 tuổi nhưng như “trẻ sơ sinh”, không biết bất cứ kỹ năng xã hội nào. Kể cả đơn giản như nói chuyện, cầm nắm, mặc áo quần, đi vệ sinh…
Có những em bệnh nặng, chỉ hành vi cầm nắm mà cả năm trời các em vẫn không thực hiện được. Thậm chí việc tập cho một em học sinh ngồi yên 15 phút cũng là nỗ lực cả tháng trời của Giang. Nhiều lúc đi dạy về đến nhà là mệt nhoài, nói không ra tiếng mà học sinh thì không tiến bộ Giang cũng thấy nản.
“Cũng nhiều khi mệt mỏi chứ, nhưng khi thấy học trò làm được điều gì mới là hạnh phúc lắm. Có hôm phụ huynh gọi điện đến khoe cô giáo hôm nay con mình nói được hai từ “Đẹp quá!” mà mình và phụ huynh cùng rơi nước mắt hạnh phúc đấy”, Giang chia sẻ.
Để có thể dạy tốt, Giang thường xuyên tìm kiếm thêm tài liệu, tham khảo các phương pháp mới của nước ngoài trên Internet để đưa ra những phương án điều trị tốt nhất cho các em.
Cười trìu mến khi nói về học sinh của mình, Giang tâm sự: “Bây giờ mình không hề nghĩ học sinh mình là những đứa trẻ bị bệnh thiểu năng hay chậm phát triển nữa. Đối với người ngoài các em có vẻ hơi đáng sợ, nhưng với mình các em luôn là những thiên thần đáng yêu”.
Nỗi niềm ngày 20/11
Gần 10 năm trong nghề với bao nhiêu kỷ niệm, Giang có nhiều những nỗi niềm mà chỉ những ai đã từng trải qua nghề dạy trẻ tự kỷ mới thực sự thấu hiểu.
“Cũng là giáo viên nhưng ngày 20/11 những cô giáo dạy trẻ tự kỷ như tụi mình ít khi được nhận hoa của học trò lắm. Mới năm ngoái đây thôi, một phụ huynh đưa hoa cho con mình nói lên tặng cô, em ấy cầm rồi ném bẹt xuống đất ngay trước mặt mình. Lúc đó cũng thấy hơi tủi thân nhưng mà thương học trò rớt nước mắt”.
Nhưng đó không phải là điều trăn trở của người giáo viên tâm huyết này, bởi với Giang, niềm vui khi thấy học sinh của mình tiến bộ chính là món quà lớn nhất. Điều khiến Giang lo lắng là nhiều phụ huynh chưa thực sự hợp tác trong việc dạy trẻ tự kỷ.
Do tính đặc thù của học sinh tự kỷ là luôn cần thường xuyên tác động nên sự phối hợp của giáo viên và phụ huynh là điều thực sự cần thiết.Tuy nhiên, phụ huynh của trường chủ yếu là những người có mức sống trung bình, việc mưu sinh hàng ngày quá bận rộn nên khó lòng quan tâm các em thường xuyên. Ngoài ra cũng không hiếm những phụ huynh xem trường là nơi “giữ trẻ”, hoàn toàn phó thác việc dạy dỗ cho cô giáo. Do đó không hiếm những trẻ sau khi nghỉ hè, quay trở lại trường thì trở lại như ban đầu, thậm chí bệnh còn nặng hơn.
Cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học chưa đáp ứng nhu cầu giảng dạy cũng là điều cô Giang quan tâm. Để thu hút trẻ tự kỷ tập trung thường cần đồ chơi đẹp, màu sắc bắt mắt, đa dạng và thường xuyên phải thay đổi vì trẻ nhanh chán. Giang cho biết: “Hiện tại, dù được nhà trường hết sức tạo điều kiện nhưng mới chỉ đáp ứng được phần nào nhu cầu dạy và học. Đôi khi các cô phải làm thêm đồ chơi cho các em, nhưng làm sao mà đẹp và hấp dẫn bằng đồ chơi sản xuất được”.
Dù điều kiện dạy học khó khăn, công việc vất vả và nhiều áp lực, Giang khẳng định chắc nịch: “Bây giờ dù có công việc nào tốt hơn, lương cao hơn mình cũng không bao giờ đánh đổi”. Nhìn nụ cười ấm áp và ánh mắt trìu mến Giang dành cho những đứa học trò bé bỏng, tôi tin lời chị.
Khánh Hằng