Cô giáo 9X với nhiều giải thưởng ấn tượng

(Dân trí) - Chủ nhân của ý tưởng về “hũ kẹo yêu thương” nhân niềm vui, san nỗi buồn đang được nhiều giáo viên áp dụng là một cô giáo 9X với nhiều giải thưởng ấn tượng, trong đó có giải Nhất tại Chung kết hội thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin cấp quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức.

Cô giáo trẻ - ý tưởng nhỏ - hiệu quả lớn

Tác giả của ý tưởng về “Hũ kẹo yêu thương” cùng lời dẫn đặt ra những tình huống niềm vui - nỗi buồn của học trò là cô Trần Thị Quỳnh Anh (sinh năm 1992, hiện là giáo viên dạy Văn tại Trường THPT Trưng Vương, quận 1, TPHCM).


Hũ kẹo hạnh phúc của cô giáo giáo trẻ Trần Thị Quỳnh Anh trong lớp 10A12, Trường THPT Trưng Vương, TPHCM.

Hũ kẹo hạnh phúc của cô giáo giáo trẻ Trần Thị Quỳnh Anh trong lớp 10A12, Trường THPT Trưng Vương, TPHCM.

Cô Quỳnh Anh kể, trước khi có cái hũ, mỗi khi nhận lớp trong lần đầu gặp học sinh hay thứ 2 đầu tuần, cô đã thích phát kẹo cho học sinh. Cô nói với các em đó là kẹo hạnh phúc, ăn để cho những khởi đầu bớt mệt mỏi. Sau đó, cô nghĩ thay vì phát kẹo cho các em, mình nên trao quyền chủ động cho học sinh. Cô mang đến lớp cái hũ, sau đó các em sẽ tự bỏ kẹo vào hay lấy kẹo ra trong những tình huống san sẻ niềm vui, nỗi buồn hay là một lời cảm ơn, xin lỗi.

Trong lớp cô Quỳnh Anh chủ nhiệm, chiếc hũ đựng kẹo trở thành một “thành viên” trong lớp, được đặt ngay ngắn trên bàn với dòng chữ “Cái hũ hạnh phúc - 10A12’s Jar of Happiness”.

Chỉ một hũ kẹo thôi nhưng cô Quỳnh Anh nhìn thấy được sự lớn lên, sự tự giác và ý thức sẻ chia của học sinh. Có nhiều giáo viên bộ môn vào dạy được học sinh mời ăn kẹo, thầy cô vui lắm khen học trò tình cảm, vào lớp dạy thấy không khí vui vẻ hơn nhiều.

Cô giáo 9X với nhiều giải thưởng ấn tượng - 2

Giáo viên khắp nơi đang chia sẻ và áp dụng hũ kẹo hạnh phúc vào lớp học
Giáo viên khắp nơi đang chia sẻ và áp dụng hũ kẹo hạnh phúc vào lớp học

Ý tưởng “Hũ kẹo yêu thương” của cô Quỳnh Anh đang được giáo viên nhiều nơi nhân rộng. Cả những giáo viên không quen biết cũng gửi hình ảnh về hũ kẹo họ đang thực hiện ở lớp để chia sẻ niềm vui cũng như gửi lời cảm ơn cô. Đó cũng là điều cô Quỳnh Anh vui nhất vì hũ kẹo đang thật sự đang lan tỏa mang theo những niềm vui cho thầy và trò ở trường học.

Đam mê ngành Sư phạm Văn

Mới ra trường, đi dạy bước sang năm thứ ba nhưng cô Trần Thị Quỳnh Anh là gương mặt giáo viên trẻ với nhiều dấu ấn. Không chỉ có nhiều ý tưởng trong dạy học, tương tác với học trò để môi trường học đường, quan hệ thầy trò thân thiện hơn cô còn đạt được nhiều thành tích ở các sân chơi sáng tạo cho nhà giáo trong và ngoài nước.

Cô giáo 9x Trần Thị Quỳnh Anh (ngoài cùng bên phải) tại Diễn đàn Giáo dục toàn cầu Microsoft 2017
Cô giáo 9x Trần Thị Quỳnh Anh (ngoài cùng bên phải) tại Diễn đàn Giáo dục toàn cầu Microsoft 2017

Mới đây, cô Trần Thị Quỳnh Anh là một trong những gương mặt đại diện cho giáo viên Việt Nam tham dự Diễn đàn Giáo dục toàn cầu Microsoft 2017 tổ chức tại Canada. Tại diễn đàn, cô Quỳnh Anh là một trong bốn gương mặt giáo viên Việt Nam đạt được những giải thưởng đặc biệt về ứng dụng công nghệ trong dạy học.

Trước đó, vào năm 2016, dự án học văn “Tôi yêu tiếng nước tôi” của cô Quỳnh Anh là dự án đoạt giải Nhất tại Chung kết hội thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin cấp quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức.

Dự án này ra đời với mong muốn học sinh sử dụng tiếng Việt đúng chuẩn; khơi gợi lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc qua tiếng nói của dân tộc mình; ý thức được việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Cô giáo 9X với nhiều giải thưởng ấn tượng - 5

Cô giáo trẻ với nhiều sáng tạo, phá cách trong dạy học và rất thân thiện, gần gũi học trò
Cô giáo trẻ với nhiều sáng tạo, phá cách trong dạy học và rất thân thiện, gần gũi học trò

Khi còn là học sinh, nữ sinh Quỳnh Anh đã rất yêu thích môn Văn, từng đoạt giải Nhất môn Văn thành phố năm lớp 12. Khi đi học, Quỳnh Anh thần tượng cô giáo dạy Văn của mình, mê mẩn khi nghe cô giảng bài, nói chuyện văn thơ và đó cũng là động lực để cô quyết định theo học Sư phạm Văn.

Những yêu thích, đam mê lại thêm cháy bỏng trong cô gái trẻ khi đứng lớp, tiếp tục trao lửa yêu thương đến học trò. Cô quan niệm, Văn học là môn đặc thù nên đòi hỏi cách dạy phải đổi mới để có thể chạm vào trái tim người học, giúp các em biết cảm thụ những giá trị, vẻ đẹp của cuộc sống, con người, của văn hóa… Đó cũng sẽ là động lực để cô tiếp tục có nhiều ý tưởng, sáng tạo trong dạy học.

Hoài Nam

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục